|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'PNJ có thể sẽ không có doanh thu mảng vàng miếng từ 2025 trở đi'

08:17 | 17/09/2024
Chia sẻ
Trong bối cảnh chưa nhận thấy sự thay đổi trong chủ trương siết chặt quản lý vàng đến từ các cơ quan chức năng, VDSC nhìn nhận tình trạng thiếu hụt nguồn cung cho vàng miếng sẽ tiếp diễn cho các năm sau, dẫn đến việc PNJ sẽ không có doanh thu từ mảng vàng miếng từ 2025 trở đi.

Trong báo cáo phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết mảng kinh doanh vàng miếng của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (Mã:PNJ) đóng góp doanh thu cao thứ hai sau mảng bán lẻ trang sức, ở mức 31,5% năm 2023.

Tỷ trọng đóng góp của mảng này tăng dần qua các năm từ 2019 theo diễn biến tăng của giá vàng SJC trong nước, thúc đẩy nhu cầu đầu tư vàng miếng của người dân.

 

 

Theo cập nhật mới nhất của VDSC, hiện trên toàn hệ thống PNJ không có (hoặc rất hiếm) hoạt động mua bán vàng miếng do thiếu hụt nguồn cung. Người dân hầu như chỉ mua, không có hoặc rất hiếm có việc bán lại vàng miếng.

Hiện chưa nhận thấy sự thay đổi trong chủ trương siết chặt quản lý này đến từ các cơ quan chức năng do mục tiêu quản lý xuyên suốt là không đổi, do vậy dự phóng tình trạng thiếu hụt nguồn cung cho vàng miếng sẽ tiếp diễn cho các năm sau. Điều này dẫn đến việc PNJ sẽ không có doanh thu từ mảng vàng miếng từ 2025 trở đi, đơn vị phân tích này nhìn nhận.

Thực tế, mảng kinh doanh vàng miếng chỉ là mảng phụ mà PNJ giữ lại để tiếp cận và thu hút khách hàng cho mảng cốt lõi là bán lẻ trang sức, do đó PNJ sẽ ưu tiên nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang thay vì tập trung vào kinh doanh vàng miếng. 

Cho mảng trang sức bán lẻ, áp lực này là thấp hơn và PNJ có thể đáp ứng được nhu cầu vàng nguyên liệu cho mảng này, do mảng trang sức không như vàng miếng, khi người tiêu dùng bán lại sẽ tính theo giá trị hóa đơn mua chứ không theo giá vàng lên xuống từng ngày, nên nhu cầu bán lại trang sức của người dân vẫn còn.

Bên cạnh đó, PNJ có biên lợi nhuận gộp cao cho mảng trang sức đến từ phần phụ trội từ thiết kế, dịch vụ, thương hiệu nên có khả năng trả cao hơn để lấy nguồn nguyên liệu vàng từ các bên, VDSC cho hay.

Đơn vị phân tích này dự phóng mảng bán lẻ trang sức của PNJ tiếp tục tăng trưởng 10,5%/năm trong giai đoạn 2024 - 2028, dựa trên giả định trọng yếu rằng PNJ vẫn có thể đảm bảo nguồn cung nguyên liệu vàng đầu vào cho mảng này, trong khi mảng kinh doanh vàng miếng sẽ bị hụt doanh thu từ 2025 do tiếp diễn tình trạng thiếu nguồn cung. 

 

Giả định trong trường hợp cơ quan quản lý siết chặt hơn nữa và lâu dài hoạt động kinh doanh vàng và nữ trang, PNJ có thể sẽ thiếu hụt nguồn cung không chỉ mảng vàng miếng mà cả mảng nữ trang. Doanh thu và lợi nhuận của PNJ nói riêng, và các nhà sản xuất – kinh doanh nữ trang có thương hiệu và tiềm lực tài chính nói chung, sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn.

Lúc này, doanh nghiệp có thể có các lựa chọn như sau:

Thứ nhất, duy trì hoạt động kinh doanh nữ trang bằng cách nhập nữ trang về bán. Nữ trang hoàn thiện khi nhập vào Việt Nam sẽ chịu thuế suất nhập khẩu 30%. Chúng tôi cho rằng biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đáng kể do tác động thêm của thuế suất này mà không thể chuyển hoàn toàn qua cho người tiêu dùng.

Thứ hai, PNJ có thể tìm hướng kinh doanh khác cho lợi nhuận tốt hơn. Trong các trao đổi gần đây của PNJ, công ty chia sẻ định hướng mở rộng sang các ngành hàng phục vụ phong cách sống khác. VDSC đánh giá đây cũng sẽ là một hướng đi tiềm năng cho PNJ trong bối cảnh hoạt động nữ trang gặp khó. Tuy nhiên, do chưa có thông tin về việc PNJ sẽ mở rộng sang ngành hàng nào nên vẫn để ngỏ khả năng này.

HK