|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Phú Yên - vùng trũng BĐS nghỉ dưỡng miền Trung chờ cú hích sau đại dịch

08:20 | 02/10/2021
Chia sẻ
Phú Yên đang thất thế trước Bình Định và Khánh Hoà trong thu hút vốn đầu tư. Dù vậy, với nhiều tiềm năng phát triển du lịch và khung giá đất còn thấp, Phú Yên gần đây đang nhận được sự quan tâm của các tên tuổi lớn đến tìm hiểu và đề xuất lập quy hoạch nhiều dự án quy mô lớn.
Bất động sản Phú Yên chờ cú hích sau đại dịch - Ảnh 1.

Nhiều dự án BĐS tại Phú Yên đang triển khai thi công. (Ảnh: apecgroup.net).

Vùng trũng BĐS nghỉ dưỡng của miền Trung

Phú Yên với bờ biển dài 189 km, nhiều nơi khúc khuỷu, quanh co, núi biển liền kề tạo nên nhiều vịnh, đầm, mũi, gành… mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ kỳ thú như đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô... hay như vịnh Xuân Đài là một vịnh đẹp gắn liền nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến vùng đất Phú Yên cũng như của cả nước. 

Địa phương này còn có nhiều danh thắng khác Gành Đá Đĩa, Bãi Xép, biển Vịnh Hoà, đồi cát Từ Nham, hòn Nưa, hòn Chùa, Nhất Tự Sơn, bãi Bàu, hòn Yến, Gành Đèn, thác Cây Đu, thác H’Ly, Cao nguyên Vân Hoà… được khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến.

Tuy hội đủ nhiều tiềm năng phát triển du lịch cũng như phát triển bất động sản nghỉ dưỡng nhưng hiện tại cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch vẫn chưa được nâng cấp đúng tiềm năng vốn có của Phú Yên.

Hiện Phú Yên chỉ có hơn 385 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với 6.250 buồng phòng, Trong đó, chỉ có ba khách sạn 5 sao, hai khách sạn 4 sao, ba khách sạn 3 sao với khoảng 900 buồng, phòng. Đây là một con số khá khiêm tốn với một địa phương có nhiều tiềm năng như Phú Yên.

Nếu so sánh với tỉnh láng giềng Khánh Hòa với hơn 1.140 cơ sở lưu trú với hơn 50.000 buồng, phòng thì Phú Yên đang ở rất xa về số lượng và chất lượng các cơ sở lưu trú.

Hay như tỉnh giáp ranh là Bình Định đang có 53 dự án đầu tư về du lịch. Trong số có 14 dự án đã hoàn thành hoặc hoàn thành từng phần đi vào hoạt động và 39 dự án đang triển khai đầu tư với các tên tuổi lớn như FLC, Hưng Thịnh, Bamboo Capital...

Trong những năm gần đây, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thị trường nghỉ dưỡng quanh khu vực, địa phương này đã và đang nỗ lực xúc tiến đầu tư, đặc biệt là nâng cấp hạ tầng để thu hút các dự án lớn về du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng.

Cụ thể, hạ tầng Phú Yên đang từng bước cải thiện khi đã có một số dự án giao thông được triển khai như dự án tuyến nối quốc lộ 1A (Đông Mỹ) đến Khu công nghiệp Hòa Hiệp (giai đoạn 1); dự án tuyến đường Phước Tân – Bãi Ngà (đoạn qua nhà máy lọc dầu Vũng Rô)...

Đáng chú ý là dự án tuyến đường giao thông từ cảng nước sâu Bãi Gốc (Khu kinh tế Nam Phú Yên) kết nối quốc lộ 1 đi Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa), với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Dự án này đã được thẩm định xong bước báo cáo nghiên cứu khả thi để trình phê duyệt dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2024.

Ngoài ra, Phú Yên còn đề xuất nâng cấp sân bay Tuy Hòa lên 5 triệu khách/năm. Hơn hết, dư địa phát triển của địa phương này vẫn còn nhiều và giá trị bất động sản vẫn ở mức thấp so với các tỉnh thành lân cận, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, tăng nguồn thu ngân sách để tiếp tục rót vốn vào các dự án hạ tầng.

Đơn cử, hồi đầu tháng 8/2021, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt Phương án và Kế hoạch thực hiện Phương án khai thác quỹ đất các dự án giai đoạn 2021 - 2025, nhằm khai thác tiềm năng từ quỹ đất tạo nguồn thu ngân sách để ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng.

Theo đó, địa phương này sẽ đấu giá 318 dự án, khu đất với tổng diện tích hơn 512 ha. Trong đó, có 19 dự án rộng hơn 182 ha do cấp tỉnh quản lý và 299 dự án rộng hơn 330 ha do các huyện, thị xã quản lý.

Thông qua việc đấu giá, đấu thầu các dự án nói trên, Phú Yên dự kiến thu về hơn 35.600 tỷ đồng.

Bất động sản Phú Yên chờ cú hích sau đại dịch - Ảnh 2.

Một góc vịnh Vũng Rô. (Ảnh: Zing News).

Chờ cú hích sau đại dịch

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Ngọc Tứ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phú Yên cho biết, hiện toàn tỉnh đang có 7 dự án bất động sản (một dự án Nhà ở xã hội và 6 dự án nhà ở thương mại) đang triển khai xây dựng với hơn 1.400 căn.

Bên cạnh đó là 7 dự án bất động sản khác đang hoàn tất thủ tục để khởi công xây dựng; ba dự án nhà ở đang hoàn tất thủ tục để trình cấp có thẩm quyền công nhận chủ đầu tư và 6 dự án nhà ở đang hoàn tất thủ tục để thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của pháp luật.

Ông Tứ cho biết thêm, thời gian qua Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo điều hành, cũng như đề nghị các địa phương có giải pháp kiểm soát quản lý thị trường bất động sản (BĐS), đảm bảo ổn định thị trường BĐS nên không xảy ra tình trạng sốt đất với các dự án "ma".

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phú Yên, nguồn cung BĐS trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện rất lớn gồm phân khúc nhà ở thương mại trong khu đô thị được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và đất nền.

"Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc tổ chức đấu giá (lựa chọn chủ đầu tư và đất nền) gặp nhiều khóa khăn ảnh hưởng đến kế hoạch thu ngân sách đã đề ra. Lượng giao dịch BĐS tại Phú Yên trong quý III cũng không cao như các tháng trước", ông Tứ cho hay.

Cụ thể, trong quý III/2021, Phú Yên chỉ ghi nhận 129 giao dịch BĐS. Chủ yếu là giao dịch đất nền trong khu dân cư với 106 giao dịch, giao dịch đất nền trong dự án với 16 giao dịch và giao dịch nhà ở hiện hữu trong khu dân cư với 7 giao dịch. Riêng giao nhà ở theo dự án không có giao dịch nào được ghi nhận.

Nói thêm về các dự án BĐS nghỉ dưỡng, ông Tứ cho biết Phú Yên vẫn là một trong những địa phương có tiềm năng về BĐS nghỉ dưỡng và trên địa bàn hiện có 6 dự án đang triển khai với 1.507 căn hộ du lịch và 445 biệt thự du lịch.

Theo ông Tứ, ngoài một số dự án BĐS nghỉ dưỡng đã đi vào hoạt động và một số dự án đang triển khai, thời gian qua cũng có nhiều nhà đầu tư lớn tìm hiểu đầu tư tại Phú Yên.

Cụ thể, 7/2021, Tập đoàn Hưng Thịnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên và trình bày phương án quy hoạch Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp vịnh Vũng Rô tại huyện Đông Hoà.

Phía Hưng Thịnh đưa ra hai phương án, phương án 1 với diện tích đất hơn 1.040 ha (bao gồm sân golf) và phương án 2, có diện tích khu đất thực hiện hơn 366 ha.

Trước đó vào tháng 6/2021, UBND tỉnh Phú Yên cũng có Quyết định phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 KĐT và du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ - Đá Bia, thuộc xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa.

Cụ thể, KĐT và du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ - Đá Bia rộng 338 ha gồm KĐT mới hơn 46 ha; khu dân cư hiện hữu chỉnh trang gần 11 ha; khu du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng hơn 280 ha.

Quy hoạch trên do Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex và đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch là CTCP Tư vấn Xây dựng Vinaconex.

Ngoài ra, hồi tháng 4/2021, Tập đoàn Novaland đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên và đề nghị được tìm hiểu, nghiên cứu và đề xuất đầu tư tổ hợp dự án bất động sản với quy mô khoảng 1.000 ha tại Phú Yên.

Theo đó, lãnh đạo tỉnh Phú Yên giới thiệu một số khu vực tiềm năng nhà đầu tư có thể nghiên cứu đề xuất như khu vực vịnh Vũng Rô , khu vực An Ninh Tây.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khải An

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.