|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tập trung hướng dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên

15:40 | 01/01/2022
Chia sẻ
"Bước sang năm 2022, với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và đang có biểu hiện không lành mạnh như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường kiểm soát", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay.

Ngành ngân hàng đã thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong năm 2021 nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, chủ động bám sát tình hình dịch bệnh, triển khai quyết liệt và mạnh mẽ hơn các giải pháp tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp từng bước khôi phục và phát triển nền kinh tế. 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã có trao đổi với báo chí về năm 2021 và các kế hoạch năm 2022 của ngành ngân hàng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tập trung hướng dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên - Ảnh 1.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Phóng viên: Thưa Phó Thống đốc, ngành ngân hàng sẽ có kế hoạch như thế nào để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 trong năm 2022?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Dịch bệnh diễn biến khó lường với sự xuất hiện của biến chủng Omicron khiến triển vọng kinh tế, lạm phát toàn cầu năm 2022 khó dự báo, đặt ra những khó khăn, thách thức mà ngành ngân hàng phải đối mặt. 

Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả thực hiện năm 2021, năm 2022 chúng tôi sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện một cách tối đa cho việc hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế.

Trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, chúng tôi cũng sẽ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2022 bình quân khoảng 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, ổn định vĩ mô cũng như quản lý tốt thị trường ngoại hối, thị trường vàng.

Đối với hoạt động tín dụng, nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19, hướng dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên, tập trung theo chỉ đạo của Chính phủ. 

Mặt khác hệ thống tín dụng cũng tạo điều kiện để khai thác tối đa các nguồn lực trong nền kinh tế, thông qua các tổ chức tín dụng góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ. Mục tiêu năm 2022 tăng trưởng tín dụng là 14%.

Năm 2021 chúng tôi đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 12%, tuy nhiên, để đảm bảo vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là khôi phục nền kinh tế và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang có nhu cầu vốn để xử lý nhu cầu cấp bách, chúng tôi đã nới tín dụng vào thời điểm cuối năm và đạt khoảng 13,5-14%.

Con số 14% cho năm 2022 là con số đặt ra cho mục tiêu điều hành nhưng cũng có thể cao hơn hoặc thấp hơn, tùy vào các nhu cầu vốn của nền kinh tế cũng như yêu cầu kiểm soát lạm phát, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Phóng viên: Xin Phó Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro trong năm 2022 như thế nào?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tiền tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, nhanh chóng khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế. 

Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Vào những thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng có khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, những tổ chức tín dụng thực hiện tốt việc giảm lãi suất cho vay để kịp thời cung ứng vốn cho doanh nghiệp, người dân. 

Tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực là động lực cho tăng trưởng kinh tế như: sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tập trung hướng dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên - Ảnh 2.

Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: VGP).

Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. 

Năm 2021, tổng dư nợ nền kinh tế đạt khoảng 10,38 triệu tỷ đồng, tăng 12,97% so với cuối năm 2020; 4/5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng chung của nền kinh tế.

Bước sang năm 2022, với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và đang có biểu hiện không lành mạnh như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường kiểm soát.

Đặc biệt, theo nhận định của các chuyên gia, sắp tới có thể xảy ra hiện tượng dòng tiền quay vòng, chảy sang chứng khoán, bất động sản. Việc kiểm soát dòng tiền này không dễ trong điều kiện thực tế hiện nay, nhưng chúng tôi sẽ tăng cường giám sát hơn nữa để các thị trường phát triển lành mạnh

Bên cạnh đó, sẽ siết chặt tín dụng cho bất động sản có tính chất đầu cơ, các dự án lớn. Tuy nhiên, riêng với bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực của người dân, Ngân hàng Nhà nước vẫn khuyến khích.

Với trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiến hành thanh, kiểm tra. Còn lĩnh vực chứng khoán, nếu thị trường phát triển lành mạnh, nguồn vốn vẫn sẽ được tạo điều kiện. Nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt nếu thị trường có dấu hiệu đầu cơ, tăng nóng.

Phóng viên: Dịch bệnh là một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu có xu hướng tăng trong năm qua. Vậy năm 2022, Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo gì để giúp các ngân hàng giảm áp lực và xử lý được nợ xấu, thưa Phó Thống đốc?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Dịch bệnh kéo dài trong suốt 2 năm qua và vẫn còn đang diễn biến phức tạp đã, đang và sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Những khó khăn như vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt gãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ... năm 2022 sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng do có độ trễ.

Đúng là nợ xấu sẽ tăng lên. Theo tính toán của chúng tôi nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu hiện vào khoảng 7,31%. 

Điều này khó đảm bảo thực hiện được mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn dưới 3%, tác động tiêu cực, trực tiếp đến chất lượng tài sản và năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng.

Vì vậy, năm 2022 xác định là một năm thử thách lớn cho ngành ngân hàng. Chính phủ đã chỉ đạo và ngành ngân hàng cũng đã có những giải pháp, trước hết phải đảm bảo an toàn tài chính cho các tổ chức tín dụng.

Để xử lý nợ xấu cũ, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu cũng đã mang lại hiệu quả tốt. Nếu như không có dịch thì đã hoàn thành rất tích cực những chỉ tiêu đề ra như việc xử lý khoản nợ xấu trước đây, nhưng do yếu tố khách quan từ đại dịch nên quy mô nợ xấu tăng nhanh.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã xác định quy mô nợ xấu trong năm 2022 và những năm tới để đưa ra những giải pháp ứng xử thích hợp trên cơ sở vừa ngăn chặn kiểm soát vừa không để nợ xấu tăng thêm.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để kiểm soát và xử lý nợ xấu; ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan. 

Đồng thời, tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, phấn đấu duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức an toàn.

Với Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng gần hết hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ, Quốc hội xem xét nâng Nghị quyết thành Luật Xử lý nợ xấu. Đó là những giải pháp tích cực để vừa ngăn chặn, vừa xử lý nợ xấu phát sinh do dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Nghị quyết 42 có thể nói sau một thời gian thí điểm thực hiện kết quả rất tích cực, giải quyết được khối nợ rất lớn, nếu như không có dịch thì Nghị quyết 42 đã giúp thực hiện giải quyết các khoản nợ xấu trước đây. 

Tuy nhiên, Nghị quyết 42 cũng cho thấy chúng ta trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, nợ xấu phát sinh không chỉ do chủ quan mà còn do khách quan của nền kinh tế, của đại dịch thì rất cần đạo luật có hiệu lực pháp lý cao hơn sẽ tạo điều kiện cho ngành ngân hàng cũng như các cơ quan chức năng có thể xử lý nợ xấu một cách tốt hơn, đảm bảo tiến độ nhanh hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn Phó Thống đốc!

Thuỳ Dương