|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Phải rời công ty do chính mình sáng lập: Chuyện xưa nay chẳng hiếm

20:05 | 06/10/2020
Chia sẻ
Câu chuyện "thuyền trưởng" Nguyễn Bá Dương rời Coteccons đang trở thành chủ đề gây xôn xao trong giới làm ăn Việt, thế nhưng, việc một Chủ tịch rời công ty do chính mình sáng lập xưa nay không còn là chuyện lạ trên thế giới. Từ Steve Jobs tới Travis Kalanick, tất cả đã đều phải ngậm trái đắng bởi những sai lầm trong quá khứ.

Vào buổi chiều cuối tháng 6, trên bục phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên của Coteccons, một người đàn ông trung niên trong bộ vest đen quen thuộc, chậm rãi cúi đầu xin lỗi cổ đông vì những mẫu thuẫn giữa HĐQT và cổ đông chiến lược trong thời gian qua.

Đó là ông Nguyễn Bá Dương - "kiến trúc sư trưởng" và linh hồn của Coteccons.

"Tôi chắc chắn rằng với HĐQT mới này, tôi sẽ khiến họ ủng hộ chúng tôi", ông Dương khi ấy khẳng định.

Vậy nhưng, chỉ vỏn vẹn 4 tháng sau, ông Nguyễn Bá Dương đã bất ngờ nói lời chào tạm biệt công ty do chính mình sáng lập và điều hành suốt gần 2 thập kỉ. Bất ngờ là ở chỗ, kịch bản thuyền trưởng Nguyễn Bá Dương rời Coteccons là sớm hơn nhiều so với các đoán định trước đó.

Bằng việc rời khỏi Coteccons, Nguyễn Bá Dương - người được ví là ông trùm" ngành xây dựng Việt Nam đã vừa gia nhập câu lạc bộ dành cho những người bị "hất cẳng" khỏi công ty của mình - gồm nhiều tên tuổi như Steve Jobs của Apple, Travis Kalanick của Uber hay Jack Dorsey của Twitter,...

Đặng Văn Thành (Sacombank)

Phải rời công ty do chính mình sáng lập: Chuyện xưa nay chẳng hiếm - Ảnh 1.

Đặng Văn Thành - người sáng lập Sacombank. (Ảnh: Người Đưa tin).

"Tôi vào điều hành Sacombank nhưng thương hiệu Sacombank vẫn luôn gắn chặt với tên tuổi ông Đặng Văn Thành và vẫn là Thành Sacombank, còn tôi chỉ là Minh Him Lam".

Đó là lời thừa nhận của ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), trong buổi lễ kỉ niệm 28 năm thành lập ngân hàng này.

Ông Đặng Văn Thành, được biết đến như một người sáng lập Sacombank đầu tiên. Ông bắt đầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Sacombank từ năm 1995 đến năm 2012.

Tại thời điểm thành lập năm 1991, vốn điều lệ của Sacombank khi ấy chỉ vỏn vẹn 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, dưới bàn tay của ông Đặng Văn Thành, Sacombank đã trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn và uy tín tại Việt Nam.

Năm 2006, Sacombank niêm yết thành công và là ngân hàng đầu tiên lập công ty quản lí quĩ và công ty cho thuê tài chính.

Tính đến năm 2012, thời điểm cuối cùng ông Thành ở tại Sacombank, vốn điều lệ lúc đó của Sacombank đã lên tới 10.000 tỉ đồng, tổng tài sản gần 150.000 tỉ đồng và lợi nhuận hàng năm xấp xỉ 4.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, tháng 2/2012, một nhóm cổ đông đến từ Eximbank tuyên bố đã chính thức "thâu tóm" được Sacombank, nắm trong tay số cổ phiếu đại diện cho 51% vốn điều lệ của ngân hàng. Cũng lúc này, nhóm cổ đông mới yêu cầu thay đổi ban lãnh đạo Sacombank.

Chỉ 2 tháng sau đó, ông Thành thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT và rời Sacombank.

Sau 7 năm rời xa ngành ngân hàng, tin đồn về việc ông Đặng Văn Thành một lần nữa sẽ quay về lãnh đạo Sacombank lại rộ lên trong thời gian gần đây.

Trả lời tờ Diễn đàn doanh nghiệp, ông Thành nói rằng: "Có người hỏi tôi có trở lại ngành ngân hàng không: Tôi sẵn sàng trở lại, có thể không làm Sacombank, mà làm nơi khác".

Nguyễn Xuân Bảng (Descon)

Phải rời công ty do chính mình sáng lập: Chuyện xưa nay chẳng hiếm - Ảnh 2.

ĐHCĐ bất thường năm 2010 đánh dấu sự chấm dứt 20 năm gắn bó với Desco của ông Nguyễn Xuân Bảng. (Ảnh: Vietnamnet).

Trung tuần tháng 12/2010, cuộc họp ĐHCĐ bất thường của công ty xây dựng Descon tại khách sạn Duxton. 

Mâu thuẫn nội bộ của Descon bắt đầu từ việc nhóm cổ đông lớn do ông Trịnh Thanh Huy - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Bình Thiên An (BTA) và bà Nghiêm Bách Hương đã yêu cầu miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Xuân Bảng - người sáng lập Descon và Thành viên HĐQT của ông Nguyễn Văn Thương.

Sau đó, ĐHCĐ của Descon đã bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Nguyễn Xuân Bảng với tỉ lệ tán thành 81,63% và bầu thêm hai thành viên HĐQT mới. Đánh dấu sự ra đi của ông Nguyễn Xuân Bảng sau 20 năm gắn bó với Descon.

Tờ Nhịp cầu đầu tư khi ấy ghi lại, phát biểu tại cuộc họp  ông Nguyễn Cửu Long – Nguyên Thành viên Hội đồng quản trị của Descon nói rằng:  Ban đầu, sự xuất hiện của BTA đã đem lại nhiều lợi ích cho công ty. Tuy nhiên sau đó, từng thành viên Hội đồng quản trị đã rời công ty. Descon hiện tại không còn một ai là người trong bộ máy quản l‎í của Descon cũ.

Bà Nghiêm Bích Hương được bầu trở thành chủ tịch mới của Descon. Đây được nhận xét là cuộc "lật đổ" chóng vánh nhất trong giới doanh nghiệp.

Descon được niêm yết vào cuối năm 2007 và được các nhà đầu tư quan tâm khi trở thành mục tiêu thâu tóm của nhóm cổ đông liên quan đến ông Trịnh Thanh Huy và Bình Thiên An.

Sức hấp dẫn của Descon không chỉ dừng lại ở thương hiệu, mà còn một loạt công trình và dự án Descon đang triển khai. Trong đó, riêng Dự án PRECHE (Quận 2, TP HCM) đã có giá thị trường khoảng 25-30 triệu USD, xấp xỉ vốn hóa Descon thời điểm bấy giờ.

Chỉ một năm sau khi ông Bảng rời Descon, cổ phiếu DCC đột ngột bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin, cũng kể từ đó thông tin về Descon gần như bặt tăm trên thị trường.

Steve Jobs (Apple)

Bị 'hất cẳng' khỏi công ty do chính mình sáng lập: Chuyện xưa nay chẳng hiếm! - Ảnh 1.

Steve Jobs - sáng lập Apple. (Ảnh: Business Insider).

Khởi nghiệp Apple từ những năm 20 tuổi, Steve Jobs khi ấy nghĩ rằng mình cần một ai đó có nhiều kinh nghiệm hơn, một người nắm trách nhiệm cố vấn và hướng dẫn cho mình trong việc điều hành Apple.

Và cuối cùng, bằng câu nói nối tiếng: "Ông muốn cả đời này đi bán nước ngọt hay cùng tôi thay đổi thế giới", Jobs đã thuê được John Sculley - Giám đốc Marketing của Pepsi.

Mỉa mai thay, chỉ hai năm sau đó, Sculley chính là người đá Steve Jobs ra khỏi vị trí phụ trách mảng máy tính Macintosh - mảng kinh doanh chính và gần như là duy nhất của Apple thời đó. Kết quả là Steve Jobs đã phải rời bỏ Apple.

Việc bị sa thải khỏi chính công ty do mình sáng lập đã trở thành cú sốc lớn với Steve Jobs tại thời điểm đó. Ông tức giận đến mức đã ném vỡ bức ảnh chụp chung của mình với Sculley.

"Tôi có thể nói được gì? Tôi đã chiêu mộ nhầm người rồi", Steve Jobs cay đắng nói với phóng viên tờ BBC.

"Ở tuổi đó, tôi đã bị sa thải một cách phũ phàng. Những điều mà tôi theo đuổi trong suốt cuộc đời đã biến mất, chúng đã bị phá huỷ", Steve Jobs nhấn mạnh.

Rời khỏi Apple, Steve Jobs đã bán toàn bộ cổ phiếu của hãng với giá 11 triệu USD. Số tiền đó sau này đã giúp ông thành lập một công ty máy tính khác có tên gọi là NeXT.

Đến năm 1996, Apple phải chi ra hơn 400 triệu USD để mua lại NeXT, đồng thời thuyết phục được Steve Jobs quay trở về công ty do mình sáng lập, trở thành Giám đốc điều hành như chúng ta biết ngày nay.

Travis Kalanick (Uber)

Bị 'hất cẳng' khỏi công ty do chính mình sáng lập: Chuyện xưa nay chẳng hiếm! - Ảnh 2.

Travis Kalanick - sáng lập Uber. (Ảnh: Business Insider).

"Tôi yêu Uber hơn bất kì thứ gì trên đời. Và vào thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời, tôi chấp nhận rút lui theo yêu cầu của các nhà đầu tư để Uber có thể phát triển trở lại thay vì bị phân tán bởi một cuộc chiến khác", Travis Kalanick chia sẻ khi từ chức vào năm 2017 dưới sức ép của HĐQT.

Kalanick được biết đến là người đồng sáng lập Uber - ứng dụng gọi xe công nghệ mà sau này mở rộng sang nhiều mảng khác như giao hàng, giao đồ ăn... và thậm chí đang tham vọng phát triển dịch vụ chia sẻ trực thăng.

Dưới thời Kalanick, Uber phát triển mạnh mẽ nhưng cũng trải qua nhiều khủng hoảng về văn hoá doanh nghiệp. Năm 2017, sau một loạt tai tiếng - từ chiến dịch #DeleteUber chứng kiến 200.000 người gỡ bỏ ứng dụng đến các cáo buộc về văn hóa từ cựu kĩ sư Susan Fowler.

Khi ấy, đang trong thời gian nghỉ phép sau cái chết của mẹ, CEO Uber đã bị 5 nhà đầu tư lớn ép phải từ chức. Ông rời khỏi công ty ngay sau đó.

Rời Uber, Kalanick đã xây dựng một startup mới có tên là CloudKitchens. Rất nhanh chóng, công ty khởi nghiệp mới của Kalanick đã được rót 400 triệu USD từ Quỹ đầu tư quốc gia Arab Saudi. Năm 2019, trên thị trường CloudKitchens được định giá 5 tỉ USD.

Adam Neumann (WeWork)

Bị 'hất cẳng' khỏi công ty do chính mình sáng lập: Chuyện xưa nay chẳng hiếm! - Ảnh 3.

Adam Neumann - đồng sáng lập WeWork. (Ảnh: CNBC).

Vài năm trước, trong một cuộc thảo luận đầu tư đưa định giá của startup chia sẻ văn phòng WeWork lên 20 tỉ USD, tỉ phú Masayoshi Son của SoftBank khi ấy đã hỏi Adam Neumann - đồng sáng lập WeWork rằng: "Trong một cuộc chiến, người thông minh hay kẻ điên - ai sẽ là người chiến thắng".

"Gã điên"- Neumann nhìn thẳng vào mắt vị tỉ phú và nói. Masayoshi sau đó đáp lại: "Chính xác. Nhưng anh.... chưa đủ điên".

Một thời gian ngắn sau, Neumann đã buộc phải rời khỏi vị trí điều hành WeWork, sau khi công ty này bị bốc hơi hơn 32 tỉ USD trước thềm IPO, sau những thông tin liên quan đến Neumann về việc chèn ép bóc lột nhân viên làm việc đến kiệt sức cùng việc cổ súy văn hóa công ty tiệc tùng trụy lạc.

Đầu năm nay, đồng sáng lập startup này Miguel McKelvey cũng chính thức rời công ty.

Tuy không còn là CEO, tài sản của Neumann vẫn gắn bó chặt chẽ với WeWork. Theo thông tin hồ sơ mới nhất, Neumann và McKelvey đang nắm giữ 114 triệu cổ phiếu của công ty thông qua We Holdings LLC, trong khi bản thân Neumann cũng sở hữu riêng 2,4 triệu cổ phiếu khác.

Hiện WeWork đang nằm dưới trướng của SoftBank với một ban lãnh đạo hoàn toàn mới.

Jack Dorsey (Twitter)

Bị 'hất cẳng' khỏi công ty do chính mình sáng lập: Chuyện xưa nay chẳng hiếm! - Ảnh 4.

Jack Dorsey - đồng sáng lập Twitter. (Ảnh: Business Insider).

Năm 2006, trang mạng xã hội Twitter được ra đời bởi 4 người bạn gồm Jack Dorsey, Evan Williams, Biz Stone và Noah Glass.

Trong những ngày đầu công ty mới thành lập, Dorsey được giao giữ vị trí CEO công ty. Tuy nhiên, không lâu sau đó trong công ty xuất hiện những cuộc bàn tán về phong cách quản lí yếu kém, thiếu kết nối với HĐQT,... của vị CEO trẻ tuổi.

Nhân viên nói rằng Jack Dorsey không truyền được cảm hứng cho họ như những startup công nghệ khác tại Thung lũng Silicon.

Năm 2008, việc kinh doanh của Twitter không suôn sẻ khiến Jack bị chính người bạn, đồng sáng lập và cũng là nhà đầu tư chính Evan Williams sa thải.

Sau khi Jack bị "đuổi cổ" khỏi công ty do chính mình tạo nên, Twitter đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng. Cuối cùng, năm 2015, HĐQT Twitter cũng đã thuyết phục được Jack quay trở lại công ty để tìm phương hướng giải quyết khó khăn mà Twitter gặp phải.

Hiện nay, Twitter có hơn 328 triệu người dùng, giá cổ phiếu đã tăng trưởng trở lại. Đây là mạng xã hội được nhiều người nổi tiếng trên thế giới yêu thích, trong đó có Tổng thống Mỹ Donal Trump, ca sĩ Rihanna, tỉ phú Elon Musk.

Thành công của Twitter và Square giúp Jack Dorsey sở hữu tài sản lên đến 4,6 tỉ USD và là một trong những tỉ phú công nghệ tự thân có sức ảnh hưởng lớn thế giới.

Thiên Trường