PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Hạ lãi suất cần cân nhắc đến tỷ giá, tác động từ Fed sẽ có độ trễ
Hạ lãi suất OMO cần chú ý đến tỷ giá
Trong khoảng thời gian vài tuần trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chiều chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bắt đầu có những động thái nới lỏng trên thị trường liên ngân hàng.
Cụ thể, từ tháng 8, nhà điều hành đã liên tục giảm lãi suất tín phiếu, OMO, rồi sau đó ngừng hẳn hoạt động phát hành tín phiếu từ ngày 26/8 và liên tục duy trì trạng thái bơm ròng. Nhờ những động thái trên, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm nhanh.
Theo đó, đến ngày 17/9, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã xuống mức 3,21%/năm, thấp nhất kể từ cuối tháng 6. So với thời điểm đầu tháng 9, lãi suất liên ngân hàng đã giảm 1,31 điểm %.
Nhận định về các động thái gần đây của NHNN, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Trường Kinh doanh UEH, cho biết việc tỷ giá hạ nhiệt đã giúp nhà điều hành có nhiều dư địa để giảm lãi suất OMO, từ đó hạ lãi suất thị trường và hỗ trợ cho việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Cùng với đó, thanh khoản hiện đang tốt hơn giai đoạn trước, cũng sẽ là điều kiện để giúp các ngân hàng giảm lãi suất huy động, cho vay trong thời gian tới.
Theo ông, tác động của việc giảm lãi suất OMO đến lãi suất cho vay của từng ngân hàng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả tình trạng nợ xấu đang gia tăng. Nhưng nhìn chung, ngành này vẫn sẽ được hưởng lợi từ một số động thái nới lỏng gần đây của NHNN.
Dù vậy, chuyên gia cũng cảnh báo “mới vừa giảm lãi suất OMO thôi thì tỷ giá đã tăng trở lại rồi. Nói chung sẽ là bài toán đánh đổi. [...] Hy vọng khi Fed giảm lãi suất thì Việt Nam sẽ có nhiều dư địa để hạ lãi suất hơn. Tuy nhiên, vẫn cần cân nhắc về yếu tố tỷ giá”.
Sau khi tỷ giá USD/VND trên thị trường ngoại hối quốc tế xuống mức 24.530 vào cuối tuần trước, tỷ giá này đã nhanh chóng vọt lên qua mốc 24.600 khi ngân hàng nhà nước có động thái hạ lãi suất OMO. Hiện nay, tỷ giá ở mức 24.590 ngay cả sau thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất tới 50 điểm cơ bản (bps).
Tương tự, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng đã chạm đáy trước khi NHNN điều chỉnh lãi suất OMO và hiện đã bắt đầu nhích lên khi lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm sâu. Tại Vietcombank, tỷ giá bán ra đã xuống mức thấp là 24.720 VND/USD vào ngày 16/9. Nhưng đến ngày 19/9, tỷ giá bán ra đã quay đầu tăng lên mức 24.780 VND/USD.
Về động thái mới đây của Fed, ông Huân cho biết chính sách tiền tệ sẽ có độ trễ. “Fed tác động lên thế giới, truyền dẫn vào thế giới rồi mới tác động tới thị trường Việt Nam. Do đó, giảm lãi suất mới chỉ là yếu tố tâm lý, còn tác động thực sự sẽ không ngay lập tức”, chuyên gia nhận định.
Đà tăng lãi suất huy động chậm lại nhờ nỗ lực của NHNN
Trong báo cáo vĩ mô tháng 9, Chứng khoán MBS nhận định những đội thái nới lỏng gần đây của NHNN đã giúp lãi suất huy động tăng chậm lại. Thậm chí, có một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,1 đến 0,3 điểm %.
Tuy nhiên, việc nợ xấu tăng cao (nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6/2024 đã tăng 5,77% so với cuối năm 2023) đã thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản, MBS cho hay.
Mặc dù lãi suất huy động tại các ngân hàng đã xuất hiện nhiều đợt điều chỉnh tăng, song lãi suất 12 tháng trung bình của nhóm ngân hàng thương mại chỉ nhích nhẹ 6 bps so với đầu năm lên mức 4,9%, trong khi lãi suất của nhóm quốc doanh vẫn giữ nguyên ở mức 4,68%, thấp hơn 26 bps so với đầu năm.
Các chuyên viên phân tích dự báo rằng sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm, sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào.
Tuy nhiên, nhờ việc Fed hạ lãi suất và nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN sẽ khiến lãi suất huy động tăng thêm 20 bps, dao động ở mức 5,1% - 5,2% vào cuối năm 2024. Trong báo cáo tháng 8, MBS từng dự báo lãi suất sẽ tăng tới 50 bps, lên khoảng 5,2% đến 5,5%.