|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Ông lớn khu công nghiệp VSIP: Tài sản tỷ USD, liên tục mở rộng quỹ đất

09:37 | 21/12/2023
Chia sẻ
Quỹ đất của VSIP hiện đã lên đến 11.000 ha, vượt Kinh Bắc, Viglacera, IDICO và Sonadezi. Thời gian tới, ông lớn này dự kiến phát triển thêm hàng chục khu công nghiệp mới.

Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. (Ảnh: VSIP).

VSIP được thành thập bởi sự hợp tác giữa Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC - Mã: BCM) và Sembcorp Development Ltd. (Singapore). Doanh nghiệp này thuộc “top 5 ông lớn” nắm trong tay hàng nghìn ha đất khu công nghiệp trên cả nước.

Cụ thể, đến nay đã có 14 khu công nghiệp VSIP tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam với quy mô khoảng 11.000 ha, thu hút gần 20 tỷ USD vốn đầu tư. Nếu so với Kinh Bắc, Viglacera, IDICO, Sonadezi thì liên doanh này hiện đang dẫn đầu về quỹ đất.

Hồi tháng 3/2023, tại Thành phố mới Bình Dương đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa VSIP với đại diện lãnh đạo 9 tỉnh thành. Theo thỏa thuận được ký kết, VSIP và 9 tỉnh, thành phố gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định sẽ tiến hành nghiên cứu tính khả thi cho các khu công nghiệp, trung tâm đô thị và dịch vụ.

Các dự án khả thi sẽ được ký kết thỏa thuận hợp tác và được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ Chính phủ.

Đến cuối tháng 8, tại Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam – Singapore, các nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ công bố các văn kiện ghi nhớ hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore, trong đó có biên bản hợp tác phát triển 12 dự án VSIP mới tại các địa phương của Việt Nam (Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Bình, Hải Phòng, Tây Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Quảng Ngãi, Thái Bình).

Cũng tại sự kiện, VSIP được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án mới gồm VSIP Lạng Sơn và Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2, tỉnh Bình Thuận. Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng khởi công VSIP Cần Thơ, VSIP Bắc Ninh 2 và VSIP Nghệ An 2.

Để tiếp tục kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, thời gian gần đây, VSIP đã đến một số địa phương để tìm hiểu cơ hội và đề xuất ý tưởng dự án.

Đơn cử, vào tháng 11, Liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC, Mã: BCM) - Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (Mã: GVR) đã đề xuất chủ trương khảo sát, nghiên cứu phát triển hai dự án tại địa phương.

Đầu tiên là dự án Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Ninh Xuân với quy mô dự kiến 2.340 ha. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Ninh Xuân, huyện Ninh Hòa. Ranh giới phía Đông giáp đường ĐT8, hồ Suối Trầu, núi Hòn Ngạn; phía Tây giáp sông Cái, đất quốc phòng, đất dân; phía Nam giáp đất dân, đường ĐT5, núi Hòn Máng; phía Bắc giáp QL26, sông Cái. Kế hoạch thực hiện dự án dự kiến từ năm 2023 đến năm 2035.

Tiếp theo là Khu đô thị - Dịch vụ Diên Khánh với quy mô dự kiến 500 ha. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Diên Thạnh và xã Diên Bình (huyện Diên Khánh). Ranh giới phía Đông giáp đất dân, QL 1A; phía Tây giáp HL39, đất dân cư hiện hữu; phía Nam giáp đất dân (đất lúa và dân cư hiện hữu); phía Bắc giáp đường Cao Bá Quát, đất dân cư hiện hữu. Kế hoạch thực hiện dự án dự kiến từ năm 2023 đến năm 2030.

Về đề xuất này, UBND tỉnh vừa có văn bản đồng ý về mặt chủ trương cho phép Liên danh nói trên được nghiên cứu, khảo sát tổng thể hai dự án với tổng quy mô dự kiến khoảng 2.340 ha.

Tại buổi làm việc mới đây với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đại diện VSIP đã báo cáo ý tưởng đầu tư Khu công nghiệp La Sơn (giai đoạn 1) với diện tích khoảng 500 ha. Khu công nghiệp được định hướng là khu công nghiệp tổng hợp, đa ngành với các ngành chủ yếu là chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản; công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp gia công, in ấn bao bì, sản xuất cơ khí, điện tử, may mặc...

VSIP cũng vừa có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai và mong muốn địa phương tạo điều kiện để doanh nghiệp khảo sát, tìm hiểu để có những đề xuất đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phù hợp.

Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ cũng vừa ký bản ghi nhớ với CTCP VSIP Cần Thơ về việc nghiên cứu, xây dựng đề xuất dự án KCN Vĩnh Thạnh 2 quy mô khoảng 519 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 7.250 tỷ đồng.

Quỹ đất tạm tính của VSIP. (H.L tổng hợp).

VSIP liên tục tăng vốn và huy động trái phiếu trong bối cảnh mở rộng quỹ đất và khởi công mới một số khu công nghiệp lớn.

HĐQT Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC, Mã: BCM) mới đây đã thông qua việc góp tăng vốn điều lệ cho Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP).

Vốn điều lệ của VSIP gần 1.623 tỷ đồng, phần vốn tăng thêm là gần 1.056 tỷ đồng, trong đó Becamex IDC sẽ góp thêm hơn 517 tỷ đồng. Vốn điều lệ sau khi thay đổi là hơn 2.678 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu của Becamex IDC vẫn là 49% Thời hạn góp vốn trong quý IV/2023.

Hồi cuối tháng 9 vừa qua, VSIP cũng có một đợt tăng vốn điều lệ từ 1.025 tỷ đồng lên 1.623 tỷ đồng. Cũng trong tháng 9, doanh nghiệp này huy động thành công hai lô trái phiếu trong nước với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng.

Ngày 25/9, Becamex IDC cũng cho biết đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm, phát hành ngày 5/7/2023, đáo hạn ngày 5/7/2028. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang có kế hoạch huy động tối đa 1.300 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ và vay 1.500 tỷ đồng từ ngân hàng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.

Tại ngày 30/6/2023, quy mô tổng tài sản của VSIP đạt khoảng 24.477 tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD). Nếu so với một số doanh nghiệp cùng ngành, tổng tài sản của VSIP hiện chỉ kém Kinh Bắc. Cụ thể, Kinh Bắc (33.747 tỷ đồng), Viglacera (23.606 tỷ đồng), Sonadezi (22.884 tỷ đồng), Đầu tư Sài Gòn VRG (20.333 tỷ đồng), IDICO (16.898)...

(Đồ họa: H.L).

Công Tâm