Nước Mỹ gặp rắc rối vì ăn quá ít thịt heo
Tại Mỹ, từ các nhà máy chế biến thịt heo khổng lồ cho đến nông dân chăn nuôi heo, tất cả đều đang gặp khó khăn vì chính thành công năm xưa của mình. Họ sản xuất hiệu quả đến mức cầu không thể theo kịp cung.
Các chiến dịch quảng cáo nhấn mạnh thịt heo là một loại thịt trắng tuy có hiệu quả trong việc tiếp cận khách hàng, nhưng đây không phải là cách tốt nhất để tiếp thị sản phẩm.
Một số chuyên gia trong ngành cho rằng kiểu quảng cáo này khiến người tiêu dùng trực tiếp so sánh thịt heo với thịt gà - loại thịt trắng có giá cả phải chăng hơn, theo Wall Street Journal.
Và phần lớn công chúng Mỹ tin rằng thịt heo cần phải nấu ở nhiệt độ cao hơn, nhưng cách chế biến này lại vô tình khiến thịt dai và mất ngon. Người trẻ Mỹ vẫn thích ăn sandwich kẹp thịt gà, nhưng họ không mua nhiều thịt hơn như trước.
Nhìn chung, ngành công nghiệp chăn nuôi heo của Mỹ đang đứng trước một tương lai đáng ngại và chưa ai tìm ra giải pháp hợp lý để gỡ rối vấn đề.
Một số người cho rằng doanh nghiệp nên tìm kiếm thị trường nước ngoài mới. Một số khác đang cố gắng đóng gói thịt heo, quảng cáo chúng như sản phẩm thay thế dễ chế biến và có giá vừa phải cho thịt bò.
Tuy nhiên, một phe khác nghĩ giải pháp phù hợp nhất là khuyến khích người dân không nấu thịt heo quá chín và bổ sung mỡ vào thịt.
Thừa thãi thịt heo
Theo ước tính từ Đại học bang Kansas, nhu cầu thịt heo của Mỹ đã giảm hơn 9% so với khoảng 20 năm trước. Trong khi đó, nguồn cung tăng hơn 25% so với hai thập kỷ trước.
Hiệp hội Ngân hàng Mỹ nhấn mạnh tình trạng dư cung đã đẩy biên lợi nhuận của các nhà sản xuất xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998. Trong ngành công nghiệp quy mô hơn 50 tỷ USD này, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều đang chịu tổn thất.
Các công ty chế biến lớn như Tyson Foods lỗ hàng triệu USD từ mảng kinh doanh thịt heo vào năm ngoái. Theo ước tính của Đại học bang Iowa, nông dân Mỹ hiện lỗ khoảng 30 USD cho mỗi con heo.
Nếu các nhà sản xuất không thể thu hút thêm khách hàng trẻ, mức tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người sẽ giảm gần 1 kg mỗi năm trong thập kỷ tới, từ mức 22,7 kg hồi năm ngoái, nghiên cứu của Uỷ ban Thịt heo Quốc gia Mỹ (NPB) chỉ ra.
Ông David Newman, Phó Chủ tịch cấp cao của NPB, cho hay: “Ngành công nghiệp thịt heo Mỹ đang mất khác, đó là sự thật. Chúng tôi cần làm cho các khách hàng tương lai quan tâm thịt heo hơn”.
Những giai thoại về thịt heo
Người châu Âu được cho là đã mang những con heo đầu tiên đến Mỹ vào đầu những năm 1500. Họ coi heo là nguồn thức ăn khi đi thám hiểm và định cư ở vùng đất mới lạ này.
Đến những năm 1600, số lượng heo ở Bắc Mỹ tăng mạnh đến mức đảo Roosevelt ở thành phố New York được gọi là “Đảo Heo”.
Sau cuộc Chiến tranh Cách mạng, nông dân đưa đàn heo về phía tây và các nhà máy chế biến thịt cũng theo chân họ đến những thành phố như Cincinnati. Về sau, Cincinnati nổi tiếng đến độ được người dân gọi là “Thành phố Thịt heo”.
Sau đó, đàn heo dần di chuyển tới các bang trồng ngô ở vùng thượng Trung Tây, nhờ đó các nhà sản xuất có thể tiếp cận nguồn thức ăn chăn nuôi rẻ hơn.
Sự xuất hiện của ngày càng nhiều trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp, cùng với việc năng suất cây trồng cải thiện và nhu cầu thịt heo của nước ngoài gia tăng, đã thổi thêm sinh khí cho ngành công nghiệp thịt heo Mỹ vào cuối thế kỷ 20.
Kể từ thập niên 1980, sản lượng thịt heo ở Mỹ tăng gần gấp đôi. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự đoán trong năm nay, ngành này sẽ sản xuất gần 14 triệu tấn thịt heo từ khoảng 125 triệu con heo.
Lĩnh vực chăn nuôi heo ước tính đóng góp khoảng 57 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ và sử dụng 610.000 lao động. Ở Iowa, bang sản xuất thịt heo hàng đầu đất nước, số lượng heo hiện cao gấp 8 lần số dân.
Cái giá khi quá thành công
Sản xuất và mở rộng quá hiệu quả là một nguyên nhân khiến ngành công nghiệp thịt heo rơi vào rắc rối như bây giờ, Wall Street Journal cho hay.
Ông Todd Thurman, nhà tư vấn đang làm việc ở Texas, cho biết tốc độ tăng trưởng sản lượng đang vượt cả nhu cầu lẫn tốc độ tăng trưởng dân số. “Chúng tôi là nạn nhân của sự thành công mà chính chúng tôi tạo nên...”, ông Thurman nói.
Ở diễn biến khác, từ thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970, thịt bò là lựa chọn số một của người tiêu dùng Mỹ, trong khi thịt heo giữ vị trí thứ hai.
Song, thịt gà đã vượt qua thịt heo vào năm 1986 khi sản lượng gia cầm tăng vọt, khiến nó trở thành loại protein rẻ nhất trong cả ba. Đến năm 1993, gà trở thành loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở Mỹ.
Và như đã nói, nhiệt độ chế biến cũng là yếu tố khiến thịt heo thất thế tại Mỹ.
Nhà kinh tế Glynn Tonsor của Đại học bang Kansas cho biết trong nhiều năm, người Mỹ nấu thịt heo ở nhiệt độ bên trong miếng thịt là 74 hoặc 76 độ C để ngừa bệnh giun xoắn. Nấu ở nhiệt độ cao khiến miếng thịt quá chín.
USDA đã hạ nhiệt độ nấu ăn an toàn đối với thịt heo xuống 62 độ C vào năm 2011 nhưng nhiều người vẫn nấu theo khuyến nghị cũ.
Chế biến đơn giản hơn
Tại phòng thí nghiệm của Smithfield Foods ở Virginia, các chuyên gia đang đặt cược vào thứ mà họ nghĩ có thể là lời giải cho những rắc rối của ngành công nghiệp thịt heo: thịt xông khói.
Nhằm tạo ra một sản phẩm phù hợp với lịch trình bận rộn của người dân, Smithfield sắp giới thiệu loại thịt xông khói nấu nhanh dưới thương hiệu Farmer John.
Thịt xông khói này sẽ được rang lên trước khi đóng gói, Smithfield nói quá trình này sẽ giảm thời gian nấu nướng xuống một nửa. Thịt xông khói giòn thường mất khoảng 20 phút trong lò nướng. Phiên bản mới chỉ mất khoảng 10 phút.
Thịt sẽ được đóng gói sẵn trong giấy nến để người tiêu dùng dễ dàng cho vào lò vi sóng, lò nướng hoặc nồi chiên không dầu.
Giám đốc tiếp thị của Smithfield là bà Stephanie Kensicki cho biết các sản phẩm có thời gian chuẩn bị nhanh hơn có thể giúp thịt heo quay trở lại bàn ăn của người Mỹ.
Giữa lúc đó, CEO Donnie King cho biết Tyson Foods đang rút xương nhiều thịt giăm bông hơn để sản xuất các loại thịt dùng cho bữa trưa. Công ty cũng sẽ tung ra thị trường các loại thịt thăn tẩm gia vị.
“Chúng tôi đang nỗ lực để việc chuẩn bị bữa ăn trở nên dễ dàng hơn”, ông King nói.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể sắp nhìn thấy nhiều quảng cáo kỹ thuật số hơn. Các quảng cáo này sẽ tập trung vào từng địa phương và nhóm nhân khẩu học khác nhau, được tài trợ bởi NPB.
Chẳng hạn, người mua hàng ở Houstan có thể bắt gặp hướng dẫn làm món pozole Mexico khi lướt ứng dụng Instagram.
Tìm thị trường mới như Việt Nam
Các nhà sản xuất thịt heo Mỹ cũng đang ngày càng kỳ vọng về người tiêu dùng ở các nước khác. Ngành này hiện xuất khẩu khoảng 25 đến 30% sản lượng trong nước ra thị trường quốc tế.
Lượng thịt heo bán sang Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ thịt heo hàng đầu thế giới, từng tăng mạnh sau khi dịch tả heo châu Phi bùng phát ở nước này vào năm 2018. Để đáp ứng nhu cầu quá lớn của thị trường tỷ dân, doanh nghiệp Mỹ đã mở rộng công suất hơn nữa.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc xây dựng lại đàn heo của họ, xuất khẩu thịt heo của Mỹ đã giảm mạnh trong hai năm qua. Đây cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng dư cung ở Mỹ và gây áp lực lên lợi nhuận của các nhà chế biến.
Xuất khẩu thịt heo sang Mexico đang ngày càng tăng. Trong 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thịt heo sang quốc gia láng giềng đạt tổng cộng 995.000 tấn, tăng 13% so với cùng kỳ.
Các nhóm thương mại tại Mỹ đang tìm cách chen chân vào những thị trường châu Á khác như Việt Nam, theo Wall Street Journal.