Nợ toàn cầu chạm mốc chưa từng có, trung bình mỗi người gánh nợ gần 39.000 USD
"Nợ ngập đầu"
Có thể nói, thế giới của chúng ta đang ngập trong nợ nần. Dữ liệu mới nhất từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho thấy tính đến hết quý I, tổng nợ toàn cầu đã chạm mức kỷ lục 315.000 tỷ USD.
Quả thực, 315.000 tỷ USD là một con số quá lớn. Để dễ hình dung, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính tổng GDP toàn cầu vào cuối năm 2023 là khoảng 105.000 tỷ USD. Như vậy, tổng GDP tương đương 1/3 tổng nợ.
Chúng ta cũng có thể hình dung từ góc độ dân số. Thế giới hiện có khoảng 8,1 tỷ người. Nếu chia số nợ đó cho từng người thì mỗi người sẽ nợ gần 39.000 USD (tương đương gần 1 tỷ đồng).
Nợ toàn cầu được cấu thành từ các khoản vay của các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ.
Người tiêu dùng bình thường có lẽ sẽ quen thuộc nhất với nợ hộ gia đình, đơn cử như nợ thẻ tín dụng, nợ sinh viên hay nợ vay mua nhà. Tại thời điểm cuối quý I, khoản mục này đã tăng lên mức 59.100 tỷ USD.
Nợ doanh nghiệp là các khoản vay mà một công ty sử dụng để tài trợ cho hoạt động kinh doanh và tăng trưởng của mình. Nợ doanh nghiệp hiện ở mức 164.500 tỷ USD, trong đó riêng lĩnh vực tài chính đã chiếm tới 70.400 tỷ USD.
Cuối cùng là nợ chính phủ. Hầu hết mọi chính phủ trên thế giới đều vay nợ để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, dịch vụ công, phúc lợi xã hội,... để không cần phải tăng thuế.
Họ có thể vay nợ lẫn nhau hoặc từ các tổ chức toàn cầu như World Bank và IMF. Các chính phủ cũng có thể huy động nguồn tiền bằng cách chào bán trái phiếu.
Tính đến cuối quý I, nợ chính phủ đạt 91.400 tỷ USD. Dù đây là loại nợ gây tranh cãi nhất trong ba nhóm, nợ chính phủ có thể giúp các nước vun đắp nền kinh tế hoặc phản ứng với khủng hoảng như trong đại dịch COVID-19.
Theo CNBC, nhiều văn bản trước đây cho thấy nợ chính phủ đã tồn tại ít nhất 2.000 năm, chủ yếu được sử dụng để xây dựng làng mạc, đô thị,... và tài trợ cho các cuộc chiến tranh.
Từ lâu, các chính phủ đã phải gánh những khối nợ lớn do chiến tranh, chẳng hạn như sau các cuộc chinh phạt của Napoléon, Chiến tranh Pháp - Phổ, Nội chiến Mỹ vào thế kỷ 19 và hai trận thế chiến trong thế kỷ 20.
4 làn sóng nợ
Các nhà nghiên cứu cho rằng kể từ những năm 1950, thế giới đã trải qua 4 làn sóng tích luỹ nợ lớn.
Làn sóng nợ đầu tiên bắt nguồn từ châu Mỹ Latin vào thập niên 1980, khiến 16 quốc gia trong khu vực phải cơ cấu lại các khoản vay của mình.
Làn sóng nợ thứ hai tác động đến khu vực Đông Nam Á vào đầu thế kỷ 21, trong khi Mỹ và châu Âu hứng chịu làn sóng nợ thứ ba trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008.
Chúng ta hiện đang ở làn sóng nợ thứ tư, bắt đầu vào năm 2010 và diễn ra trùng với thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát. Các chính phủ phải gánh thêm nợ để giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng của các lệnh phong toả.
Nợ toàn cầu tương đương 256% GDP vào năm 2020 - cao hơn 28 điểm % so với năm 2019 và đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong một năm kể từ Thế chiến thứ hai, theo dữ liệu của IIF.
Tuy nhiên, trên thực tế thì đại dịch chỉ làm trầm trọng thêm một vấn đề vốn đã có sẵn. Khối nợ đã phình to kể từ một thập kỷ trước khi các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ chi tiêu vượt quá khả năng của họ.
Nhìn vào biểu đồ bên dưới, chúng ta có thể thấy nợ tính theo % GDP đã tăng nhanh kể từ năm 2008.
Hết sức cẩn trọng
Tình trạng nợ nần của thế giới khiến các chuyên gia đặt ra những câu hỏi khác: nợ bao nhiêu mới là quá nhiều và khi nào khối nợ trở nên không bền vững?
Chính các chuyên gia cũng tự đưa ra câu trả lời. Họ cảnh báo khi một cá nhân, doanh nghiệp hoặc chính phủ không còn đủ khả năng trả nợ nữa chính là khoảnh khắc đáng báo động.
Chẳng hạn, đó là khi một chính phủ buộc phải cắt giảm chi tiêu ở những khoản mục gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân như giáo dục hoặc chăm sóc sức khoẻ để có thể tiếp tục trả nợ.
Lấy Zambia làm ví dụ. Năm 2021, chi phí lãi vay chiếm khoảng 39% ngân sách của Zambia. Năm đó, quốc gia châu Phi phải chi nhiều tiền để trả nợ hơn là rót vào giáo dục, y tế, cấp nước và vệ sinh cộng lại. Và vì vậy, Zambia không thể đầu tư cho tương lai của nước này.
Tỷ lệ nợ trên GDP là một thước đo để so sánh quy mô nợ công của một quốc gia với tổng sản lượng kinh tế. Đây được coi là một chỉ báo tốt về khả năng trả nợ của quốc gia đó.
Giả sử chúng ta có hai quốc gia, chính phủ mỗi nước đều nợ 30 tỷ USD. Có vẻ hai quốc gia có cùng một vấn đề nhưng thực tế giữa một nền kinh tế quy mô 30 tỷ USD và một nền kinh tế 30.000 tỷ USD sẽ có sự khác biệt lớn.
Tỷ lệ nợ trên GDP cao, thường đi đôi với tỷ giá hối đoái và lãi suất không thuận lợi, là lý do tại sao nợ nần thường là rủi ro lớn hơn đối với các nền kinh tế nhỏ hơn.
Dù vậy, chúng ta vẫn có một vài ngoại lệ.
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, cũng là một trong những quốc gia nặng nợ nhất thế giới. Tổng nợ của Nhật Bản hiện tương đương hơn 600% GDP. Và mặc dù phần lớn nợ của Nhật Bản là nợ chính phủ, trong những năm gần đây nợ của lĩnh vực tài chính mới là khoản mục phình to lên.
Khoảng 2/3 trong tổng 315.000 tỷ USD nợ toàn cầu đến từ các nền kinh tế phát triển, trong đó Nhật Bản và Mỹ mắc nợ nhiều nhất. Song, nhìn chung, tỷ lệ nợ trên GDP của các nền kinh tế này đang trên đà giảm xuống.
Mặt khác, các thị trường mới nổi đang gánh khối nợ 105.000 tỷ USD nhưng tỷ lệ nợ trên GDP lại vừa đạt mức cao mới là 257% GDP. Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico là những nước đóng góp nhiều nhất.
Làn sóng thứ 4 là giai đoạn nợ toàn cầu tăng nhiều nhất, nhanh nhất và trên diện rộng nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Giới chuyên gia khuyến nghị các chính phủ nên hoạch định chính sách và quy định tài chính tốt hơn để ngăn nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ sâu rộng.