|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Những doanh nghiệp niêm yết nào tham gia thực hiện gói thầu tại Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2?

11:07 | 13/01/2023
Chia sẻ
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố nhà thầu cho 13 gói thầu còn lại của dự án đường Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025). Các gói thầu này sẽ sớm được thi công từ ngày 15/1.

Sau khi 12/25 gói thầu đầu tiên của dự án đường Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025) đồng loạt khởi công vào ngày 1/1. Ngày 10/1, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng đã công bố nhà thầu cho 13 gói thầu còn lại của dự án Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (dự án). Theo kế hoạch, các gói thầu này sẽ được sớm khởi công kể từ ngày 15/1.

 

Như vậy, toàn bộ 25 gói thầu của 12 dự án thành phần thuộc Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có giá trị 115.778 tỷ đồng, đã tìm được nhà thầu. 

Theo danh sách được CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) thống kê từ Bộ GTVT, hầu hết các gói thầu được nhận thầu bởi các liên doanh, chỉ có 1 gói thầu được giao cho nhà thầu độc lập (gói thầu 11-XL đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn trị giá 3.028 được Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đảm nhận).

Tổng giá trị các gói thầu tham gia xây dựng tại Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 của các doanh nghiệp niêm yết, tính theo tổng giá trị các gói thầu mà doanh nghiệp có tham gia liên doanh nhận thầu. (Nguồn: VNDirect).  

Trong số các doanh nghiệp niêm yết, Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (Mã: CC1) là doanh nghiệp có giá trị các gói thầu tham gia thực hiện cao nhất. Đơn vị này tham gia bốn liên doanh, đảm nhận bốn gói thầu ở các đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Tổng giá trị các gói thầu này vào mức 19.430 tỷ đồng.

Kế đến, là CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) với việc tham gia thực hiện tại ba gói thầu, tổng trị giá 14.700 tỷ đồng. Các gói thầu này đều thuộc đoạn Quãng Ngãi - Hoài Nhơn và liên doanh nhận thầu được dẫn đầu bởi CTCP Tập đoàn Đèo Cả (công ty mẹ của HHV), đây có thể là lợi thế cho việc thi công dự án của doanh nghiệp.

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) cũng tham gia liên doanh thực hiện ba gói thầu ở các đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Vũng Áng - Bùng và Quy Nhơn - Chí Thạnh. Giá trị các gói thầu này rơi vào mức 14.399 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp niêm yết khác như Tổng công ty 36 - CTCP (Mã: G36) tham gia thực hiện ở hai gói thầu, tổng trị giá 11.905 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn CIENCO4 (Mã: C4G) tham gia thực hiện hai gói thầu, tổng trị giá 11.195 tỷ đồng; CTCP Lizen (Mã: LCG) tham gia thực hiện hai gói thầu, tổng trị giá 10.765 tỷ đồng; Tổng công ty Thăng Long - CTCP (Mã: TTL) cũng tham gia thực hiện hai gói thầu với giá trị 10.634 tỷ đồng và CTCP Sông Đà (Mã: SDT) tham gia thực hiện một gói thầu có giá trị 3.690 tỷ đồng. 

Còn với các doanh nghiệp không niêm yết, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và CTCP Tập đoàn Đèo Cả cùng dẫn đầu liên doanh của mình tham gia thực hiện tại 4 gói thầu lần lượt trị giá 17.856 tỷ đồng và 19.093 tỷ đồng.

Trong khi đó, CTCP Hải Đăng là đơn vị tham gia ở nhiều gói thầu nhất với việc nằm trong các liên doanh thực hiện tại 6 gói thầu trị giá 27.500 tỷ đồng. CTCP Xây dựng Trung Nam 18 E&C cũng có tổng giá trị các gói thầu tham gia xây dựng lớn với 4 gói thầu trị giá 20.992 tỷ đồng.

Chứng khoán VNDirect đánh giá quy mô lớn từ các gói thầu của dự án sẽ là động lực giúp doanh thu của nhóm doanh nghiệp xây lắp hạ tầng bứt phá trong giai đoạn 2023 - 2025. 

Đơn vị này cho biết, so với đợt chỉ định thầu đầu tiên trong ngày 25/12/2022, nhiều doanh nghiệp có giá trị backlog lớn hơn đáng kể tại đợt công bố mới đây. Vinaconex là doanh nghiệp niêm yết nhận được tổng giá trị backlog từ Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 lớn nhất lên tới 6.419 tỷ đồng.

Trong khi đó, Tổng công ty Thăng Long và CIENCO 4 có tỷ lệ tổng giá trị backlog/trung bình doanh thu mảng xây lắp 2 năm gần đây cao nhất, lần lượt đạt 3,2 và 2,8 lần. 

 

Đăng Nguyên