|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những đại dự án tỷ USD sẽ mang lại diện mạo mới cho Việt Nam

07:00 | 01/11/2024
Chia sẻ
Cao tốc Bắc Nam, sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc Nam là những đại dự án hạ tầng có quy mô hàng tỷ USD hứa hẹn sẽ mang lại diện mạo mới cho đất nước và sự lan toả kinh tế sang nhiều lĩnh vực.

60 năm trước, ngày 1/10/1964, chuyến tàu Shinkansen lướt qua khu đô thị rộng lớn của Tokyo. Đường ray trên cao đưa đoàn tàu về phía Nam hướng đến thành phố Osaka và trở thành dấu ấn lịch sử. Đây là buổi sáng mở ra kỷ nguyên tàu cao tốc Nhật Bản và cũng là biểu tượng cho sự phục hồi đáng kinh ngạc của đất nước này.

Với Singapore - một quốc đảo, sân bay Changi là biểu tượng quốc gia và cũng rất quan trọng đối với nền kinh tế nước này khi lĩnh vực hàng không chiếm hơn 5% GDP và cung cấp 200.000 việc làm.

Có thể thấy, một công trình hạ tầng giao thông không đơn giản chỉ là để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân mà còn là biểu tượng cho một kỷ nguyên kinh tế mới, làm thay đổi diện mạo quốc gia.

'Xương sống' của nền kinh tế 

Tàu cao tốc Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những "xương sống" quan trọng của nền kinh tế. (Đồ hoạ: VGP).

Báo cáo mới đây từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ ra rằng, hạ tầng giao thông giống như xương sống của nền kinh tế, các kết nối hạ tầng liên quan đến thương mại và logistics cần có đa phương tiện gồm cả cảng biển, cảng hàng không và kết nối với đường bộ, đường sắt và đường thuỷ.

Theo chuyên gia Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng ADB, các đại dự án sẽ có tác động rất tích cực đến phát triển kinh tế xã hội, không chỉ thúc đẩy tiêu dùng, sử dụng nguồn nhân lực, các dự án này còn tác động đến thu hút đầu tư nước ngoài và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt thông qua chi phí logistics giảm xuống.

Khi phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, chi phí vận chuyển chắc chắn sẽ giảm đáng kể, qua đó tác động làm giảm chi phí của doanh nghiệp, nhất là với những ngành hàng xuất khẩu cần có sự cạnh tranh về giá cước vận tải.

Không chỉ đóng vai trò là những công trình hoàn thiện mạng lưới giao thông quốc gia, các dự án tỷ USD này còn là động lực để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Theo bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp World Bank, trong các năm qua, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam rất ổn định, kể cả trong giai đoạn COVID-19. Đây là một trong các tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư quốc tế luôn coi Việt Nam là một điểm đến rất hứa hẹn cho đầu tư.  

"Tuy nhiên, muốn duy trì dòng vốn FDI đổ vào thì Việt Nam cần nâng cấp nền kinh tế, một mặt cung cấp nguồn nhân lực tốt hơn cũng như cải thiện các dịch vụ mang tính xương sống như giao thông, hay năng lượng",  bà Dorsati Madanim nói.

TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội. (Ảnh: NVCC).

"Đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước hoặc xa hơn nữa, diện mạo đô thị, hạ tầng giao thông của Việt Nam sẽ như thế nào?" là câu hỏi được TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đặt ra.

Và theo ông, nếu không có những dự án tỷ USD hạ tầng của Việt Nam sẽ không có nhiều thay đổi.

Chuyên gia phân tích nhu cầu vận tải của nước ta đang ngày càng lớn cả về hàng hoá và hành khách, việc đi lại không thuận tiện, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.  

Vì vậy, các dự án hạ tầng giao thông lớn đang được triển khai như: Cao tốc Bắc - Nam, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành hay sắp tới là Đường sắt cao tốc Bắc - Nam là những đại dự án có khả năng thay đổi bộ mặt giao thông của cả quốc gia.

Với hạ tầng đường bộ, việc triển khai cao tốc Bắc - Nam và hàng chục tuyến đường tốc khác nhằm thực hiện mục tiêu có 5.000 km cao tốc năm 2030. Để thực hiện các dự án này, nhu cầu vốn đầu tư khoảng 813.000 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 393.000 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2025, cả nước có khoảng 2.950 km đường bộ cao tốc.

Trong đó, đại dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất là cao tốc Bắc Nam khi lên tới 310.000 tỷ đồng gồm giai đoạn. Giai đoạn 1 có 11 dự án thành phần, có tổng chiều dài 654 km đã thông toàn tuyến vào năm dịp 30/4 vừa qua.

Còn giai đoạn 2 sẽ bao gồm 12 dự án cao tốc với tổng chiều dài 723,7 km và được dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Trong đó, có 7 dự án sẽ hoàn thành giữa năm sau, số còn lại được đẩy tiến độ để phấn đấu thông xe cuối năm 2025.

Với hạ tầng hàng không,Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư khoảng 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,06 tỷ USD, áp dụng tỷ giá năm 2014) đang hướng tới mục tiêu đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực với công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Đáng chú ý là hạ tầng đường sắt với dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài trên 1.500 km dự kiến sẽ được triển khai vào 2026 - 2027, qua 20 tỉnh, thành phố, thời gian thực hiện khoảng 10 năm, phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành. Tổng mức đầu tư khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67 tỷ USD). 

Đến khi xây dựng xong, dự án sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế - xã hội và làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc giảm chi phí logistic, góp phần đáng kể cho phát triển các ngành công nghiệp, ngành sản xuất kinh doanh có sử dụng đến tuyến đường sắt này. 

Theo đánh giá nghiên cứu của Liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (VJC), việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ góp phần tiết kiệm thời gian đi lại cho hành khách với giá trị ước tính khoảng 2 tỷ USD; đồng thời, giảm chi phí đi lại cho xã hội khoảng 6,5 tỷ USD vào năm 2050.

Theo dự kiến, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố, với 23 ga hành khách và 5 ga hàng hoá (Đồ họa: Alex Chu).

Đại dự án có thể mang lại sự lột xác cho nhiều ngành nghề 

Việc xây dựng những đại dự án theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương sẽ đem đến tác động rất tích cực đối với nền kinh tế, chỉ riêng giai đoạn xây dựng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã có thể làm tăng khoảng 0,97 điểm % GDP/năm. 

Bên cạnh đó, các đại dự án tầm cỡ quốc gia còn có tác động lan toả đến hàng loạt các ngành nghề, lĩnh vực. 

Đầu tiên là ngành xây dựng bởi đây là công trình xây lắp, đặc biệt ngành xây dựng là một trong các cấu phần khá lớn trong cơ cấu GDP.

Thứ hai là, tác động đến các ngành phụ trợ phục vụ cho công trình này, như ngành cung cấp vật liệu cho xây dựng công trình, kể cả các vật liệu thông thường như cát, đá, sỏi hay vật liệu đặc chủng như sắt, thép để làm đường ray hoặc các công trình khác.

Thứ ba, tác động đến các ngành dịch vụ cung cấp cho công trình này như tài chính, ngân hàng hay dịch vụ về huy động vốn…

Thứ tư, tác động lan tỏa đến phát triển đô thị. Ví dụ như tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam mở ra hơn 20 ga từ Bắc vào Nam hay việc xây dựng sân bay Long Thành giúp phát triển hàng loạt đô thị xung quanh. 

Thứ năm, tác động đến các ngành khai thác sau này khi dự án đi vào vận hành, đặc biệt là dịch vụ du lịch.

Thứ sáu, tạo công ăn việc làm. Đây là công trình quy mô cực lớn, do vậy để huy động lực lượng tham gia vào xây dựng công trình này sẽ tạo ra công ăn việc làm tương đối lớn.

Ngoài ra, các dự án này sẽ tác động đến tăng trưởng của ngành vận tải, hướng tới hiện đại hóa hệ thống giao thông vận tải, tăng thêm doanh số, năng suất, công suất phục vụ cho giao thông vận tải với một đường sắt mới.

TS. Nguyễn Đức Kiên cũng phân tích, những đại dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc – Nam hay cao tốc Bắc – Nam sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Đầu tiên là việc để xây dựng một dự án lớn như vậy có thể tiêu thụ được rất lớn nguồn lực nội địa từ lao động, vật liệu xây dựng,… Qua đó, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và tác động tích cực vào tăng trưởng GDP.

Các dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ thu hút một lượng lớn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác tham gia vào. Đây chính là, đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tạo sức lan toả tích cực tới các ngành nghề lĩnh vực khác, qua đó làm tăng GDP.

Lợi ích quan trọng của các dự án hạ tầng giao thông này là việc đóng góp vào quy hoạch quốc gia, từ mạng lưới giao thông đến mạng lưới đô thị. Cần phải kết hợp cả quy hoạch về giao thông đường bộ, đường sắt với phát triển đô thị để có quy hoạch tổng thể hợp lý.

Hạ An