Những chuyển động mới tại Coteccons
Báo cáo tài chính quý IV/2020 của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) cũng cho thấy, hoạt động kinh doanh của công ty tiếp đà sụt giảm trong năm 2019.
Năm 2020, Coteccons đạt 14.597 tỷ đồng doanh thu thuần và 463 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 38% và 35% so với năm 2019. Năm 2020 cũng là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2015.
Theo ban lãnh đạo Coteccons, kết quả kinh doanh tăng trưởng âm hai chữ số phản ánh đúng bối cảnh ngành xây dựng năm 2020 và quá trình tái cấu trúc của công ty.
Tuy vậy, có thể thấy rằng doanh nghiệp đã phụ thuộc quá lớn vào 1 lĩnh vực và thiếu nền một tảng phát triển bền vững.
Chẳng hạn như REE, trong những năm gần đây, REE từ một nhà thầu cơ điện đã trở thành một công ty holding hình mẫu của các nhà đầu tư dài hạn với sự cân bằng trong các mảng kinh doanh. Chủ động hạ tỷ trọng mảng cơ điện M&E, tăng hoạt động đầu tư vào mảng hạ tầng điện - nước cùng với những bất động sản cho thuê tại những vị trí đắc địa giúp REE mang về dòng lợi nhuận để chi trả cổ tức đều đặn cho cổ đông hàng năm.
Năm ngoái, trong khi Coteccons và các doanh nghiệp cùng ngày xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề, REE vẫn ghi nhận doanh thu tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 5.640 tỷ đồng; Lãi sau thuế đạt tương đương cùng kỳ, đạt hơn 1.713 tỷ đồng, trong đó mảng bất động sản – chủ yếu là văn phòng cho thuê đóng góp 515 tỷ, mảng điện nước đóng góp 930 tỷ.
Cổ phiếu REE cũng vì thế đã liên tục lập đỉnh mới kể từ thời điểm khủng hoảng 2008. Ghi nhận mức tăng hơn 70% trong năm 2020. Trong khi cổ phiếu Coteccons giảm từ đỉnh 2017 đến nay vẫn chưa phục hồi.
Trên thị trường, các nhà phân tích cũng tỏ ra lo ngại bởi tình hình cạnh tranh hiện tại sẽ là thách thức cho CTD trong việc gia tăng hợp đồng ký mới.
Giá trị hợp đồng mới được công bố trong quý I/2020 chỉ đạt 5.000 tỷ đồng, sau đó hai quý liên tiếp không ghi nhận thêm bất kỳ hợp đồng nào sau những mâu thuẫn về quyền lợi giữa ban điều hành và cổ đông.
Lãnh đạo của công ty cũng cho biết, các hợp đồng đã ký năm 2020 chuyển sang chỉ đạt gần 9.000 tỷ đồng, xấp xỉ 1/3 so với những năm trước do một số hợp đồng đã chuyển sang các lãnh đạo cũ.
Nói với báo chí nhân dịp cuối năm, ban lãnh đạo Coteccons cho biết, công ty sẽ thúc đẩy mọi người cùng nỗ lực bước lên. "Mục tiêu hàng đầu của Coteccons là lấy lại thị phần trong năm nay", bà Trịnh Quỳnh Giao, người đại diện uỷ quyền Thành viên HĐQT Coteccons cho hay.
Nhiều người đã bày tỏ lo ngại Coteccons không đủ nguồn lực để giữ vị trí đứng đầu sau khi ban lãnh đạo cũ rời đi. Đặc biệt, những người mới được đưa về dù đều là người chuyên môn sâu về lĩnh vực tài chính khó có thể khoả lấp được công việc mà ông Nguyễn Bá Dương và đồng sự để lại.
Dù vậy, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch mới của Coteccons tự tin cho biết: "Thực tế, sau sự thay thế của ông Nguyễn Bá Dương, một vài vị trí cấp cao đã rời công ty nhưng đó không phải là vấn đề. Quan trọng nhất là năng lực triển khai các dự án của Coteccons không có bất cứ điều gì thay đổi. Toàn bộ đội ngũ kỹ sư trực tiếp làm ở công trường vẫn còn nguyên, họ là những người tốt nhất hiện nay tại Việt Nam".
Tôi đã thấy nhiều công ty xây dựng lớn trên thế giới, người ta chỉ nhớ đến tên công ty chứ không nhớ đến chủ tịch công ty đó. Chúng tôi xác định đặt giá trị thương hiệu, dịch vụ của công ty lên trên hết chứ không chỉ là thương hiệu cá nhân nào đó", Ông Bolat nói thêm.
Lãnh đạo Coteccons cũng cho biết, hầu hết các khách hàng lớn (khách hàng truyền thống và khách hàng mới) vẫn đang có sự kết nối và làm việc chặt chẽ với Coteccons.
"Trong thời gian vừa qua, chúng tôi cũng tiếp cận được với các khách hàng mới và đưa ra các sản phẩm mới cũng được đón nhận. Kết quả, sau hơn hai tháng, chúng tôi đã ký khoảng 10.000 tỷ đồng giá trị hợp đồng xây dựng và 2.300 tỷ đồng EPC trong lĩnh vực năng lượng", bà Giao cho hay.
Nói về chiến lược sắp tới để tăng tốc, bà Giao cho biết, lĩnh vực xây dựng vẫn là hạt nhân lõi của Coteccons; mục tiêu của CTD năm nay là tập trung tái cơ cấu, cải tổ, và có thể phải mất 1-2 năm để lợi nhuận tăng trưởng trở lại.
Chẳng hạn, với vị thế của 1 công ty đầu ngành, CTD phải là đơn vị có vị thế mua hàng với giá tốt, cung cấp sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn và kết quả là biên lợi nhuận của công ty cao. Việc này sẽ còn tiếp tục được rà soát trong năm 2021.
Trong năm vừa qua, biên lợi nhuận gộp cả năm vì thế tăng từ 4,4% lên 5,9%; biên lợi nhuận ròng cũng nhích lên 3,2% và thậm chí là 3,5% nếu công ty không mạnh tay trích lập dự phòng.
Dù vậy, thực tế là biên lợi nhuận của mảng xây dựng hiện ở mức rất thấp và dễ dàng tổn thương bởi xu hướng cạnh tranh ngày càng tăng.
Theo ông Bolat, ngành xây dựng phụ thuộc rất nhiều vào chu kỳ kinh tế. "Nếu muốn phát triển bền vững, phải giảm thiểu tác động mang tính chu kỳ này đến doanh nghiệp. Đây là vấn đề chúng tôi đã suy nghĩ nhiều về nó".
Năm 2017, Coteccons đã thành lập Công ty đầu tư Covestcon. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của Coteccons đã trì hoãn sau quá trình tranh chấp nội bộ kéo dài. Theo kế hoạch, vai trò của mảng đầu tư sẽ được chú trọng trong những năm tới.
"Hoạt động đầu tư cần phải được cân đối để làm sao đảm bảo hiệu quả đồng vốn cổ đông, đồng thời đảm bảo giá trị cộng hưởng cho hoạt động kinh doanh chính khi công ty đầu tư vào những mảng kinh doanh khác. Chẳng hạn, việc hợp tác với TTC, IDICO, Coteccons sẽ tham gia với vai trò tổng thầu EPC cả các mảng xây dựng hạ tầng năng lượng và khu công nghiệp", Chủ tịch Coteccons cho hay.
Với những thông điệp trên, dự kiến Coteccons sẽ còn nhiều thay đổi trong giai đoạn sắp tới. Trong đó, khi hoạt động đầu tư được chú trọng, và với một đội ngũ dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính – đầu tư, Coteccons rõ ràng đang cho thấy tham vọng mở rộng kinh doanh trong những năm tới.
Cuối năm 2020, Coteccons vẫn còn trên 3.000 tỷ tiền mặt trên tài khoản và vẫn chưa có khoản vay nào. Dự kiến, sau khoản đầu tư vào IDICO và các mảng kinh doanh mới, chiến lược sử dụng một phần đòn bẫy tài chính như những gì REE đã làm cũng không phải là điều quá bất ngờ.