Nhiều doanh nghiệp 'ôm lỗ' với cổ phiếu bất động sản
Khi hoạt động cốt lõi gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã mang tiền nhàn rỗi đầu tư chứng khoán. Trong trường hợp thuận lợi, khoản lãi từ mua bán chứng khoán thậm chí có thể chiếm tỷ trọng đáng kể trong kết quả kinh doanh.
Ngược lại, không ít doanh nghiệp phải chịu lỗ khi các khoản đầu tư diễn biến tiêu cực. Điển hình là các cổ phiếu bất động sản như NVL, DXG, DXS, VHM, NLG, KBC, SAM... tụt dốc trong thời gian qua đã kéo giảm hiệu suất đầu tư của danh mục.
Một doanh nghiệp có thâm niên đầu tư chứng khoán là Nhà Đà Nẵng (Mã: NDN) với danh mục cổ phiếu khoảng 490 tỷ đồng vào cuối tháng 9, chiếm 38% tổng tài sản. Hoạt động đầu tư giúp doanh nghiệp thu gần 32 tỷ đồng lãi ròng từ mua bán chứng khoán, con số này tương đương 70% so với lợi nhuận trước thuế (45 tỷ đồng).
Báo cáo tài chính bán niên của Nhà Đà Nẵng ghi nhận khoản đầu tư cổ phiếu Novaland (Mã: NVL) với giá mua hơn 60 tỷ đồng nhưng phải trích lập dự phòng 15 tỷ đồng cuối kỳ (ước lỗ 25%).
Đến cuối quý III, khoản đầu tư NVL không còn được ghi nhận, Nhà Đà Nẵng có khả năng đã cắt lỗ (một phần hoặc toàn bộ) khi cổ phiếu này vẫn đang trong xu hướng giảm.
Sau khi bán NVL, báo cáo quý III của Nhà Đà Nẵng lại ghi nhận một cổ phiếu bất động sản khác là Vinhomes (Mã: VHM) đang chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục. Khoản đầu tư VHM có giá gốc 160 tỷ đồng, song phải trích lập dự phòng hơn 34 tỷ đồng (giảm 21%). Mức tạm lỗ ở VHM gần như san bằng con số ước lãi ở các cổ phiếu HPG, STB, TCB, BSR, MBB cộng lại.
Với Vĩnh Hoàn (Mã: VHC), doanh nghiệp thủy sản này bắt đầu gia nhập thị trường chứng khoán năm 2020 trong làn sóng bùng nổ nhà đầu tư mới. Giá trị chứng khoán kinh doanh tăng từ vài tỷ cuối năm 2020 lên 80 tỷ đồng tại cuối năm 2021.
Qua năm 2022, doanh nghiệp cá tra nâng gấp đôi khoản đầu tư lên 160 tỷ đồng, chủ yếu rót thêm vào NLG, DXS đồng thời bổ sung một cổ phiếu bất động sản khác là Kinh Bắc (Mã KBC) vào danh mục. Tuy nhiên, đây cũng là năm thị trường chứng khoán lao dốc, kéo theo hiệu suất danh mục đảo chiều nhanh chóng.
Trong 9 tháng năm nay, giá gốc chứng khoán kinh doanh không quá biến động tại NLG và DXS, trong khi đã cắt lỗ một nửa khoản đầu tư vào cổ phiếu KBC.
Theo thuyết minh từ doanh nghiệp, Vĩnh Hoàn đang phải trích lập dự phòng tổng cộng 37 tỷ đồng (ước lỗ 23%), chủ yếu tại mã DXS (gần 33 tỷ đồng).
Tương tự Vĩnh Hoàn, Petrosetco (Mã: PET) cũng chú trọng cho hoạt động đầu tư chứng khoán từ 2021, số vốn đạt đỉnh vào giữa năm 2022 với giá gốc 419 tỷ đồng, song phải trích lập dự phòng đến 183 tỷ đồng. Trong đó bao gồm một số khoản đầu tư chính như VIX (chứng khoán), VGS (thép), GEX (đa ngành) và SAM (bất động sản), với mức lỗ khoảng 40-50% mỗi mã.
Đến cuối 2022, Petrosetco gần như cắt lỗ toàn bộ, đưa giá trị danh mục về mức 10 tỷ đồng, còn chủ yếu là EIB (ngân hàng) và DBC (chăn nuôi). Doanh nghiệp sau đó chỉ duy trì danh mục vài tỷ đồng cho đến quý II/2024, khi tăng lên lại 42 tỷ đồng (chủ yếu nắm cổ phiếu GEX và VIX).
CTCP Licogi 14 (Mã: L14) cũng từng sở hữu danh mục lên đến hàng trăm tỷ trong quá khứ. Giá gốc đầu tư đạt đỉnh 700 tỷ đồng vào tháng 3/2022 nhưng sau đó co hẹp danh mục chỉ còn 14 tỷ đồng vào cuối năm 2022.
Giá gốc danh mục không biến động đáng kể sau đó, trước khi tăng lên 55 tỷ đồng thời điểm cuối tháng 6 và 80 tỷ đồng cuối tháng 9 năm nay. Thuyết minh báo cáo bán niên cho thấy thời điểm cuối tháng 6 công ty đang nắm giữ các khoản đầu tư lớn đều thuộc ngành bất động sản như DIG, NVL, PDR. Nếu duy trì nắm giữ, mức lỗ tại các mã này có thể nới rộng khi thị giá duy trì giảm đến cuối tháng 10.
Trường hợp mới đây là Phát triển Đô thị Từ Liêm (Lideco - Mã: NTL). Báo cáo tài chính quý III phát sinh chứng khoán kinh doanh với giá gốc 150 tỷ đồng. Danh mục đầu tư hầu hết là cổ phiếu bất động sản như EVG, HDG, NVL, QCG, TCH, VHM, ngoài ra còn có PAN (nông nghiệp).
Chiếm giá trị lớn nhất là Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (Mã: TCH). Giá trị thị trường cuối kỳ đạt hơn 145 tỷ đồng (tương đương với 8 triệu cp), cao hơn 10% so với giá gốc (132,5 tỷ đồng hay 16.556 đồng/cp). Tuy nhiên, nếu nắm giữ đến 30/10, khoản đầu tư này sẽ quay ngược lại lỗ, do thị giá TCH giảm 11% về 16.100 đồng/cp (thấp hơn giá mua trung bình).
Kế đến là các khoản đầu tư PAN và VHM với giá gốc lần lượt 8,3 tỷ đồng 7,1 tỷ đồng. Ngoại trừ NVL và QCG đang tạm lỗ, các khoản đầu tư đang ghi nhận giá thị trường cao hơn so với lúc mua. Tổng giá trị thị trường danh mục cuối kỳ đạt gần 165 tỷ đồng, ước lãi 10% tương đương với hơn 14 tỷ đồng.
Bên cạnh các doanh nghiệp đầu tư lớn trên, cổ phiếu bất động sản cũng làm giảm hiệu suất của một số quỹ đầu tư.
Đơn cử, Quỹ Đầu tư Tăng trưởng Thiên Việt 4 và 5 (TVGF4 và TVGF5) duy trì nắm giữ cổ phiếu KBC và “họ Đất Xanh”. Báo cáo hoạt động quý III cho thấy TVGF4 đang nắm DXS và KBC với tỷ trọng 14,9% và 9,5%. Trong khi DXG, DXS, KBC chiếm lần lượt 6,4%, 5,7% và 9,9% danh mục cuối kỳ của TVGF5.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/