|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhập khẩu thép từ Trung Quốc giảm mạnh

07:09 | 12/05/2025
Chia sẻ
Trong 4 tháng qua, lượng nhập khẩu giảm 19% xuống còn khoảng hơn 2,9 triệu tấn. Việc giảm nhập khẩu thép từ Trung Quốc trong năm nay diễn ra trong bối cảnh Việt Nam áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với hai sản phẩm nhập khẩu từ nước này là thép cuộn cán nóng (HRC) và tổng mạ.

Nhập khẩu thép giảm mạnh dưới tác động của thuế chống bán phá giá

Theo số liệu Hải quan Việt Nam, nhập khẩu thép từ Trung Quốc trong tháng 4 giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 718.127 tấn. Tính chung trong 4 tháng qua, lượng nhập khẩu giảm 19% xuống còn khoảng hơn 2,9 triệu tấn. 

 Nguồn: Hải quan Việt Nam (Đức Quỳnh tổng hợp)

Giá thép trung bình nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 4 khoảng 649 USD/tấn, giảm nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn so sánh với tháng 3, mức giá này gần như không thay đổi. 

 Nguồn: Hải quan Việt Nam (Đức Quỳnh tổng hợp)

Với con số trên, Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu nhiều thép vào Việt Nam nhất, chiếm 58%. Tuy nhiên, tỷ trọng này đã giảm rất nhiều so với mức 68% của cùng kỳ năm ngoái. 

Việc giảm nhập khẩu thép từ Trung Quốc trong năm nay diễn ra trong bối cảnh Việt Nam áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với hai sản phẩm nhập khẩu từ nước này là thép cuộn cán nóng (HRC) và tổng mạ. 

Cụ thể, ngày 21/2, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 460/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc với mức từ 19,38% đến 27,83%. Thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực sau 15 ngày kể từ khi có quyết định được ban hành. Thời hạn áp dụng là 120 ngày kể từ khi có hiệu lực. Mặt hàng HRC thường chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, có thời điểm lên tới trên 60%. 

Khoảng một tháng sau, ngày 1/4, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 914⁄QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. 

Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cao nhất là 37,13% đối với hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc và 15,67% đối với hàng hóa xuất xứ từ Hàn Quốc.

Mức thuế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày Quyết định áp dụng thuế chống bán phá tạm thời được ban hành và được áp dụng trong thời hạn 120 ngày kể từ khi có hiệu lực. 

Động thái của Bộ Công Thương trong việc điều tra và áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc phần nào hỗ trợ kết quả tiêu thụ thép của các doanh nghiệp trong nước. Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), bán hàng HRC trong tháng 3 tăng mạnh 48% so với cùng kỳ năm ngoái lên 857.948 tấn. Trong đó, tỷ trọng tiêu thụ trong nước chiếm phần lớn, khoảng 92%.

Tính chung trong quý I, các doanh nghiệp tiêu thụ 1,9 triệu tấn thép HRC, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, Việt Nam mới chỉ có hai doanh nghiệp sản xuất thép cuộn cán nóng là Hoà Phát và Formosa. Trong thông báo mới đây, Hoà Phát cho biết, doanh nghiệp đã tiêu thụ được 874.000 tấn thép HRC trong quý I, tăng mạnh 84% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Nguồn: VSA (Đức Quỳnh tổng hợp)

Trao đổi với chúng tôi bên lề ĐHĐCĐ thường niên 2025 hôm 17/4, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc của Hoà Phát (Mã: HPG) cho biết: “Thuế chống bán phá giá tạm thời đem lại lợi thế cho tập đoàn. Năm ngoái, lượng HRC từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam lên tới 9 triệu tấn. Năm nay lượng nhập khẩu chắc chắn sẽ giảm. Đổi lại, lượng hàng từ Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu vào Việt Nam có thể tăng lên, tuy nhiên, theo tôi con số này có thể không sẽ không nhiều do năng lực sản xuất của các nước này giới hạn”.

Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, lượng nhập khẩu thép từ Nhật Bản và Hàn Quốc trong 4 tháng đầu năm nay tăng lần lượt 52% và 27% so với cùng kỳ năm ngoái lên 836.390 và 485.175 tấn. Tỷ trọng thép nhập khẩu từ hai quốc gia nay được nâng lên 16% và 9% so với mức 10% và 7% của cùng kỳ năm ngoái.

  Nguồn: Hải quan Việt Nam (Đức Quỳnh tổng hợp)

Còn với mặt hàng tôn mạ, do mới được áp dụng thuế từ giữa tháng 4 nên cần theo dõi số liệu bắt đầu từ tháng 5 trở đi để đánh giá tình hình. Trước đó, mặt hàng tôn mạ tràn vào Việt Nam đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động tiêu thụ của các doanh nghiệp trong nước.

Bộ Công Thương cũng từng áp dụng thuế chống bán phá giá mặt hàng tôn mạ với mức thuế cao nhất 38,34%, kéo dài từ 2017 đến tháng 5/2022 (Vụ AD02). Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thép Việt Nam kể từ khi vụ AD02 chấm dứt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, chiếm 64-67% tổng lượng thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam giai đoạn 2022 - 2023. Mức độ ảnh hưởng tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2025.

Do đó, với quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời này, doanh nghiệp tôn mạ kỳ vọng áp lực cạnh tranh tại thị trường nội địa sẽ giảm bớt hơn trong thời gian tới. Trả lời cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, lãnh đạo của tôn Nam Kim (Mã: NKG) cho biết sau khi áp thuế chống bán phá giá tạm thời, chỉ còn một vài lượng nhỏ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Trong tương lai, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ giảm rất nhiều.

Lo ngại né thuế chống bán phá giá với thép HRC?

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nay có hiện tượng “né” thuế chống bán phá giá tạm thời thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc bằng việc nhập khẩu sản phẩm cùng loại với kích thước khổ chiều rộng lớn hơn.

Trao đổi tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel, Mã: TVN), đồng thời là chủ tịch VSA cho biết vừa rồi có hiện tượng lách thuế chống bán phá giá bằng việc Trung Quốc xuất khẩu thép cuộn cán nóng có khổ rộng khoảng 1,88 - 2m.

Đây là mặt hàng không nằm trong danh mục bị áp thuế chống bán phá giá. Hiện tại các doanh nghiệp thép đang thu thập chứng cứ để báo cáo lên Cục Phòng vệ Thương mại về vấn đề này. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng đã thuê luật sư để phản bác lại rằng mặt hàng cán nóng khổ lớn này không phải hàng hoá tương tự với hàng Việt Nam sản xuất do thép HRC của Hoà Phát và Formosa có khổ hẹp hơn. 

CEO Hoà Phát cho biết “Hiện nay, Cục Phòng vệ Thương mại và các đơn vị liên quan cũng đang chuẩn bị phương án nếu trong trường hợp doanh nghiệp nhập hàng khổ lớn về, cắt ra và sử dụng như hàng khổ nhỏ thì sẽ xử lý dưới dạng ‘chống lẩn tránh’ - theo quy định của WTO”. 

Mặc dù vậy, dưới góc độ của doanh nghiệp sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất, đại diện của Nam Kim cho rằng việc mua hàng khổ lớn không hiệu quả về mặt kinh tế.

“Theo phân tích của chúng tôi, mặc dù thép HRC khổ lớn không nằm trong danh mục chịu thuế chống bán phá giá nhưng xét về các thông số kỹ thuật như độ dày, khổ rộng và giá thì việc nhập hàng này về cũng không hiệu quả. Do đó, chúng tôi chưa có ý định mua máy móc, thiết bị về xử lý loại thép HRC”, lãnh đạo của Nam Kim cho biết. Đồng thời, đại diện công ty cũng nói thêm mức chênh lệch của loại thép này so với việc mua HRC từ Hoà Phát và Formosa cũng không nhiều. 

Ông Đa kỳ vọng việc lách thuế này sẽ sớm được giải quyết: “Hiện tại, Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đang rất quyết liệt trong việc ngăn chặn việc lẩn tránh thuế, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo sự minh bạch. Ngành thép Việt Nam cũng phải sẵn sàng chiến đấu, tăng cường các biện pháp phòng vệ. Vừa qua Bộ Công Thương cũng tăng cường việc này. Tôi hy vọng với hành động của Bộ Công Thương sẽ giải quyết được vấn đề này".

Đức Quỳnh

Data Talk | The Catalyst: Toàn cảnh Ngành & Doanh nghiệp bất động sản dân cư nhìn từ số liệu
Nguồn cung tăng, giao dịch phục hồi, lợi nhuận doanh nghiệp bật lên trong quý I/2025 – bất động sản dân cư đang cho thấy một diện mạo mới. Nhưng đằng sau dữ liệu tích cực là gì: chu kỳ tăng trưởng bền vững hay chỉ là nhịp hồi ngắn hạn trên nền tài chính còn mong manh?