|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhà đầu tư thi nhau bỏ cọc đấu giá đất ở khu vực và phân khúc này

15:49 | 13/06/2022
Chia sẻ
Theo quan sát và đánh giá của một số chuyên gia, tình trạng bỏ cọc sau đấu giá đất trên thực tế vẫn diễn ra nhưng chỉ mang tính cục bộ, trong đó tập trung tại các tỉnh phía Bắc.

Đấu giá cao rồi thi nhau bỏ cọc diễn ra thường xuyên

Tình trạng nhà đầu tư bỏ cọc sau đấu giá đất vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương. Hồi cuối tháng 4, UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đã ra quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với ba lô đất ở địa phương này do nhà đầu tư chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư chấp nhận mất tiền cọc đặt trước đó.

Tại Quảng Trị, báo địa phương thông tin thời gian gần đây địa phương xuất hiện tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhiều nơi như phường Đông Thanh, TP Đông Hà, huyện Cam Lộ,…

Theo lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ, giá trúng các lô đất đều vượt giá sàn rất cao, phần nào làm xảy ra tình trạng sốt đất ở khu vực lân cận. Đơn cử như một lô đất 450 m2 ở khu vực miền núi Quảng Trị có giá khởi điểm 250 triệu đồng thì giá trúng gấp 4 lần.

Tình trạng này có thể là chiêu thức của các nhà đầu tư bất động sản. Khả năng họ đã thu mua đất quanh các khu vực chuẩn bị đấu giá, rồi sau đó tham giá đấu giá đẩy giá đấu lên cao nhằm thổi giá đất ở khu vực họ đã đầu tư trước đó để bán kiếm lời. Có thể họ bán được những khu đất đầu tư đó rồi và bỏ luôn tiền cọc ở những lô đã đấu trúng”, lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ giả định.

Tương tự ở Bắc Giang, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lê Anh Tuấn thông tin trong hai năm 2020-2021, địa phương có hơn 1.470 lô đất bị bỏ cọc. Trong đó, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá  giá khởi điểm tại các lô đất đều rất cao.

Trên thực tế, trường hợp đấu giá xong rồi bỏ xảy ra thường xuyên ở các địa phương. PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cũng từng cho biết, ở Bắc Giang, Bắc Ninh, tỷ lệ bỏ giá đến 30%, tức cứ 100 vụ đấu giá đã có 30 vụ bỏ giá.

 (Ảnh minh họa: Báo Bắc Giang).

Bỏ cọc sau đấu giá đất tập trung miền Bắc 

Theo đánh giá của ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc Kinh doanh Hải Phát Invest, trong 3 tháng qua, việc khách hàng bỏ cọc diễn ra khá thường xuyên và tương đối rộng. Tuy nhiên, thực trạng này tập trung chủ yếu tại miền Bắc với tỷ lệ trên 60%, còn tỷ lệ này ở khu vực miền Trung và miền Nam thấp hơn rất nhiều, chỉ hơn 20%. Ông Duy cũng chỉ ra khách hàng bỏ cọc nhiều rơi vào phân khúc 10-20 triệu/m2.

Với vai trò trực tiếp phân phối các dự án tại phía Nam, bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc CTCP Bất động sản EximRS, cho biết thời gian vừa rồi các sản phẩm bất động sản tại phía Nam sốt là có thật nhưng việc bỏ cọc chỉ xảy ra cục bộ ở một số vùng, đặc biệt ở những nơi chưa có hạ tầng và dự án có pháp lý chưa vững.

“Có những nhóm nhà đầu tư mua vào đất nông nghiệp và họ mong rằng sẽ lướt được. Thực tế bất động sản vùng ven đang hấp thu rất tốt, còn dư địa tăng và tôi không thấy chuyện khách bỏ cọc”, bà Tú cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Hà Nội và một số địa phương đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung đất nền, tạo ra rào cản rất lớn trong việc phê duyệt để lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức thực hiện dự án phát triển tại các vùng. Do không phê duyệt được các dự án chính thống, không có nguồn thu nên các địa phương tiến hành đấu giá đất để cung cấp nguồn cung cho thị trường.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư tham gia đấu giá đất giống như tham gia một cuộc chơi may rủi. Nếu trúng được giá rẻ hơn so với thị trường thì khả năng thanh khoản lớn và có lãi. Ngược lại, nếu nhà đầu tư ôm giá cao thì buộc bán giá cao và việc này rất khó để có người mua nên đường cùng là phải bỏ cọc”, ông Đính cho biết.

Do vậy, ông Đính cho rằng khi nhà đầu tư tham gia vào thị trường đất đấu giá cần thẩm định, so sánh giá với các địa điểm tương đồng, nhằm tránh bị cuốn theo dòng thổi giá để rồi phải bỏ của chạy lấy người.

Nhiều nhà đầu tư ôm khi giá đất đang sốt cho rằng thị trường còn lên nữa mà không biết rằng thị trường đang ảo, đang bong bóng. Tình huống nhà đầu tư phải bỏ cọc đã xảy ra rất nhiều ở các địa phương như Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bắc Giang ở thời điểm sốt đất đầu năm 2021”, ông Đính dẫn chứng

Nguyên Ngọc