Nắm giữ trăm nghìn tỷ từ các hợp đồng bảo hiểm, các DN ngành này đã đầu tư vào những đâu?
Sau hơn một năm đầy khó khăn do cuộc khủng hoảng niềm tin, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt nhóm nhân thọ vẫn tiếp tục ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm đi xuống. Báo cáo của Tổng Cục Thống kê cho thấy tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 109.100 tỷ đồng, giảm 3,8%.
Trong đó, doanh thu lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 38.800 tỷ đồng, tăng 11,2%, còn doanh thu lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 70.300 tỷ đồng, giảm 10,5%. Trong khi đó, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 41.300 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8%.
Doanh thu phí bảo hiểm suy giảm khiến cho nhiều công ty bảo hiểm bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Một số trường hợp như Prudential hay Manulife, quy mô khoản lỗ lên tới cả nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Trong khi hoạt động bảo hiểm đi xuống, mảng kinh doanh tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng về cả quy mô và lợi nhuận. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 795.500 tỷ đồng, tăng 9,3%.
Doanh nghiệp bảo hiểm ngoại thích đầu trái phiếu, cổ phiếu
Theo thống kê từ 23 doanh nghiệp (cả thuộc nhóm bảo hiểm nhân thọ và 13 doanh nghiệp niêm yết), tính đến cuối quý II/2024, tổng danh mục đầu tư tài chính của nhóm trên đạt gần 703.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 28,3 tỷ USD).
Đây là nhóm các doanh nghiệp bảo hiểm có quy mô lớn nhất và đã công bố báo cáo tài chính, bao gồm những cái tên như Bảo Việt, Prudential, Manulife, Dai-ichi hay AIA,…
Phân loại theo kỳ hạn đầu tư, các doanh nghiệp này đang phân bổ khoảng 265.800 tỷ đồng cho đầu tư tài chính ngắn hạn và khoảng 437.600 tỷ đồng cho đầu tư tài chính dài hạn.
Cấu phần của các khoản đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm được chia thành các nhóm gồm: tiền gửi ngân hàng, trái phiếu, cổ phiếu và đầu tư khác (bao gồm đầu tư vào công ty liên kết, đầu tư chứng chỉ quỹ, ủy thác đầu tư, dự phòng đầu tư ...).
Trong đó, trái phiếu là nhóm tài sản được các doanh nghiệp đổ tiền vào nhiều nhất, chủ yếu nằm trong đầu tư tài chính dài hạn. Tổng quy mô đầu tư trái phiếu của của 23 công ty bảo hiểm trên đạt trên 356.800 tỷ đồng. Trong đó, danh mục đầu tư trái phiếu ngắn hạn là 8.591 tỷ đồng, còn dài hạn lên tới gần 348.300 tỷ đồng.
Dẫn đầu về quy mô đầu tư trái phiếu là Prudential, đạt 91.674 tỷ đồng vào cuối quý II/2024. Số trái phiếu này chiếm tới 58% danh mục đầu tư của công ty.
Đứng vị trí thứ hai trong danh sách là Bảo Việt, với quy mô đầu tư trái phiếu đạt 88.812 tỷ đồng, tương đương 42% danh mục và Manulife đạt 69.007 tỷ đồng, tương đương 68% danh mục.
Nhóm doanh nghiệp bảo hiểm ngoại ưa thích lớp tài sản này và thường duy trì tỷ trọng khoảng 40% - 60% danh mục đầu tư. Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nội lại không thích đầu tư vào trái phiếu và thường duy trì tỷ trọng dưới 20%. Một số công ty như ABIC (Bảo hiểm Agribank), AIC (Bảo hiểm Hàng Không) hay BHI (Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội) thậm chí còn không đầu tư vào trái phiếu.
Cổ phiếu cũng là khoản đầu tư các công ty bảo hiểm ngoại ưa thích, nhưng lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong danh mục của các doanh nghiệp nội. Tổng đầu tư vào cổ phiếu của23 công ty bảo hiểm kể trên đạt khoảng 40.900 tỷ đồng, tương ứng 6% danh mục đầu tư.
Hai ông lớn Manulife và Prudential phân bổ lần lượt 10 và 11% danh mục vào cổ phiếu, tương đương 10.407 tỷ đồng và 17.339 tỷ đồng. Trong đó, Prudential là cổ đông nắm hơn 1% cổ phần tại nhiều ngân hàng như VietinBank, ACB và MB.
Cá biệt, Cathay Life chi đến 21%, tương đương 5.670 tỷ đồng cho cổ phiếu, trong đó có những mã như ACB, MBB, TCB hay HPG. Cathay Life cũng là doanh nghiệp có tỷ suất sinh lời cao nhất trong nhóm bảo hiểm nước ngoài, đạt 9,8%/năm trong nửa đầu năm 2024.
Ngoài ra, Dai-ichi cũng dành 5% danh mục, hay 2.759 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu.
Trong khi đó, ông lớn Bảo Việt chỉ dành khoảng 1% danh mục, hay 2.930 tỷ đồng vào cổ phiếu, với những mã cổ phiếu như ACB, CTG, VNM, IJC. Một số công ty bảo hiểm niêm yết như ABIC, PTI, AIC hay BLI gần như không đổ tiền vào cổ phiếu.
Một số doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết như VNR (Tái bảo hiểm Việt Nam), MIC (Bảo hiểm Quân đội) và PRE (Tái bảo hiểm Hà Nội) có những khoản đầu tư vào các quỹ đầu tư hoặc công ty quản lý quỹ, thông qua đón gián tiếp nắm giữ một lượng cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi ... Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên không thuyết minh chi tiết cho khoản mục này.
Doanh nghiệp bảo hiểm nội ưa thích tiền gửi
Loại tài sản được các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư nhiều thứ hai là tiền gửi ngân hàng, với tổng quy mô đạt hơn 268.600 tỷ đồng.
Trong đó, số dư tiền gửi ngắn hạn là 186.100 tỷ đồng và tiền gửi dài hạn là 82.535 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm xếp các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ ba tháng đến dưới 12 tháng vào danh mục đầu tư ngắn hạn; tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng vào nhóm dài hạn.
Bảo Việt là doanh nghiệp mạnh tay đầu tư vào tiền gửi nhất, với quy mô đạt 111.716 tỷ đồng vào cuối quý II, tương đương 53% tổng danh mục đầu tư. Trong đó chủ yếu là tiền gửi kỳ hạn ngắn (87.300 tỷ đồng).
Ngược lại, các ông lớn bảo hiểm nhân thọ nước ngoài không quá mặn mà với tiền gửi. Cụ thể, số dư đầu tư tiền gửi của Prudential chỉ đạt 41.519 tỷ đồng, tương đương 26% tổng danh mục. Tỷ lệ này ở Manulife chỉ là 24%, tương đương 24.739 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Dai-ichi Life chỉ phân bổ 12% danh mục đầu, tương đương 5.879 tỷ đồng vào tiền gửi.
Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nội lại đặc biệt ưu thích tiền gửi có kỳ hạn. Chẳng hạn, PVI dành tới 71% danh mục đầu tư, hay 10.221 tỷ đồng cho tiền gửi, Bảo hiểm BIDV (BIC) phân bổ 4.893 tỷ đồng, hay 77% vào khoản mục này.
Những cái tên như Bảo Minh, PJICO, PTI, BHI hay Bảo Long (BLI) dành hơn 80% danh mục đầu tư tài chính cho tiền gửi. Cá biệt ABIC và AIC dành đến 100% danh mục đầu tư tài chính cho tiền gửi ngân hàng.
Tỷ suất sinh lời của các khoản đầu tư ra sao?
Tỷ suất sinh lời từ các khoản đầu tư tài chính (tính bằng lãi thuần từ tài chính/quy mô đầu tư tài chính) của những doanh nghiệp bảo hiểm được khảo sát trung bình đạt 6,68%/năm. Tỷ suất này không quá vượt trội, ngay cả nếu so sánh với lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các doanh nghiệp bảo hiểm không hoàn toàn bỏ tiền túi mà đầu tư phí bảo hiểm chưa phải đền bù cho khách hàng để kiếm lợi nhuận. Do đó, quy mô và sản phẩm đầu tư cũng chịu một số hạn chế nhất định.
Nếu chỉ xét đến tỷ suất sinh lời, các doanh nghiệp bảo hiểm ngoại không thể hiện lợi thế vượt trội so với nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nội. Hai doanh nghiệp dẫn đầu trong danh sách là BLI và BHI đạt tỷ suất trên 10%/năm dù chỉ tập trung vào đầu tư tiền gửi.
Đứng thứ ba là Cathay Life với tỷ suất 9,8%, với danh mục khá đang dạng và đồng đều. Trong đó tiền gửi chiếm 33%, cổ phiếu chiếm 21% và trái phiếu chiếm 45%. Các ông lớn như Prudential đạt tỷ suất 8%/năm, AIA và Dai-ichi Life khoảng 7%/năm. Trong khi đó, Manulife và Bảo Việt ở dưới mức trung bình, lần lượt đạt 6,3%/năm và 5,3%/năm.