|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc về ai?

07:30 | 05/03/2024
Chia sẻ
Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên nhân từ đâu. Ví dụ, nếu doanh nghiệp sơ hở để kẻ gian đóng dấu công ty thì ít nhiều có trách nhiệm.

 

Tính pháp lý đối với giao dịch tài khoản giữa doanh nghiệp với ngân hàng thường được xem xét gồm ba yếu tố là chữ ký của người đại diện, con dấu của doanh nghiệp và người trực tiếp giao dịch.

Trong đó, con dấu có vai trò rất quan trọng thể hiện qua Nghị định số 62/CP ngày 22/9/1993 đã từng quy định con dấu được sử dụng đểkhẳng định giá trị pháp lý của các văn bản”. Sau đó, Nghị định số 58/2001/NĐ-CP đã từng quy định “Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức…”. Do đó, nếu xảy ra gian lận một, hoặc hai trong ba yếu tố đó thì rất phức tạp trong việc quy kết trách nhiệm.

Tuy nhiên, năm 2015 trở đi, thì việc đóng dấu, kể cả trong trường hợp pháp luật bắt buộc hoặc theo thoả thuận giữa các bên giao dịch, đều không còn có giá trị pháp lý như đã từng quy định như trên. Do đó, chữ ký của người đại diện có thẩm quyền giao dịch (ký séc, ký uỷ nhiệm chi, ký giấy rút tiền,…) của doanh nghiệp mang tính quyết định.

Và trách nhiệm của ngân hàng là phải xác thực giao dịch, trước kết là chữ ký của người đại diện, thứ hai là dấu và thứ ba người đến giao dịch. Nếu tất cả đều giả, mà ngân hàng vẫn cho giao dịch thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Trường hợp chữ ký của người đại diện là giả nhưng dấu và người của doanh nghiệp đến giao dịch là thật, thì ngân hàng cũng sẽ phải chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên trách nhiệm cụ thể đến đâu thì còn phụ thuộc vào nhiều tình tiết liên quan khác để xác định.

Để dễ hiểu về yếu tố pháp lý, thì có thể quy ra định lượng chung nhất như sau: Yếu tố chữ ký của người đại diện là chính, chiếm 80 - 90%, còn yếu tố con dấu và người đến giao dịch chỉ là phụ chiếm 10 - 20% giá trị pháp lý. Ngoài chữ ký trên séc, nếu phôi séc do ngân hàng phát hành mà lại bị làm giả nữa thì trách nhiệm của ngân hàng càng cao hơn.

Nếu như một trong ba yếu tố đó bị giả thì ngân hàng đều phải chịu trách nhiệm.

Khi chữ ký người đại diện giả mà ngân hàng vẫn cho rút tiền, chuyển tiền thì về nguyên tắc ngân hàng chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nếu chỉ con dấu là giả hay nhận biết sai về người trực tiếp đến giao dịch thì ngân hàng cũng phải chịu một phần trách nhiệm, vì vẫn là những yếu tố quan trọng để xác định giao dịch tổng thể giao dịch đúng hay sai. Đó cũng là cái khó với ngân hàng, nhưng như thế thì mới bảo đảm sự an toàn, chính xác trong giao dịch theo yêu cầu của pháp luật ngân hàng.

Kể cả nếu chữ ký giả giống y như đúc, nhưng giám định ra lại không phải chữ ký của người đó, thậm chí đúng là chữ ký thật nhưng lại là chữ ký photo, thì ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm.

Trong trường hợp giao dịch là giả, nhưng chữ ký của người đại diện là thật, thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm.

Nếu cả ba yếu tố đều là thật hoặc đều là giả thì rất dễ xác định trách nhiệm của mỗi bên. Tuy nhiên, vấn đề luôn gây tranh cãi phức tạp và rất khó xác định mức độ trách nhiệm cụ thể khi một hoặc hai trong số ba yếu tố là giả.

Có những trường hợp khó là khi chữ ký giả y như thật, đến cả giám định còn khó xác định thì lúc đó giải quyết như thế nào?

Khi đó thì vẫn phân biệt trách nhiệm của từng bên theo cách đúng hay sai, thật hay giả. Tuy nhiên, chỉ có khác là cán bộ, nhân viên ngân hàng sẽ được miễn trách hoặc bị quy kết trách nhiệm rất nhẹ trong việc đã không phát hiện ra sự giả mạo, sai sót bằng nhận biết thủ công. Đó đơn thuần là rủi ro khách quan trong hoạt động mà ngân hàng vẫn phải gánh chịu.

Về nguyên tắc là ngân hàng phải có trách nhiệm xác định người thật, việc thật, giao dịch thật, bất cứ yếu tố, dấu hiệu nào không đúng để dẫn đến người giả, việc giả, giao dịch giả mà vẫn chi tiền, chuyển tiền thì đó là trách nhiệm của ngân hàng, tức ngân hàng đã bị lừa, bị qua mặt.

Bởi vì hoạt động ngân hàng đòi hỏi rất cao về sự an toàn, chính xác, uy tín, nên phải thực hiện các yêu cầu rất chặt chẽ, khắt khe, cụ thể. Nếu không bảo đảm được điều đó, thì ngân hàng không còn tín nhiệm, uy tín, người ta không còn yên tâm, tin cậy gửi tiền và yên tâm thực hiện các giao dịch với ngân hàng.

Luật sư Trương Thanh Đức

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.