Lý do Vingroup, Viettel, CMC,… hào phóng rót tiền cho các startup công nghệ
Ngày 28/10, Vingroup ra mắt quỹ đầu tư công nghệ VinVentures với tổng tài sản 150 triệu USD. Trọng điểm của quỹ là trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn (Semiconductor), điện toán đám mây (Cloud) và các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.
Trước VinVentures, Vingroup cũng đã đầu tư cho nhiều startup công nghệ thông qua các quỹ như Vingroup Ventures, VinTech City,…
Bắt đầu từ năm 2018, Vingroup thành lập CTCP Vingroup Ventures - đơn vị chuyên nghiên cứu đầu tư mạo hiểm. Bà Thái Vân Linh - thường gọi Shark Linh, được giao làm CEO. Trả lời phỏng vấn trên Forbes năm 2019, bà Linh cho biết cho biết sứ mệnh của quỹ là “góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam”.
“VinGroup Ventures đầu tư trên phạm vi toàn cầu, tập trung vào các công ty có thể tận dụng hệ sinh thái của chúng tôi để phát triển. Nhiều người nghĩ rằng Việt Nam chỉ là nơi có chi phí sản xuất hay phát triển phần mềm thấp.
Tuy nhiên, Việt Nam là một thị trường tiềm năng với 100 triệu dân, tỷ lệ biết chữ cao, người tiêu dùng có thói quen mua sắm mạnh mẽ và cởi mở với cái mới. Bên cạnh vốn đầu tư, chúng tôi còn hỗ trợ các công ty trong danh mục đầu tư phát triển doanh thu bằng cách mở rộng hệ sinh thái của mình, giúp họ thử nghiệm sản phẩm hoặc từng bước thâm nhập thị trường Việt Nam”, bà nói.
Theo công bố, quy mô đầu tư của Vingroup Ventures là 100 triệu USD, các khoản đầu tư trung bình ở mức 5-10 triệu USD. Mục tiêu là đầu tư vào những công ty khởi nghiệp về lĩnh vực công nghệ đang trong giai đoạn tăng trưởng và có tiềm năng ảnh hưởng lớn, như AI, dữ liệu lớn, Fintech và IoT (inerternet kết nối vạn vật).
Đến tháng 3/2020, Vingroup quyết định đóng quỹ Vingroup Ventures để tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính, theo nguồn tin của DealStreetAsia.
Cũng trong năm 2018, Vingroup thành lập tiếp quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn. Mục tiêu của quỹ là tài trợ cho các dự án và hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo nhằm đưa ra các sản phẩm, giải pháp công nghệ thiết thực.
Sau 5 năm, tổng giá trị quỹ tài trợ cho khoa học công nghệ Việt Nam đã lên tới 800 tỷ đồng cho hơn 3.000 nhà khoa học và 117 dự án. Trong đó, 21% số dự án nghiệm thu đã thương mại hóa sản phẩm thành công, tạo ra doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Trong một sự kiện diễn ra đầu năm nay, GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Quỹ VINIF, cho biết: “Nhiều nhà khoa học có các ý tưởng tốt nhưng để từ đó trở thành sản phẩm được người dùng đón nhận cần nhiều thứ, từ vốn đến sự năng động của tác giả. Khi nhà khoa học đảm bảo sản phẩm mang lại tiềm năng lớn, quỹ VINIF sẽ sẵn sàng hỗ trợ”.
Ngoài ra, khi công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ - công nghiệp năm 2018, Vingroup cũng ra mắt quỹ VinTech City do bà Trương Lý Hoàng Phi làm Tổng giám đốc.
Trao đổi với TTXVN thời điểm đó, bà Phi giải thích về lý do tập đoàn đầu tư vào các startup: “Việc tài trợ cho các các dự án nghiên cứu đương nhiên là có rủi ro. Nhưng với chúng tôi, sự lãng phí tài năng, trí tuệ hay việc đánh mất cơ hội đưa một sản phẩm khoa học công nghệ hữu ích đến cộng đồng mới là loại rủi ro cao nhất và đáng tiếc nhất”.
Với CMC, trên blog doanh nghiệp, tập đoàn này cho biết đang tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghệ: IoT, Cloud, Security, Big data – AI, Robotics … thông qua việc tìm kiếm và phát triển các ý tưởng, sản phẩm, giải pháp và dịch vụ trên nền tảng công nghệ.
Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính
Có một điều rất quan trọng, đổi mới sáng tạo thường bắt nguồn từ công ty mới, công ty nhỏ và thường có ưu thế lớn hơn các công ty lớn. Thông thường công ty càng lớn, càng nhiều cấu trúc, càng hạn chế sự sáng tạo
Do đó, CMC đã thành lập quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo CMC (CMC Innovation Fund – CIF). Đây là mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm trong lòng doanh nghiệp (Corporate Venture Capital – CVC). Ngân sách đầu tư của quỹ CIF ước khoảng 100 tỷ trong năm 2023.
CIF thực hiện đầu tư cho các hoạt động đổi mới sáng tạo trong nội bộ tập đoàn và đầu tư ra ngoài vào các startup, tham gia thúc đẩy hệ sinh thái startup ở Việt Nam.
Lý giải việc đầu tư vào các startup công nghệ, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hồi tháng 5 năm nay, Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính nói : “Có một điều rất quan trọng, đổi mới sáng tạo thường bắt nguồn từ công ty mới, công ty nhỏ và thường có ưu thế lớn hơn các công ty lớn. Thông thường công ty càng lớn, càng nhiều cấu trúc, càng hạn chế sự sáng tạo”.
Một doanh nghiệp Việt Nam khác cũng cho thấy mong muốn mạnh mẽ trong việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia là tập đoàn Viettel. Từ 2019, Viettel bắt tay vào tìm kiếm các dự án khởi nghiệp khả thi với dự án “Tìm kiếm giải pháp sáng tạo toàn cầu 2019”.
Trao đổi trên Dân Trí, ông Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn, thời điểm đó cho biết: “Là một trong những doanh nghiệp luôn đề cao các giải pháp sáng tạo đột phá trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, Viettel trân trọng và mong muốn biến những ý tưởng sáng tạo trở thành các sản phẩm thực tiễn và góp phần hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam”.
Trước đó, trong một bài phỏng vấn độc quyền trên DealStreetAsia, một lãnh đạo Viettel cũng úp mở về kế hoạch thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm hỗ trợ các startup. Vị này cho biết Viettel đã nhận ra rằng việc đầu tư vào các startup là một điều chắc chắn bởi khi công việc kinh doanh phát triển, công ty sẽ phải đa dạng hóa lĩnh vực.
“Nhiều startup đang sử dụng cơ sở hạ tầng mạng để phát triển các sản phẩm, thế nên đây chính là nền tảng của sự hợp tác. Chúng tôi cũng có thể mua lại một số startup nếu những người sáng lập muốn từ bỏ”, phía tập đoàn viễn thông cho hay.
Báo cáo Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2023 do Startup Genome phát hành cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam hiện đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, với tác động kinh tế ước tính lên tới 5,22 tỷ USD.
Số lượng startup ở Việt Nam cũng tăng mạnh, từ khoảng 1.600 vào thời điểm đại dịch COVID-19 lên hơn 3.800 trong thời điểm hiện tại, trong đó các startups về AI chiếm gần 10% tổng số lượng.