LienVietPostBank muốn mua lại toà nhà Thaiholdings làm trụ sở chính, trả cổ tức tỷ lệ 19% bằng cổ phiếu
Chiều 23/4, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - Mã: LPB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tại Ninh Bình với nhiều kế hoạch quan trọng được trình tới các cổ đông như mục tiêu kinh doanh năm 2023, đổi tên viết tắt, tăng vốn điều lệ, bầu Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát mới,...
Tính đến 14h10, số cổ đông tham dự đại hội là 330 người, tương đương sở hữu 66,65% số cổ phần có quyền biểu quyết của ngân hàng.
Chia cổ tức tỷ lệ 19% bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm 66%
Trong năm 2023, LienVietPostBank đặt mục tiêu lãi trước thuế 6.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm trước. Tổng tài sản ngân hàng đạt 375.000 tỷ đồng, tăng 14,4%, trong đó tổng tín dụng thị trường 1 đạt gần 273.500 tỷ đồng, tăng 16%; huy động thị trường 1 dự kiến đạt 295.740 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Ngân hàng cũng dự kiến chi trả cổ tức tỷ lệ 19% bằng cổ phiếu từ cho lợi nhuận để lại năm 2022 và 12% cho năm 2023.
Bên cạnh việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức (hơn 328,5 triệu cp), ngân hàng còn dự kiến chào bán thêm cổ phiếu qua các phương thức chào bán cho cổ đông hiện hữu (500 triệu cp), chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (300 triệu cp) và phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động - ESOP (10 triệu cp).
Theo đó, vốn điều lệ của LienVietPostBank sẽ tăng từ 17.291 tỷ đồng lên 28.676 tỷ đồng, tăng gần 66%.
Trước đó trong năm 2022, ngân hàng đã thực hiện tăng vốn bằng việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 15%. Một phương án khác là chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tối đa 3.000 tỷ đồng và chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài không được thực hiện do tình hình thị trường và thực tế triển khai.
LienVietPostBank muốn đổi tên viết tắt thành LPBank
Ngân hàng cũng trình đại hội đồng cổ đông xem xét việc đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh của ngân hàng từ LienVietPostBank thành LPBank.
Ngân hàng cho biết tên cũ có nhược điểm là quá nhiều ký tự, khó phát âm, khó nhớ dẫn đến khó nhận biết, hiệu ứng truyền thông không cao. Đồng thời xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay là sử dụng tên viết tắt dưới dạng rút gọn nhất có thể.
Đại hội được diễn ra trong bối cảnh cổ đông chiến lược Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) muốn thoái toàn bộ vốn khỏi LienVietPostBank. Tuy nhiên, kế hoạch bán đấu giáhơn 140,5 triệu cổ phần LPB với giá khởi điểm 22.908 đồng/cp vào ngày 21/4 của VNPost bất thành do không có người đăng ký mua.
Mức giá khởi điểm nói trên cao hơn 68% với thị giá hiện tại của LPB (đóng cửa ngày 21/4 là 13.650 đồng/cp).
Ngân hàng cũng trình phương án mua/nhận chuyển nhượng/thuê tài sản làm văn phòng làm việc cho Trụ sở chính và các Chi nhánh của ngân hàng. Cụ thể, HĐQT LienVietPostbank trình đại hội phương án mua Toà nhà số 210 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà nội làm văn phòng làm việc cho Trụ sở chính tại Hà Nội. Giá chuyển nhượng tối đa theo giá trị định giá của một công ty thẩm định giá độc lập.
Toà nhà này có hai mặt tiền tại số 17 Tông Đản và 210 Trần Quang Khải, thuộc sở hữu của CTCP Tôn Đản Hà Nội, thành viên của Thaiholdings. Trong quý II/2022, Thaiholdings đã bán 70 triệu cp của CTCP Tôn Đản Hà Nội cho hai cá nhân là ông Đinh Duy Quỳnh và ông Nguyễn Văn Tân với tổng giá trị chuyển nhượng 1.204 tỷ đồng. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Thaiholdings tại CTCP Tôn Đản giảm từ 85,17% xuống còn 30,28%.
Ông Phạm Doãn Sơn và ông Dương Công Toàn không tiếp tục tham gia HĐQT
Ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục có biến động về nhân sự cấp cao khi trong kỳ đại hội đồng cổ đông lần này sẽ thực hiện bầu Hội đồng Quản trị gồm 7 thành viên (trong đó có một thành viên HĐQT độc lập) và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2023 - 2028.
Những nhân sự được đề cử vào danh sách HĐQT nhiệm kỳ mới gồm: ông Nguyễn Đức Thuỵ, ông Huỳnh Ngọc Huy, ông Lê Hồng Phong, ông Nguyễn Văn Thuỳ(em trai ông Thuỵ), ông Lê Minh Tâm, ông Hồ Nam Tiến và ông Bùi Thái Hà.
Theo đó, ông Phạm Doãn Sơn và ông Dương Công Toàn, bà Dương Hoài Liên sẽ không tiếp tục góp mặt trong HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ mới.
Vào cuối năm 2022, ông Nguyễn Đức Thuỵ (tức bầu Thuỵ) đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay thế cho ông Huỳnh Ngọc Huy theo nguyện vọng cá nhân.
Gần đây nhất vào tháng 3, HĐQT ngân hàng đã chấp nhận đơn từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc của ông Phạm Doãn Sơn vì nguyện vọng cá nhân. HĐQT thống nhất giao ông Hồ Nam Tiến – Phó Tổng Giám đốc Thường trực là người đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc ngân hàng kể từ ngày 17/3/2023.
Danh sách HĐQT và BKS tính đến cuối năm 2022 của LienVietPostBank
Ngoài ra, ngân hàng còn trình đại hội sửa đổi bổ sung các văn bản về điều lệ, quy chế nội bộ, quy chế tổ chức của ngân hàng.
Phần Thảo luận:
- Xin ban lãnh đạo ngân hàng chia sẻ về tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng?
Phó TGĐ Bùi Thái Hà: Tình hình kinh tế xã hội trong thời gian tới còn nhiều khó khăn thách thức. Chúng tôi dự báo tình hình kinh tế phục hồi chậm, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao trong thời gian tới. LienVietPostBank thực hiện phân loại và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Tại 31/12/2022, tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 142%, thể hiện bộ đệm tài chính tương đối lành mạnh vững vàng để có thể vượt qua khó khăn trong thời gian tới.
- Ngân hàng đánh giá hiệu quả của hợp tác giữa LienVietPostBank và VNPost là như thế nào?
Phó TGĐ Bùi Thái Hà: Trên cơ sở thoả thuận hợp tác giữa LienVietPostBank và VNPost chúng tôi đã mở rộng mạng lưới tới 63 tỉnh thành phố, phân bổ đều đến các khu vực nông thôn. Từ đó đến nay, huy động vốn tăng 11 lần, phục vụ được nhiều khách hàng ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đưa sản phẩm tới vùng sâu, vùng xa, giúp hạn chế tín dụng đen. Ngân hàng đã phối hợp với VNPost triển khai sản phẩm thu hộ, chi hộ, thẻ, Lienviet24h,...
- Hiện LienVietPostBank đang khống chế room cho NĐTNN là 5%, trong thời gian tới ngân hàng có dự kiến nới room để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược ngoại hay không?
Ông Hồ Nam Tiến - Quyền Tổng Giám đốc: Ngân hàng vẫn đang trong quá trình tìm kiếm cổ đông chiến lược để mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông.
- Cho vay BĐS chiếm bao nhiêu trong danh mục cho vay của ngân hàng?
Ông Hồ Nam Tiến: Năm 2022, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 26.000 tỷ, trong đó tín dụng nông nghiệp nông thông hơn 14.000 tỷ. Tỷ lệ cho vay BĐS của ngân hàng chiếm khoảng 15% trông tổng dư nợ, các khoản vay này đều có TSBĐ.
- Ngân hàng có đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) như thế nào và đánh giá rủi ro đầu tư vào lĩnh vực này?
Ông Hồ Nam Tiến: LienVietPostBank hiện không thực hiện đầu tư hay phân phối TPDN, điều này giúp cho ngân hàng không gặp ảnh hưởng bất lợi trong thị trường TPDN hiện nay và trong thời gian tiếp theo.
Danh mục trái phiếu hiện tại của ngân hàng phần lớn là trái phiếu chính phủ, đảm bảo khả năng thanh khoản, phần nhỏ là trái phiếu của các TCTD có uy tín trên thị trường.
- Lãi suất đang có xu hướng tăng cao ảnh hưởng đến lợi nhuận các ngân hàng, LienVietPostBank có giải pháp gì để đạt mục tiêu năm 2023?
Ông Hồ Nam Tiến: Lãi suất huy động của ngân hàng có tăng trong quý IV/2022 và quý I/2023. Ngân hàng sẽ bám sát vào quy định của NHNN, trên cơ sở cân đối nguồn vốn huy động và phù hợp với mức độ tăng trưởng tín dụng để cân đối vốn hiệu quả; Nâng cao tỷ trọng thu nhập thu phí dịch vụ trên tổng thu nhập; Ứng dụng chuyển đổi số, tối ưu hoá quy trình vận hành, tiết kiệm chi phí hoạt động.
Với giải pháp đồng bộ về tăng thu nhập và giảm chi phí như nêu trên tôi tin rằng các kế hoạch về lợi nhuận mà HĐQT đã xây dựng và trình ĐHĐCĐ sẽ đạt được.
- Tỷ lệ CASA của ngân hàng hiện tại là bao nhiêu, làm sao để cải thiện CASA trong thời gian tới?
Ông Hồ Nam Tiến: Tỷ lệ CASA của LienVietPostBank vào cuối năm 2022 là 8,9%, về số tuyệt đối là tăng nhưng về số tương đối là không tăng trưởng. Tiền gửi CASA của ngân hàng có sự ổn định trong các năm qua mặc dù thị trường tài chính biến động.
Hệ thống PGD trên toàn hệ thống thời gian qua đã tiếp cận được nguồn vốn thực sự nhàn rỗi của người dân với những khoản tiền gửi kỳ hạn dài, từ đó có sự ổn định trong cân đối sử dụng vốn.
- Việc VNPost thoái vốn sẽ ảnh hưởng thế nào tới hoạt động của ngân hàng trong thời gian tới?
Phó TGĐ Bùi Thái Hà: Mức giá khởi điểm mà VNPost chào bán cổ phiếu LPB là gần 23.000 đồng/cp trong khi giá thị trường hiện nay chỉ khoảng 14.000 đồng/cp. Do đó, sự chênh lệch giá này là một trong những nguyên nhân khiến việc thoái vốn không thành công.
- TIN LIÊN QUAN
-
VNPost thoái vốn khỏi LienVietPostBank, các PGD bưu điện sẽ hoạt động ra sao? 23/03/2023 - 14:54
-
VNPost thoái vốn bất thành tại LienVietPostBank do không có nhà đầu tư đăng ký mua 17/04/2023 - 11:31
Theo quy định của Nhà nước, các DNNN phải thực hiện thoái vốn đầu tư các DN ngoài ngành. LienVietPostBank không thể can thiệm và tác động gì trong quá trình thoái vốn của VNPost.
Trước đó, VNPost và LienVietPostBank thực hiện ký thoả thuận hợp tác toàn diện 50 năm. Nếu trong trường hợp VNPost thoái vốn thành công thì sẽ không ảnh hưởng gì đến thoả thuận hợp tác giữa hai bên.
- Định hướng chiến lược của LienVietPostBank trong thời gian tới là gì?
Chủ tịch Nguyễn Đức Thuỵ: Chiến lược của ngân hàng trong thời gian tới là đẩy mạnh chuyển đổi số, số hoá hoạt động ngân hàng, kiên định với chiến lược bán lẻ đặc biệt trên khu vực nông thôn trên cơ sở mạng lưới rộng lớn; Tái cấu trúc ngân hàng để tối ưu phát triển kinh doanh; Tăng tỷ trọng thu từ phi tín dụng; Quyết liệt xử lý nợ xấu; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
- Ngân hàng vừa mới có sự thay đổi trong nhân sự cấp cao. Với vị trí là người đứng đầu, Chủ tịch có dự kiến gì trong thời gian tới?
Chủ tịch Nguyễn Đức Thuỵ: LienVietPostBank đã trải qua 15 năm với kết quả ấn tượng, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng phát triển những trụ cột chính, đảm bảo kinh doanh an toàn hiệu quả hướng tới mốc 20 năm thành lập ngân hàng.
Mục tiêu trong giai đoạn 2023- 2028 của ngân hàng là nâng cao thu nhập và chế độ cho cán bộ nhân viên, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho cổ đông, cung cấp dịch vụ tối ưu cho khách hàng và đối tác, tập trung chuyển đổi số, số hoá toàn diện, thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội.
Đại hội thông qua tất cả tờ trình.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/