Lệch pha kinh tế nội và FDI
Tăng trưởng kinh tế của Việt nam phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu và trong xuất khẩu, khối FDI lại đang ở vị trí dẫn dắt với tỷ trọng 72%, tương đương 59% GDP. Xuất khẩu của khối FDI đa phần là những hàng hóa công nghiệp có giá trị cao như điện tử, điện thoại và máy móc thiết bị.
Ngược lại, xuất khẩu của khối trong nước chiếm tỷ trọng nhỏ và chủ yếu là các mặt hàng có hàm lượng công nghệ thấp như nông, thủy sản, đồ gỗ và may mặc. Có thể nói tăng trưởng kinh tế Việt nam đang phụ thuộc phần lớn vào khối FDI và xuất khẩu của khối FDI.
Trong khi đó mức độ lan tỏa từ khối FDI sang khối doanh nghiệp nội địa không cao. Tỷ trọng giá trị nhập khẩu trên xuất khẩu của khối FDI liên tục duy trì ở mức trên 81% qua nhiều năm. Điều này có nghĩa khối FDI mới chỉ dừng lại sử dụng những tư liệu sản xuất đơn giản của địa phương như lao động giá rẻ, đất đai và nguyên vật liệu cơ bản (điện, nước, nhiên liệu, dịch vụ logistic). Từ lâu nay, khối FDI gần như không có nhu cầu chuyển giao công nghệ hay tìm cách tăng tỷ lệ nội địa hóa dù chúng ta đã có nhiều cơ chế khuyến khích.
Trái ngược với các doanh nghiệp FDI, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua lĩnh vực kinh doanh bán lẻ. Nhiều công ty của Thái Lan đã thâm nhập sâu và chiếm lĩnh thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam.
Tập đoàn CP Group của Thailand từ lâu đã thống trị ở mảng thức ăn chăn nuôi và thịt gia súc, gia cầm. Nhiều “đại gia” Thailand khác thì đã trở thành là cổ đông lớn, thậm chí thâu tóm các công ty hàng đầu của Việt nam như Sabeco, Vinamilk, hay chuỗi siêu thị Big C và MM Mega Market Việt Nam (Metro Cash & Carry trước đây).
Ở chiều ngược lại, chưa có một công ty bán lẻ nào của Việt nam đạt được vị trí như vậy tại Thailand. Với những mảng kinh doanh bán lẻ đòi hỏi vốn và công nghệ cao hơn như thương mại điện tử hay ứng dụng gọi xe (ride hailing), doanh nghiệp nội địa sẽ càng khó để có chỗ đứng ở ngay thị trường trong nước.
Tại Việt nam, doanh nghiệp nội địa có thể chia thành hai khối, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Khối doanh nghiệp nhà nước, nhóm đang nắm giữ những nguồn tài nguyên quan trọng nhất của quốc gia như khoáng sản, viễn thông, cảng, năng lượng lại chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt. Tăng trưởng vốn đầu tư của khối doanh nghiệp nhà nước thường xuyên thấp hơn mức tăng trưởng vốn đầu tư chung của cả nền kinh tế.
Giai đoạn 2017-2023, trong khi vốn đầu tư của khối tư nhân và FDI đạt tăng trưởng trung bình 11% và 7%/năm thì khối DNNN lại giảm -1%. Tín dụng cho khối doanh nghiệp nhà nước cũng kém khả quan tương tự, giảm trung bình 4%/năm trong giai đoạn 2017-2022.
Để so sánh chúng ta có thể nhìn sang SK, tập đoàn công nghiệp lớn thứ hai của Hàn Quốc. SK khởi đầu là một công ty dệt may trong thập niên 60 và 70. Sang thập niên 80, SK bắt đầu lấn sân vào lĩnh vực lọc hóa dầu (SK Energy) và nhanh chóng trở thành một trong những công ty dẫn đầu về lọc hóa dầu tại Hàn Quốc. Sang thập niêm 90, tập đoàn này tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực viễn thông với SK Telecom và trở thành công ty đầu tiên trên thế giới cung cấp dịch vụ CDMA.
Như vậy SK trước năm 2000 gần giống với sự kết hợp của Petro Vietnam và Mobilefone của Việt nam. Tuy nhiên SK không dừng lại ở đó. Khoảng năm 2010, họ dần thâu tóm công ty con làm bán dẫn của Hyundai, lập ra SK Hynix vào năm 2012. SK Hynix và mảng bán dẫn hiện là một trong những trụ cột của SK, chiếm 30%- 40% trong tổng doanh thu hơn 100 tỷ USD của tập đoàn này.
Trong 10 năm trở lại đây, SK đang đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực năng lượng mới. Hàng tỷ USD đã được rót vào các nhà máy pin xe điện, động cơ hydrogen, nhà máy sản xuất hydrogen hay nhà máy thu hồi CO2 trên toàn cầu. Công ty này cũng tích cực tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới nổi. Năm 2018 và 2019, SK đã nhanh chóng giải ngân hai tỷ USD vào những công ty hàng đầu của Việt nam là Vingroup và Masan.
Ví dụ này cho thấy khi được tiếp cận những nguồn lực và nguồn tài nguyên dồi dào (ở đây là lọc hóa dầu và viễn thông), một công ty tư nhân có thể phát triển mạnh mẽ để dẫn dắt kinh tế của Hàn Quốc như thế nào.
Còn khối doanh nghiệp tư nhân của Việt nam hiện nay lại đang phải xoay xở trong các lĩnh vực kinh doanh có độ cạnh tranh cao. Hệ quả tất yếu là tốc độ tích lũy vốn và công nghệ chậm, làm giảm khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
Một minh chứng là vốn đầu tư của khối tư nhân. Sau Nghị quyết 10/2017 về phát triển kinh tế tư nhân, đầu tư của khối này đã tăng tốc mạnh mẽ. Trong 3 năm 2017-2019, trung bình tăng trưởng đầu tư của khối tư nhân là 18%, gấp đôi khối FDI (8%) và vốn đầu tư công (9%). Khối tư nhân đã thực sự là động lực chính kéo tổng đầu tư cũng như cả nền kinh tế trong giai đoạn đó.
Tuy nhiên, sang giai đoạn hậu COVID-19, đầu tư của khối tư nhân chỉ tăng trung bình 6%/năm, thấp hơn khối FDI (10%) và càng thấp hơn vốn đầu tư công (20%). Thị trường đầu ra co hẹp, thủ tục pháp lý kéo dài, rủi ro kinh doanh gia tăng khiến các doanh nghiệp tư nhân chậm đầu tư phát triển dù họ là khối có sự năng động và hiệu quả cao hơn khối DNNN.
Nhìn chung, khối doanh nghiệp nhà nước được tiếp cận các nguồn tài nguyên quan trọng nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả, trong khi khối tư nhân phải xoay sở trong môi trường cạnh tranh cao, đối mặt với nhiều rủi ro từ biến động thị trường cho đến thủ tục pháp lý. Đây là một lý do quan trọng khiến các doanh nghiệp Việt nam đang thua trên sân nhà, chưa nói đến việc vươn ra thế giới.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Chuyên gia Kinh tế - Tài chính, sáng lập viên Think Future Consultancy