|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế nửa đầu năm 2024: Bước xoay chuyển tình thế

11:30 | 03/07/2024
Chia sẻ
Từ con số tăng trưởng âm, sụt giảm của nhiều ngành, nghề, lĩnh vực ở thời điểm cuối năm 2023, chỉ trong nửa đầu năm 2024, nền kinh tế đã có sự xoay chuyển mạnh mẽ.

Cách đây khoảng một tuần, các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng UOB, Standard Chartered vẫn đánh giá, Việt Nam khó có thể vượt mốc tăng trưởng trong quý II bởi lẽ trong quý I, tăng trưởng của Việt Nam chỉ ở mức 5,66%, không cao như kỳ vọng.

Tuy nhiên, số liệu công bố mới nhất cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua "cơn sóng" khi tăng trưởng tới gần 7% trong quý II giúp luỹ kế GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020 - 2024. 

Kết quả này cho thấy xoay chuyển tình thế mạnh mẽ, khi tăng trưởng quý sau thường cao hơn quý trước và quý III, quý IV năm nay được kỳ vọng vẫn sẽ tích cực.

Tăng trưởng GDP theo từng quý. (Nguồn: Tổng cục Thống kê, Hạ An tổng hợp).

Những gam màu sáng của bức tranh kinh tế

Nhìn sâu vào những nội lực giúp nền kinh tế Việt Nam vượt khó, có thể thấy mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.

Hai khu vực đóng góp nhiều nhất là công nghiệp, xây dụng và dịch vụ với tỷ lệ tới 94%, nói cách khác hầu hết các nội lực của nền kinh tế quyết định tỷ lệ tăng trưởng nằm ở hai khu vực này.

Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng tốt hơn lên tới gần 8% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của chế biến, chế tạo khi đơn hàng phục hồi. Đây là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,67%, đóng góp 2,14 điểm %.

Sự xoay chuyển mạnh mẽ này đến từ nhu cầu hàng xuất khẩu hồi phục khi tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào khu vực xuất khẩu. Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nửa đầu năm ước đạt 190,08 tỷ USD tăng 14,5%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng trưởng 17%. Một điểm đáng chú ý là trong tháng 5, các doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu dẫn đến cán cân thương mại tạm đảo chiều nhập siêu trong một tháng rồi lại xuất siêu mạnh trong tháng 6. Luỹ kế đến hết tháng 6, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam. (Ảnh: S&P Global).

Sau nhiều tháng phục hồi nhưng "thiếu chắc chắn", chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 6 đã bứt khỏi mốc 50,3 - 50,4 điểm tăng mạnh lên 54,7 điểm, tín hiệu cho thấy ngành sản xuất công nghiệp phục hồi rất mạnh.

Sự tăng trưởng của sản xuất trong tháng cuối cùng của quý II nhờ lượng đơn đặt hàng mới tăng với một trong những tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận. Điều này cho thấy nhu cầu hồi phục mạnh từ các thị trường, càng tăng thêm sự chắc chắn cho kỳ vọng tăng trưởng ở nửa cuối năm.

Với ngành xây dựng tăng 7,34%, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020 - 2024, đóng góp 0,48 điểm %.

Với khu vực dịch vụ, trong 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn 2,7 điểm % so với cùng kỳ năm 2023, phản ánh cầu tiêu dùng trong nước phục hồi, nhưng vẫn thấp.

Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm các năm 2020-2024. (Nguồn: Tổng cục Thống kê, Hạ An tổng hợp).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi loại trừ đi yếu tố về giá, tổng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,7%,thấp hơn 2,7 điểm % so với cùng kỳ năm 2023, phản ánh cầu tiêu dùng trong nước phục hồi, nhưng vẫn thấp.

Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng đã là có sự đóng góp lớn của các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành.

6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 8,8 triệu lượt khách, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước, khách du lịch nội địa trong nước cũng tăng. Du lịch phục hồi đã tác động lan tỏa tích cực đến các ngành dịch vụ trong nước như lưu trú; ăn uống; vận tải và dịch vụ du lịch lữ hành.

Có thể thấy, bức tranh kinh tế vĩ mô với nhiều điểm sáng ở khu vực sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu nhưng với những phần còn lại vẫn còn đâu đó những mảng tối màu.

Rủi ro vẫn hiện hữu

Theo báo cáo từ IMF, rủi ro của nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại. Xuất khẩu, động lực chính của nền kinh tế Việt Nam, có thể yếu hơn nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng.

Ở trong nước, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp suy yếu có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng cấp tín dụng của ngân hàng, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế cũng như làm suy yếu sự ổn định tài chính.

 Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam. (Ảnh: NVCC).

Bên cạnh đó, việc một lượng lớn doanh nghiệp rời bỏ thị trường làm mất đi động lực tăng trưởng rất lớn của nền kinh tế.

"Có tới hơn 110.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm cho thấy môi trường kinh doanh đang có dấu hiệu báo động", Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, nói khi nhận định về những rủi ro của nền kinh tế Việt Nam.

Hay trong Báo cáo về Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ có 40% số doanh nghiệp đánh giá quý III sẽ tốt hơn quý II, nghĩa là có đến 60% doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh vẫn như vậy, thậm chí còn khó khăn hơn.

Theo ông, điểm đáng lưu ý nữa là dù mặt bằng giá cả trong nước vẫn ở trong tầm kiểm soát nhưng cũng đang tạo áp lực lên chỉ số giá trong nước .

Việc tăng lương, tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình như điện, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế; giá thịt lợn tăng do giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp; giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu là những yếu tố gây áp lực lên lạm phát nửa cuối năm.

Khó khăn trong sản xuất còn tiềm ẩn do cầu trong nước và quốc tế chưa khôi phục hoàn toàn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, rủi ro tỷ giá cùng với việc đẩy mạnh nhập khẩu để phục vụ sản xuất sẽ gây áp lực lên giá nguyên liệu đầu vào.

Đặc biệt, mối lo ngại về căng thẳng địa chính trị, cuộc xung đột ở Biển Đỏ, Nga - Ukraina khiến giá hàng hóa, giá xăng dầu, giá cước vận tải tăng..., làm gia tăng chi phí sản xuất là những rủi ro còn tiềm ẩn trong nửa cuối năm.

Báo cáo PMI cũng nhấn mạnh, chi phí sản xuất đang tăng nhanh nhất trong hai năm khi chi phí vận tải và đặc biệt là giá dầu tăng. Để bù đắp, các công ty đã tăng giá bán hàng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/2022.

Điều này rất nhanh sẽ tác động đến toàn thị trường, tác động sâu vào nền kinh tế hình thành nên chi phí đẩy và nếu không có những biện pháp mạnh mẽ sẽ rất khó để kiểm soát lạm phát.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hạ An

[LIVE] Talkshow ‘Xu hướng đầu tư bất động sản 2025: Cơ hội nào trong chu kỳ mới?’
Những thông tin cập nhật bối cảnh thị trường, dự báo xu hướng dòng tiền vào bất động sản... sẽ được đưa ra thảo luận tại Talkshow ‘Xu hướng đầu tư bất động sản 2025: Cơ hội nào trong chu kỳ mới?’ phát sóng vào 14h30 ngày 30/10.