|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế đêm Việt Nam: Chán và buồn ngủ?

13:30 | 10/06/2024
Chia sẻ
Du lịch về đêm thành công là phải khiến du khách chi đến đồng tiền cuối cùng và khi rời đi sẽ "hẹn lần sau trở lại". Trong khi đó, du lịch đêm tại Việt Nam tạo cảm giác buồn và chán nản, du khách mang tiền đến rồi lại mang về, vì buổi tối không biết chi tiêu vào đâu, họ chỉ đi bộ rồi về ngủ.

 

Thời gian qua, Hà Nội và nhiều địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động du lịch để phát triển kinh tế đêm như: Các tour du lịch, các khu chợ cho khách vui chơi, các sản phẩm du lịch đêm… Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, các dịch vụ phát triển kinh tế đêm của Việt Nam chưa thực sự phong phú, doanh thu từ khách du lịch còn thấp nhất là các dịch vụ sau 0h.

Du lịch đêm là tổng hợp toàn bộ trải nghiệm "tạo ra tiền", lấy khách hàng làm trung tâm, các hoạt động tại các điểm đến đủ hấp dẫn, giàu cảm xúc, chứ không phải "du khách đi bộ lèo tèo rồi về ngủ". Du lịch đêm phải phục vụ du khách tối đa, để họ được "mệt rồi về nghỉ", chi đến đồng tiền cuối cùng, khi rời địa phương sẽ "hẹn lần sau trở lại".

Việt Nam đã làm nhưng "làm chưa tới" trong việc khai thác du lịch đêm. Nhiều địa phương hiểu chưa đúng về du lịch đêm nên chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ ẩm thực, đi chơi, bán vài món đặc sản… Một số khu du lịch được đầu tư lớn thì không tập trung vào phát triển các sản phẩm du lịch đêm mà chỉ tập trung xây dựng các sản phẩm cho du khách nội địa kết hợp với bán bất động sản nghỉ dưỡng.

Điều này vô hình chung khiến du khách quốc tế thiếu nơi để vui chơi, tiêu tiền. Khách nước ngoài, nhất là thành phần du khách chi tiêu cao họ rất ít khi đến các "thành phố Tây cho người Việt", thiếu trải nghiệm giàu cảm xúc mà lại xô bồ, ầm ĩ. Các sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam chưa đủ thú vị và thiếu liên kết, không tạo ra được các trải nghiệm "thâu đêm, suốt sáng" khiến chi tiêu của khách quốc tế không lớn.

Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam lớn nhưng chi tiêu không cao khiến du lịch quốc tế chưa được như kỳ vọng. 5 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 60% nhưng tổng doanh thu từ du lịch chỉ tăng 15%.

Nếu vẫn 18 triệu khách quốc tế đó mà gia tăng chi tiêu gấp ba như Thái Lan thì ngành du lịch sẽ có bước đột phá. Tại Thái Lan, du khách chi tiêu trung bình gấp ba lần tại Việt Nam, phần lớn thời gian chi tiêu là sau từ 18h.

Khi không tăng được lượng khách thì cần tăng mức chi tiêu của khách trong thời gian lưu trú. Hiện chi tiêu của khách nhiều nhất không phải cho tour du lịch mà là các sản phẩm vui chơi, ăn uống dịch vụ trong khoảng thời gian từ 18h - 6h sáng hôm sau.

 

Để tạo điều kiện cho các sản phẩm về đêm, tháng 12/2023 Thái Lan cho phép các quán bar, câu lạc bộ đêm và các địa điểm giải trí khác mở cửa đến 4 giờ sáng. Việc kéo dài thời gian chỉ được phép thực hiện ở 5 địa điểm nổi tiếng về các hoạt động giải trí ban đêm như: Bangkok, Phuket, Kon Samui, Pattaya và Chiang Mai. 

Quyết định nới lỏng này ngay lập tức đã tạo ra cú hích, khiến lượng khách đến Thái Lan tăng vọt. Chỉ trong tháng 12, chính phủ nước này đã thu được hơn 54,4 tỷ baht (1,6 tỷ USD) từ du lịch, tăng 44% so với một năm trước đó, phần lớn đến từ việc kéo dài thời gian về đêm và sự kiện đếm ngược mừng năm mới.

Cũng ở châu Á, Thượng Hải (Trung Quốc) vài năm nay bắt đầu quảng bá cho các rạp chiếu phim mở cửa 24/24. Để tăng thời gian lưu trú và số tiền chi tiêu của khách du lịch, Bắc Kinh đã kéo dài thời gian hoạt động của các tuyến tàu điện, bổ sung thêm các tuyến xe buýt đêm. Họ lên kế hoạch thiết lập một chuỗi nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, rạp chiếu phim và cả… hiệu sách mở cửa 24/7 quanh các ga tàu. Thành phố cũng dự định xây 16 chợ đêm và biến 10 con phố thành phố ăn đêm chuyên biệt. 

Tại Thái Lan, họ đã nghiên cứu hành vi chi tiêu của du khách từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, trên đường bộ hoặc dưới thuyền du lịch ban đêm. Các hoạt động liên kết trải nghiệm của họ rất thành công như các tour du lịch về đêm, các dịch vụ show trình diễn, câu lạc bộ đêm,...

Còn với Việt Nam, hiện chúng ta chủ yếu tổ chức các hoạt động ăn uống, đi bộ, du khách đang vui thì phải đi về. Du lịch đêm tại Việt Nam tạo cảm giác buồn và chán nản, du khách mang tiền đến rồi lại mang về, vì buổi tối không biết chi tiêu vào đâu, họ chỉ đi bộ rồi về ngủ.

Để tạo ra sản phẩm du lịch, điều quan trọng nhất là phải xác định ai sẽ là đối tượng khách hàng mục tiêu để từ đó đưa ra những sản phẩm dành cho họ, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu mà khách đang thích và muốn tiêu tiền. Có nhiều rào cản cho vấn đề này cần nhiều đơn vị cùng vào cuộc.

Có một thực tế là chính quyền một số địa phương "chưa mặn mà" với du lịch đêm, không lấy du khách làm trung tâm. Chính quyền còn lúng túng trong quản lý các hoạt động về đêm, sợ mất an ninh trật tự địa phương. Nhiều "sự cấm cản" đã khiến các nhà đầu tư nản lòng, du khách buồn chán bỏ sang các nước lân cận.

Bên cạnh đó, một số địa phương có hoạt động ban đêm, nhưng dịch vụ còn hạn chế, đơn điệu, chủ yếu tập trung vào ăn uống. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng để thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, không nhất thiết phải thực hiện nơi nào cũng để khách "thâu đêm, suốt sáng" mà có thể bố trí quy hoạch những điểm riêng biệt, dành cho khách quốc tế, xa khu dân cư.

Tại Thái Lan họ cũng chỉ có 5 thành phố phát triển du lịch ban đêm nhưng quan trọng nhất là sản phẩm phải quy hoạch hợp lý, liên hoàn với nhau. Tại các thành phố này, xe bus hoặc tàu du lịch trên sông, trên biển hoạt động 24 giờ, phục vụ khách du lịch thay vì 21 -22h khách đã hết địa điểm để vui chơi hoặc đi chơi về không có phương tiện giao thông để di chuyển về khách sạn.

Ví dụ như ở Hội An, sau khi du khách trải nghiệm ở phố cổ có thể hướng họ đến khu vực xa khu dân cư, gần biển để tiếp tục các trải nghiệm du lịch về đêm. Việc bổ sung các địa điểm liên hoàn sẽ thu hút được lượng khách quốc tế đáng kể và gia tăng chi tiêu của du khách.

Thứ hai, nhà đầu tư phải mặn mà thì mới tạo ra những trải nghiệm cho khách hàng. Cần quy hoạch phân khu tập trung, biến các tụ điểm giải trí và dịch vụ ban đêm trở thành một tổ hợp, nơi các hoạt động mua sắm, giải trí và ẩm thực diễn ra thâu đêm suốt sáng, nơi du khách có thể trải nghiệm trọn vẹn chuyến đi từ phút đầu đặt chân tới đến lúc rời đi.

Mỗi địa phương đều có những tiềm năng riêng để phát triển du lịch đêm. Lux Group đã khai thác tour du thuyền trên vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ, Nha Trang, sắp tới là trên sông Sài Gòn để khách trải nghiệm ngắm hoàng hôn, thưởng nhạc và ăn tối. Nhưng tất cả chỉ diễn ra trong một số khung giờ cố định theo yêu cầu của chính quyền địa phương, dù du khách có nhu cầu ở lại lâu hơn.

Nhu cầu của từng dòng khách cũng khác nhau. Đơn cử như tại Hạ Long (Quảng Ninh) khách châu Âu thích những tour ngủ đêm trên vịnh để trải nghiệm sự tĩnh lặng, trong khi khách châu Á thích sự sôi động của những thành phố không ngủ, chơi thâu đêm để tiêu sạch tiền.

Ngoài chính sách và cơ chế, chúng ta nên cởi mở về tư duy, đổi mới nhìn nhận để "lôi kéo" khách du lịch trở lại nhiều lần. Các chính quyền địa phương đơn cử như 12 địa phương thực hiện thí điểm kinh tế đêm không phải địa phương nào cũng có tài nguyên thiên nhiên, du lịch hay trải nghiệm về đêm giống nhau vì vậy phải dựa trên đặc trưng văn hoá và dư địa phát triển của mình để làm sao du khách đến họ vui chơi và chi tiêu nhiều hơn.

Thái Lan - đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam - thường xuyên thay đổi trải nghiệm cho du khách với những hoạt động về đêm "không thiếu gì, miễn là khách có tiền". Các hoạt động mang tính liên kết như: Đi du thuyền trên sông, các chương trình biểu diễn.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO của Lux Group