|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Khủng hoảng trường mẫu giáo ở châu Á: Hàng chục nghìn cơ sở đóng cửa, một ngành nghề lâm nguy

09:42 | 30/08/2024
Chia sẻ
Tỷ lệ sinh thấp tại Trung Quốc khiến số trẻ em học mẫu giáo sụt giảm, dẫn đến việc hàng chục nghìn trường phải đóng cửa. Tình hình tại Hàn Quốc cũng trầm trọng không kém.

Trẻ em tại một trường mẫu giáo ở Trung Quốc chơi với bóng rổ. (Ảnh: China Daily). 

Trung Quốc: 170.000 giáo viên mất việc

2023 là năm mà Trung Quốc ghi nhận một kỷ lục buồn. Số ca sinh mới của nước này chỉ đạt 9,02 triệu, mức thấp nhất kể từ năm 1949. Và theo Viện Nghiên cứu Dân số Yuwa, số trẻ trung bình mà một phụ nữ sinh ra trong suốt cuộc đời là 1 - thấp hơn hẳn tỷ lệ 2,1 trẻ/phụ nữ để một quốc gia có thể duy trì dân số ổn định.

Tại thành phố giàu có nhất Trung Quốc là Thượng Hải, tỷ lệ sinh năm 2023 thậm chí còn rơi xuống 0,6, đồng nghĩa với việc gần một nửa phụ nữ không sinh con.

Theo South China Morning Post (SCMP), chi phí đắt đỏ khi nuôi dạy con cái và mong muốn theo đuổi khát vọng cá nhân là lý do khiến người trẻ Trung Quốc không còn mặn mà kết hôn như trước, dẫn đến tỷ lệ sinh giảm.

Một lý do quan trọng khác khiến số ca sinh đi xuống rõ rệt trong những năm gần đây là tình trạng vô sinh. Trung Quốc đã chứng kiến tỷ lệ vô sinh tăng từ mức 12% vào năm 2007 lên 18% năm 2020, theo khảo sát toàn quốc do bác sĩ Qiao Jie tiến hành năm 2022. Điều này đồng nghĩa với việc cứ mỗi 5,6 cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh con thì có một cặp gặp khó khăn trong vấn đề này.

Sự giảm sút của tỷ lệ sinh gây ra tác động dây chuyền đến số học sinh nhập học vào trường mẫu giáo. Các phụ huynh từng xếp hàng dài trước cổng những ngôi trường mẫu giáo có tiếng, đôi khi họ còn chờ đợi từ tận đêm trước. Nhưng giờ chính các trường mẫu giáo lại đang phải vật lộn để tuyển đủ học sinh trước năm học mới.

 

Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc, số trẻ em học mầm non đã giảm 5 triệu vào năm 2023 xuống còn 40,92 triệu, con số thấp nhất kể từ năm 2014. Những trường mẫu giáo không thu hút đủ học sinh chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa. 

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc sa sút và người dân ra sức thắt lưng buộc bụng, chủ yếu các trường ngừng hoạt động là trường tư nhân với mức phí đắt đỏ hơn trường công, Nikkei Asia cho hay. 

Angels Kindergarten, trường mẫu giáo quốc tế tư thục tại vùng ngoại ô phía tây Thượng Hải, từng tự hào sở hữu 16 phòng học, hai sân chơi lớn, nhân viên y tế riêng và giáo viên nước ngoài phục vụ chương trình giảng dạy song ngữ.

Sau 18 năm hoạt động, vào tháng 5 năm nay, Angels Kindergarten thông báo với phụ huynh rằng trường sẽ đóng cửa vì không còn đủ khả năng đáp ứng chi phí hoạt động và tiền thuê nhà.

Angels chỉ là một trong hàng chục nghìn trường mẫu giáo ở Trung Quốc phải ngừng hoạt động trong vài năm qua. Theo số liệu chính thức, số trường mẫu giáo ở Trung Quốc đã giảm 20.000 trong giai đoạn 2021 - 2023, từ 294.832 xuống 274.480 trường. Chỉ tính riêng trong năm 2023, có tới 170.000 công việc dạy trẻ mẫu giáo toàn thời gian đã bị “xóa sổ”.

 

Tương lai của các trường mẫu giáo và nhân viên của họ có vẻ sẽ càng khó khăn. Ông Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, ước tính số trẻ em học mầm non vào năm 2026 sẽ chỉ đạt hơn 29 triệu, tức thấp hơn 12 triệu trẻ so với năm ngoái. Làn sóng trường mẫu giáo đóng cửa và giáo viên mất việc sẽ càng trầm trọng hơn.

Để khắc phục vấn đề trên, chính phủ Trung Quốc đang tiến hành chương trình trợ cấp dành cho các trường tư đáp ứng đủ điều kiện và khuyến khích trường mẫu giáo tiếp nhận cả những trẻ em dưới ba tuổi.

Hàn Quốc: 1/3 nhà trẻ và trường mẫu giáo có nguy cơ đóng cửa

Nền kinh tế phát triển duy nhất có tỷ lệ sinh thấp hơn Trung Quốc là Hàn Quốc. Tỷ lệ sinh của nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới 0,72 vào năm 2023.

Viện Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em Hàn Quốc đưa ra dự báo đáng kinh ngạc rằng sự sụt giảm mạnh của tỷ lệ sinh sẽ khiến gần 32% các nhà trẻ và trường mẫu giáo tại Hàn Quốc phải đóng cửa vào năm 2028.

Ngay trong những năm từ 2018 đến 2022, số nhà trẻ ở Hàn Quốc đã giảm từ hơn 39.000 xuống gần 31.000, tương ứng mức giảm 21%. Trong cùng kỳ, số trường mẫu giáo còn hoạt động cũng sụt 5,1% xuống hơn 8.500 trường, tờ Korea Times đưa tin. 

Viện Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em Hàn Quốc bày tỏ sự lo ngại rằng làn sóng đóng cửa của trường mẫu giáo và nhà trẻ sẽ gây ảnh hưởng đặc biệt nặng nề tới khu vực phi thành thị, làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm dân số ở những vùng này.

Cũng giống như Trung Quốc, chi phí nuôi con cao và ảnh hưởng tới sự nghiệp là những nguyên nhân khiến nhiều người Hàn Quốc ngần ngại lập gia đình và sinh con.

Theo báo cáo gần đây của Viện Yuwa, chi phí trung bình để nuôi con từ khi sinh đến lúc 18 tuổi ở Trung Quốc gấp 6,3 lần GDP bình quân đầu người. Trong số 13 quốc gia Viện Yuwa đánh giá, chỉ có Hàn Quốc là có hệ số cao hơn, ở mức 7,8 lần. Tại Nhật Bản, Mỹ và Australia, các hệ số này lần lượt là 4,3, 4,11 và 2,1 lần.

Giang

Lời giải bài toán: Giao dịch qua quỹ nhàn, lãi nhiều hơn VN-Index nhưng tại sao phát triển chưa nhanh?
Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng để phát triển ngành quản lý quỹ nhưng dữ liệu về tài sản thuộc quyền quản lý (AuM) của các tổ chức vẫn còn khá khiêm tốn nếu so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc…