Khối ngoại xả hơn 5.100 tỷ đồng trên toàn thị trường, tâm điểm một cổ phiếu công nghệ
Điểm nhấn trong tuần 10 - 14/6 là việc VN-Index đã thành công vượt mốc 1.300 trong phiên ngày 12/6 sau hơn 2 năm rời xa. Đà hưng phấn vẫn được duy trì trong phiên tiếp theo tuy nhiên những dấu hiệu chốt lãi đã bắt đầu xuất hiện và đến phiên cuối tuần áp lực bán đã dứt khoát hơn, đẩy VN-Index giảm nhanh vào thời gian cuối phiên giao dịch.
Phiên cuối tuần giảm hơn 21 điểm cũng đã xóa hết thành quả từ đầu tuần, so với cuối tuần trước VN-Index đã giảm 7,67 điểm, tương đương giảm 0,6% về mốc 1.279,91 điểm.
Tổng giá trị giao dịch bình quân trên toàn thị trường đạt 28.003 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản bình quân phiên ở mức 25.184 tỷ đồng, tăng 9,9% so với tuần trước và 11,8% so với trung bình 5 tuần gần đây.
Chiều ảnh hưởng tích cực, FPT và VPB là 2 mã có đóng góp lớn nhất cho thị trường chung với điểm số tác động lần lượt 2,9 điểm và 1,51 điểm. Ở phía ngược lại, GVR, VIC và SAB là 3 lực cản mạnh nhất khi lấy đi lần lượt 1,81 điểm, 1,4 điểm và 1,39 điểm của VN-Index.
Trong tuần VN-Index đánh mất mốc 1.280 điểm, khối ngoại gia tăng bán ròng trên toàn thị trường với quy mô 5.142 tỷ đồng, gấp 3 lần tuần trước đó.
Trên HOSE, NĐT nước ngoài chưa ngừng xả ròng với tổng quy mô gần 4.953 tỷ đồng, tính riêng kênh khớp lệnh họ bán ròng gần 5.318 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu FPT bị xả ròng mạnh nhất với giá trị hơn 1.797 tỷ đồng, ghi nhận 2 tuần liên tục lọt top bán ròng.
Phiên 13/6 vừa qua là ngày FPT chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt còn lại năm 2023 với tỷ lệ 10%, nghĩa là cổ đông sở hữu mỗi cổ phần sẽ được nhận 1.000 đồng. Với gần 1,27 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến FPT sẽ chi khoảng 1.300 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Song song đó, ngày 13/6 cũng là ngày chốt danh sách cổ đông thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, FPT sẽ phát hành thêm gần 191 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 20:3, có nghĩa cổ đông sở hữu 20 cổ phần sẽ nhận thêm 3 cổ phiếu mới.
Bất chấp sức ép rút vốn của khối ngoại, cổ phiếu của Công ty cổ phần FPT tiếp tục leo đỉnh lịch sử. Kết thúc phiên 14/6, thị giá mã này dừng tại 131.000 đồng/cp, tăng gần 7% so với tuần trước và tăng tới 36,3% so với hồi đầu năm.
Đứng thứ hai trong danh mục xả ròng của khối ngoại là cổ phiếu VHM với gần 716 tỷ đồng. Cùng chiều, danh mục các mã bị NĐT ngoài bán ròng mạnh nhất còn có nhiều đại diện thuộc nhóm vốn hóa lớn và trung bình như HPG (460 tỷ đồng), VNM (420 tỷ đồng), VRE (382 tỷ đồng), VCB (290 tỷ đồng), MWG (277 tỷ đồng), VIC (223 tỷ đồng), VPB (218 tỷ đồng) và VND (197 tỷ đồng).
Trong bối cảnh thị trường khởi sắc, khối ngoại tiếp tục xả ròng hơn 1.686 tỷ đồng trong tuần vừa qua. Quy mô rút ròng giảm sâu so với mức kỷ lục 7.800 tỷ đồng tuần trước.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu MBB dẫn đầu danh mục Top 10 mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 348 tỷ đồng trong tuần.
Bên cạnh đó, HAH, MSN và FRT cũng được mua ròng lần lượt 167 tỷ, 160 tỷ và 100 tỷ đồng. Danh mục Top10 gom ròng còn có sự góp mặt của PLX, HVN, HSG, VCG, SSI, SGN với quy mô dưới 100 tỷ đồng.
Trên HNX, NĐT nước ngoài mua ròng 4/5 phiên với giá trị gần 49 tỷ đồng, tương đương khối lượng hơn 0,6 triệu đơn vị.
Trong đó, khối ngoại mua ròng 92,3 tỷ đồng ở cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO - Công ty Cổ phần. Theo sau là MBS (58,8 tỷ đồng) và những giao dịch tương tự như PVS (34,5 tỷ đồng), TIG (8,5 tỷ đồng) và TVC (2,5 tỷ đồng).
Ở phía đối diện, cổ phiếu LHC của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi Lâm Đồng dẫn đầu bên bán với giá trị gần 127,1 tỷ đồng. Mã DTD cũng bị rút ròng 13,8 tỷ đồng. Cùng chiều, NĐT ngoại cũng bán ròng các mã SHS (13,4 tỷ đồng), HUT (6,8 tỷ đồng) và TNG (4 tỷ đồng).
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng cả 5 phiên trong tuần qua với tổng giá trị gần 238 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 107,1 tỷ đồng cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP. Theo sau là các giao dịch tương tự với giá trị thấp hơn như ACV (52,8 tỷ đồng), MCH (27,9 tỷ đồng), CLX (17,3 tỷ đồng) và MPC (12,6 tỷ đồng).
Ở phía đối diện, khối ngoại mua ròng 3,4 tỷ đồng ở cổ phiếu BSR của Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn. Cùng chiều, giao dịch giải ngân còn được chứng kiến ở các mã VLC (2,5 tỷ đồng), QTP (2,4 tỷ đồng), DGT (1,8 tỷ đồng) và DDV (1,7 tỷ đồng).