Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 2.100 tỷ đồng tuần điều chỉnh, tâm điểm FPT, HDB
Sau tuần hồi phục lên mốc 1.288 điểm, thị trường duy trì trạng thái dao động trong biên độ hẹp trong 5 phiên giao dịch của tuần 14 – 18/10. VN-Index đóng cửa tuần tại 1.285,46 điểm, giảm nhẹ 2,93 điểm, tương đương 0,23% so với cuối tuần trước.
Thanh khoản chưa được cải thiện với tổng giá trị giao dịch bình quân phiên (tính trên cả 3 sàn) trong tuần đạt 17.646 tỷ đồng. Tính riêng kênh khớp lệnh, thanh khoản bình quân ghi nhận 15.345 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,4% so với tuần trước và thấp hơn 3,4% so với trung bình 5 tuần gần nhất.
Dòng tiền vẫn tập trung ở nhóm vốn hóa lớn VN30, song tỷ trọng giảm về 51% từ mức 54,9% của tuần trước. Nhóm vốn hóa nhỏ cũng có tỷ trọng giao dịch giảm từ 9% về 8,2%. Ngược lại, nhóm vốn hóa vừa ghi nhận tỷ trọng tăng trở lại với 38,6% (so với 34% trong tuần trước).
Theo thống kê, trong Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực lên VN-Index trong tuần qua, FPT trở thành tội đồ chính khiến thị trường đánh rơi 0,9 điểm. GAS đứng thứ hai với mức ảnh hưởng giảm 0,8 điểm. Bên cạnh đó, bộ đôi PLX và SSB lấy đi tổng cộng 1,3 điểm của VN-Index.
Ở phiếu đối diện, VHM là trụ cột chính nâng đỡ thị trường với mức đóng góp 1,8 điểm. Nhiều cổ phiếu ngân hàng trở lại với vai trò dẫn dắt thị trường tuần qua. Danh mục 10 mã có tác động tích cực lên VN-Index có tới 7 đại diện thuộc nhóm ngân hàng, bao gồm BID, VCB, STB, VIB, MBB, MSB, TPB.
Giao dịch khối ngoại chưa thực sự hỗ trợ thị trường khi họ đẩy mạnh bán ròng 2.131 tỷ đồng trong tuần điều chỉnh, trong đó hoạt động rút vốn ghi nhận trên HOSE (2083 tỷ đồng) và HNX (104 tỷ đồng), trong khi mua ròng 56 tỷ đồng trên thị trường UPCoM.
Trên HOSE, nhà đầu tư nước đẩy mạnh bán ròng gần 70,7 triệu cổ phiếu, tương đương gần 2.083 tỷ đồng trong tuần qua, trong đó họ rút ròng 1.907 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. So với tuần trước đó, quy mô xả ròng đã tăng 585% trong tuần này.
Thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu FPT với quy mô gần 366 tỷ đồng. Bộ đôi cổ phiếu ngân hàng HDB và MSB bị rút ròng lần lượt 220 tỷ và 167 tỷ đồng.
Danh mục rút ròng của NĐT nước ngoài còn có những cái tên như KDC (155 tỷ đồng), DBC (150 tỷ đồng), VNM (126 tỷ đồng), FUESSVFL (125 tỷ đồng), NLG (119 tỷ đồng), HCM (111 tỷ đồng) và GMD (85 tỷ đồng).
Ở phía đối diện, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) dẫn đầu danh mục mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 216 tỷ đồng trong tuần vừa qua, tương đương hơn 7 triệu cổ phiếu.
Đứng thứ hai trong Top mua ròng là MSN với quy mô 178 tỷ đồng. Mặt khác, khối ngoại cũng gom ròng các mã NTL (92 tỷ đồng), TCB (58 tỷ đồng), YEG (57 tỷ đồng), TPB (55 tỷ đồng), MWG (48 tỷ đồng), DGC (33 tỷ đồng), BMP (33 tỷ đồng) và HSG (20 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 5 phiên liên tục với giá trị gần 104 tỷ đồng, tương ứng hơn 4,3 triệu đơn vị.
Trong đó, họ tập trung bán ròng gần 50 tỷ đồng ở cổ phiếu SHS của CTCP Chứng Khoán Sài Gòn - Hà Nội, theo sau là 28,4 tỷ đồng mã PVS. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như IDC (27,9 tỷ đồng), MBS (19,3 tỷ đồng), TNG (3,5 tỷ đồng).
Ở phía đối diện, NĐT ngoại rót ròng hơn 5,3 tỷ đồng gom cổ phiếu NTP của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong. Cùng chiều, PVI cũng được mua ròng với quy mô gần 5,1 tỷ đồng. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của VC3, BVS, HUT với giá trị 3,1 - 4,4 tỷ đồng.
Tại thị trường UPCoM, NĐT nước ngoài mua ròng 5 phiên với quy mô gần 56 tỷ đồng. Tuy nhiên về khối lượng, họ rút ròng gần 457.350 cổ phiếu.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất 65,3 tỷ đồng ở cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP. Theo sau là các giao dịch giải ngân vào các cổ phiếu MCH (13,9 tỷ đồng), QNS (5,3 tỷ đồng), OIL ( 1,4 tỷ đồng), CSI (0,9 tỷ đồng).
Ở phía đối diện, cổ phiếu BSR của CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn dẫn đầu Top bán ròng với quy mô hơn 24,3 tỷ đồng. Cùng chiều, nhà đầu tư nước ngoài cũng rút ròng 4,6 tỷ đồng mã VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như MPC (2,2 tỷ đồng), QTP (0,6 tỷ đồng), PXL (0,6 tỷ đồng).