|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Khoản nợ xấu hàng nghìn tỉ hé mở năng lực thực sự của chủ dự án BĐS lớn tại Sài Gòn

11:30 | 04/11/2020
Chia sẻ
Trong số tài sản VietinBank vừa rao bán liên quan đến khoản nợ nghìn tỉ của C.T Phương Nam có dự án căn hộ hạng sang nằm trong tứ giác xanh Nguyễn Du - Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu -Trương Định.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, Mã: CTG) chi nhánh TP HCM vừa ra thông báo bán đấu giá các khoản nợ có tổng giá trị 2.600 tỉ đồng của CTCP Đầu tư Phương Nam Land (trước đây là C.T Phương Nam), CTCP Đầu tư Quốc tế Liên Hiệp Quốc (trước đây là Quốc tế C&T) và Công ty TNHH MTV Vina Mall. Đây đều là những doanh nghiệp có liên quan đến CTCP Tập đoàn C.T (C.T Group).

Cụ thể, khoản nợ của Quốc tế Liên Hiệp Quốc và Phương Nam Land được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất (Xây dựng khu phức hợp khách sạn, thương mại, văn phòng và căn hộ cho thuê) tại số 177 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3.

Bên cạnh đó, khoản nợ còn được đảm bảo bằng tài sản hình thành trong tương lai nhưng không bao gồm tầng hầm B1 và 6 tầng thương mại (từ tầng 1 đến tầng 6).

Còn khoản nợ của Vina Mall được đảm bảo bằng quyền tài sản phát sinh từ phần vốn góp tại Vina Mall và quyền phát sinh từ hợp đồng mua bán tài sản (khối đế thương mại, gồm tầng hầm B1 và 6 tầng thương mại 1-6) giữa Phương Nam Land và Vina Mall.

Trong đó, toàn bộ các quyền và nghĩa vụ phát sinh liên quan đến các tài sản nói trên bao gồm nhưng không hạn chế: Các khoản thu nhập, lợi ích phát sinh từ giá trị vốn góp, hoa lợi, lợi tức, cổ tức, quyền khai thác, quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê, cho mượn và các khoản thu nhập khác,...

Tại số 117 Nguyễn Đình Chiểu được biết đến là dự án căn hộ hạng sang Léman Luxury Apartments của C.T Group, do Phương Nam Land làm chủ đầu tư. Còn nhà, đất tại số 136 Trần Huy Liệu là nơi ở của Chủ tịch HĐQT C.T Group Trần Kim Chung và được đăng kí làm chi nhánh của C.T Group.

Trước đó vào cuối tháng 10/2017, VietinBank từng rao bán 400 trái phiếu có mệnh giá 1 tỉ đồng/trái phiếu của Quốc tế C&T với giá khởi điểm 550 tỉ đồng. Số trái phiếu này được phát hành vào ngày 30/11/2010 và đáo hạn vào ngày 30/11/2016.

Số tiền thu được từ đợt chào bán Quốc tế C&T dùng để tăng qui mô vốn hoạt động và tài trợ thực hiện dự án đầu tư Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp số 117 Nguyễn Đình Chiểu.

Tại thời điểm rao bán, VietinBank cho biết trái phiếu trên thuộc nợ nhóm 5 của ngân hàng và toàn bộ lãi, lãi phạt của 400 trái phiếu phát sinh từ ngày 30/11/2012 tổ chức phát hành vẫn chưa thanh toán.

Dự án hạng sang 1.800 tỉ đồng của C.T Phương Nam

VietinBank bán đấu giá dự án hạng sang ngay trung tâm Sài Gòn của C.T Phương Nam - Ảnh 2.

Dự án căn hộ hạng sang Léman Luxury Apartments tại số 117 Nguyễn Đình Chiểu do C.T Phương Nam làm chủ đầu tư. (Ảnh: C.T Group)

Tại ĐHĐCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB, Mã: NVB) vào tháng 7/2017, ông Trần Kim Chung được bầu làm Thành viên HĐQT nhiệm kì 2015-2020.

Bên cạnh C.T Group và C.T Phương Nam, ông Trần Kim Chung còn sở hữu cổ phần ở nhiều doanh nghiệp cùng nhóm C.T như: CTCP Quốc tế C&T, CTCP Quản lý Tài sản C.T, CTCP Quốc tế C&T Nha Trang, CTCP Quốc tế C&T Long Xuyên, CTCP Quốc tế C&T Trường Sơn, CTCP Quốc tế C&T Thái Phiên, CTCP Quốc tế C&T Hải Phòng.

Vào thời điểm khởi công dự án Léman Luxury Apartments, C.T Group từng công bố sẽ niêm yết ba công ty thành viên gồm CTCP Quốc tế C&T, CTCP Bán lẻ C.T và CTCP Khoáng sản Bình Nguyên Xanh lên sàn chứng khoán với tổng sốn vốn pháp định 1.663 tỉ đồng và vốn hóa ước tính khoảng 9.978 tỉ đồng.

Ngoài ra, ông Chung còn là Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM nhiệm kì 2016-2021 và là cổ đông của nhiều doanh nghiệp: CTCP Đầu tư và Phát triển Bình Nguyên Xanh, Công ty TNHH MTV Thương mại Bách Thịnh, CTCP Quốc tế Song Khuê, CTCP Đầu tư Du lịch sinh thái Thung lũng Xanh, CTCP Cao nguyên Đông Dương, CTCP Đầu tư và Phát triển Kim Chung, CTCP Đào tạo Đông Du, Công ty TNHH Ông Phước Ích.

Đầu tháng 11/2010, C.T Group cùng thành viên trụ cột ở mảng bất động sản là CTCP Bất động sản CT (C.T Land) và Công ty TNHH MTV Đầu tư Du lịch và Vận tải biển Phương Nam góp vốn 1.200 tỉ đồng thành lập C.T Phương Nam (tên gọi ban đầu của Phương Nam Land), với tỉ lệ sở hữu lần lượt 78%, 10% và 12%.

Trong đó, ông Trần Kim Chung, Chủ tịch HĐQT C.T Group, giữ vai trò Chủ tịch HĐQT và đại diện theo pháp luật của C.T Phương Nam.

Cuối tháng 3/2011, C.T Phương Nam chính thức khởi công dự án Khu phức hợp Léman Luxury Apartments tại số 117 Nguyễn Đình Chiểu.

Với 200 căn hộ được thiết kế theo kiểu Thụy Sỹ, Léman Luxury Apartments được giới thiệu là một ốc đảo thiên thanh rộng 4.275 m2, toạ lạc trên khu đất vàng tại trung tâm Sài Gòn - tứ giác xanh Nguyễn Du - Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu -Trương Định.

Bên cạnh các căn hộ hạng sang, khu phức hợp này còn có trung tâm thương mại RomeA và khách sạn 5 sao. Tổng mức đầu tư cho cả dự án khoảng 1.800 tỉ đồng.

Léman Luxury Apartments còn được giới thiệu thuộc một trong những thương hiệu bất động sản nhà ở do C.T Land sở hữu, bên cạnh C.T Plaza và Metro Star (căn hộ trung - cao cấp); I-Home (căn hộ giá rẻ) và Bee Home (căn hộ cho thuê giá rẻ).

C.T Group đã rút khỏi dự án nghìn tỉ ngay trung tâm Sài Gòn?

Vào đầu năm 2017, nhiều thông tin cho rằng C.T Group đã rút khỏi dự án hạng sang nói trên khi C.T Land đã thoái hết vốn và C.T Group công bố giảm tỉ lệ sở hữu tại C.T Phương Nam xuống còn 1%. Từ đó đến nay, không rõ cổ đông mới của C.T Phương Nam là ai.

Sau sự kiện C.T Land rút vốn, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của C.T Phương Nam cũng được chuyển sang ông Lê Hoài Thanh.

Tuy nhiên, tân Tổng Giám đốc C.T Phương Nam cũng là người đại diện của một số doanh nghiệp khác thuộc C.T Group: Công ty TNHH Ngôi nhà thân yêu I-Home (C.T Land sở hữu 99% vốn) và CTCP Quốc tế C&T (nay là CTCP Đầu tư Quốc tế Liên Hiệp Quốc).

Trong đó, Công ty TNHH Ngôi nhà thân yêu I-Home là chủ đầu tư dự án căn hộ giá rẻ I-Home (359 Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp), còn Quốc tế C&T là chủ đầu tư Trung tâm thương mại Bồng Sơn (29 Trần Hưng Đạo, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).

Ngoài ra, ông Lê Hoài Thanh còn là cổ đông của Công ty TNHH Dịch vụ đầu tư Xây dựng Vạn Phúc (49%), CTCP Thiết kế và Xây dựng Công nghệ cao (40%) và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản VinhLand (25%).

Đầu tháng 3 năm nay, C.T Phương Nam thêm một lần thay đổi người đại diện pháp luật sang bà Trần Thụy Thục Uyên với vai trò Tổng Giám đốc.

Tiếp đó trong tháng 7, C.T Phương Nam tiếp tục có nhiều thay đổi lớn: Ông Đinh Vĩnh Toàn lên làm Chủ tịch HĐQT và công ty chính thức đổi tên thành Phương Nam Land.

Về phía Quốc tế C&T, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 2/2002 và cũng do ông Trần Kim Chung làm Chủ tịch HĐQT, kiêm người đại diện theo pháp luật.

Đầu tháng 1/2017, Quốc tế C&T tăng vốn từ 1.000 tỉ đồng lên 2.341 tỉ đồng và không lâu sau đó danh sách cổ đông sáng lập được hé lộ: Trần Kim Chung (74%), Trần Thị Mỹ Hòa (em gái ông Chung, 23%) và Đinh Thị Bích Thảo (3%).

Quốc tế C&T có hai công ty con gồm CTCP CT Sóng Thần và CTCP Nhà cho thuê Hiện đại Con Ong. Thông qua hai công ty con này, Quốc tế C&T sở hữu Khu phức hợp CT Sóng Thần (đường ĐT 743, Bình Dương) và chuỗi căn hộ cho thuê giá rẻ Bee Home (Bee Home 1 tại số 16 Nguyễn Đức Thuận, quận Tân Bình và Bee Home 2 tại số 359 Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp).

Ngoài ra, Quốc tế C&T cũng từng góp vốn vào Công ty TNHH Ngôi Nhà Thân Yêu I-HOME và CTCP Nguyên Hồng, chủ đầu tư dự án C.T Plaza Nguyên Hồng (18 Nguyên Hồng, quận Gò Vấp, TP HCM).

Lần hợp tác giữa C.T Phương Nam và VinaCapital

Trước khi về với bà Mạc Thị Thúy Hiền, Công ty TNHH MTV RomeA đã có hai lần đổi chủ. Ban đầu, doanh nghiệp này thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đình Thọ (sinh năm 1985). Hơn một năm sau ngày thành lập, tức cuối tháng 10/2017, RomeA lần lượt được quản lí bởi các Giám đốc có quốc tịch Malaysia gồm Paul Chan và Ng Yook Wah.

Đối với Vina Mall, doanh nghiệp được thành lập vào cuối tháng 5/2016 với vốn điều lệ 40 tỉ đồng, thuộc sở hữu của bà Trần Khuê Giao, con gái ông Trần Kim Chung.

Tháng 7 cùng năm, vị trí Giám đốc công ty được chuyển từ con gái ông Chung sang người có liên quan là bà Mạc Thị Thúy Hiền - Giám đốc CTCP Bán lẻ CT và là cổ đông của nhiều doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV RomeA, CTCP Phương Nam Thiên, CTCP 1955 và CTCP Ctuob.

Theo thông tin doanh nghiệp công bố mới đây cho thấy, Vina Mall từng là công ty 100% vốn nước ngoài thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV Lam Co. Ông Brook Colin Taylor, CEO - Quản lí tài sản của VinaCapital từng giữ vai trò Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Vina Mall cho tới trước thời điểm 30/10/2020.

Trong đó, Lam Co là doanh nghiệp do ông Lâm Di Don (Lam Don Di), đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của VinaCapital, làm người đại diện theo pháp luật.

Mối quan hệ giữa Lam Co và Vina Mall bắt nguồn từ hợp đồng hợp tác chuyển nhượng vốn góp số 01/2016/HĐCNVG-VINA ngày 3/6/2016 giữa Lam Co và bà Mạc Thị Thuý Hiền. Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng này sau đó được Lam Co thế chấp tại VietinBank chi nhánh TP HCM với giá 40 tỉ đồng.

Cùng thời điểm Lam Co thế chấp tài sản (ngày 2/11/2016), Vina Mall cũng thế chấp quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng mua bán tài sản số 225/2016/HĐMBCH-C.TPN ngày 8/6/2016 giữa Vina Mall và C.T Phương Nam, được định giá 759 tỉ đồng tại VietinBank chi nhánh TP HCM.

Như vậy, nhiều khả năng Vinacapital đã thông qua công ty Vina Mall để mua các căn hộ tại dự án Khu phức hợp Léman Luxury Apartments tại số 117 Nguyễn Đình Chiểu.

Tuy nhiên, theo thông tin mới cập nhật ngày 30/10/2020, Vina Mall đã được chuyển thành công ty 100% vốn tư nhân trong nước, vốn điều lệ vẫn giữ nguyên mức 40 tỉ đồng. Đồng thời, vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật cũng được chuyển về lại cho bà Mạc Thị Thúy Hiền.

Tài sản nghìn tỉ, C.T Phương Nam lỗ liên tục

Từ cuối tháng 3/2013, C.T Phương Nam đã thế chấp quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng liên quan đến dự án Léman Luxury Apartments tại VietinBank.

Vào thời điểm này, tài sản được VietinBank định giá gần 1.822 tỉ đồng, không bao gồm quyền sử dụng đất và quyền sở hữu công trình xây dựng. Tính đến cuối năm 2016, C.T Phương Nam sở hữu khối tài sản với tổng qui mô gần 4.669 tỉ đồng.

Dù sở hữu tài sản nghìn tỉ nhưng C.T Phương Nam liên tục báo lỗ trong 4 năm trở lại đây, riêng trong năm 2017 doanh nghiệp lỗ 469 tỉ đồng.

VietinBank bán đấu giá dự án hạng sang ngay trung tâm Sài Gòn của C.T Phương Nam - Ảnh 4.

 

Đối với Quốc tế C&T, doanh nghiệp này cũng có tài sản gần 3.493 tỉ đồng, tính đến cuối năm 2019. Chưa có thông tin về tình hình kinh doanh của công ty mẹ Quốc tế C&T; riêng với hai công ty con, Con Ong gần như không phát sinh doanh thu và lợi nhuận, còn CT Sóng Thần đều đặn lãi sau thuế 75-82 tỉ đồng mỗi năm 2016-2019.

Về phía Vina Mall, tài sản của doanh nghiệp này ghi nhận gần 624 tỉ đồng, tính đến cuối năm 2019. Ngoại trừ năm 2016 doanh nghiệp lỗ sau thuế gần 20 tỉ đồng, ba năm sau đó doanh nghiệp không có doanh thu và lợi nhuận.

Không chỉ riêng các công ty liên quan, C.T Group cũng lỗ liên tiếp 2016-2019, đỉnh điểm vào năm 2019 tập đoàn báo lỗ sau thuế hơn 30 tỉ đồng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nguyên Ngọc

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.