Khó khăn nhất của ngành thép đã qua nhưng chưa thể kỳ vọng cú phục hồi mạnh trong ngắn hạn
Tình hình tiêu thụ vẫn khó khăn
Tình hình tiêu thụ một số thép thành phẩm không được như kỳ vọng vào mùa xây dựng sau Tết do thị trường bất động sản trì trệ cùng hệ thống ngân hàng siết chặt tín dụng nên tiêu thụ thép xây dựng ở mức thấp.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) sản lượng thép thành phẩm trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 4,3 triệu tấn, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bán hàng thép thành phẩm đạt 3,8 triệu tấn, giảm 23%, trong đó xuất khẩu giảm 10,4% xuống 1 triệu tấn.
Hầu hết thương hiệu thông báo tăng giá bán thép xây dựng ở khu vực miền Nam khi bước sang tuần thứ hai của tháng 3. VSA cho rằng nhiều khả năng sắp tới thị trường phía Bắc cũng sẽ điều chỉnh tăng nhằm bù lại giá thành sản xuất và giảm lỗ.
Sau điều chỉnh, giá bán thép xây dựng hiện nay tại thị trường miền Nam tăng 5 - 6% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, theo thống kê giá của S&P Global, giá thép xây dựng tại hầu hết khu vực trên thế giới tăng bình quân khoảng 11% so với tháng 12/2022, gia thép cây nội địa Trung Quốc tăng 9,6%.
VSA nhận định các bước tăng giá thép xây dựng nội địa Việt Nam tương đối khiêm tốn và thận trọng so với thế giới.
Trao đổi với người viết tại Hội nghị triển vọng thị trường thép Việt Nam - Trung Quốc, ông Đoàn Danh Tuấn – Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) kiêm Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH TM Thép Toàn Thắng nhận định:“Xét trên các khía cạnh về cung - cầu và giá nguyên vật liệu thì chưa thể khẳng định giai đoạn khó khăn của ngành thép đã đi qua và sẽ bước vào thời kỳ phục hồi. Trong vòng 2 - 3 năm qua. Giá nguyên vật liệu biến động không theo quy luật nào cả, chi phí sản xuất tăng rất nhiều. Đầu ra cũng giảm mạnh, kể cả thị trường xuất khẩu do nền kinh tế thế giới, đặc biệt là từ Châu Âu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chiến tranh Nga - Ukraine”, ông Thắng nói.
Ông nói thêm hầu hết hoạt động sản xuất bị đình trệ, khó quay lại trong năm 2023 và cán cân cung - cầu thép thời điểm hiện tại vẫn không thay đổi nhiều. Trong kịch bản xấu, tình trạng này có thể kéo dài đến hết năm 2023.
Các nhà sản xuất thép toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu, năng lượng sản xuất tăng mạnh.
Mặc dù giá than thời gian gần đây đã giảm khoảng 60% từ kỷ lục thiết lập hồi tháng 3/2022 xuống gần 200 USD/tấn nhưng con số này vẫn cao gấp đôi so với trung bình 5 năm.
Còn với giá quặng sắt, kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại hồi tháng 1, giá mặt hàng nguyên liệu này đã tăng khoảng 40% so cuối năm 2022 và cao gấp 1,5 lần so với trung bình 5 năm qua.
“Quan trọng nhất là nhiều nhà máy hiện chỉ chạy với 40 - 60% công suất thiết kế nên thật khó khi nói đến biên lợi nhuận của các công ty lúc này, hầu như không thay đổi so với cuối năm ngoái”, ông Thắng nói. Hiện tại các công ty đang cố gắng tăng giá để cải thiện biên lợi nhuận.
Đồng thời, nhu cầu thép sụt giảm do lo ngại lạm phát, suy thoái nhẹ kinh tế. Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu tăng 1,7%. Đây là mức tăng trưởng yếu thứ 3 trong gần 1 thập kỷ. Các yếu tố không thuận lợi khiến lượng thép thô toàn cầu giảm 4,3% xuống 1,83 tỷ tấn trong năm ngoái. Hầu hết hoạt động sản xuất bị đình trệ, khó quay lại trong năm 2023. Cán cân cung - cầu hiện tại không thay đổi nhiều, có thể kéo dài đến cuối nửa năm nay.
Ngoài ra, đầu tư công, lĩnh vực được xem là “cứu cánh” với ngành thép thì năm 2022 đạt 80% kế hoạch, thấp hơn so với kỳ vọng.
Trước đó, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trọ phục hồi kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2022 - 2023, trong đó dành 113.840 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng, tập trung vào các dự bán trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, các cảng Logistics lớn, kéo theo nhu cầu tiêu thụ thép tăng cao.
Tuy nhiên, thị trường có những tín hiệu tích cực hơn khi được đánh giá là đã qua thời điểm khó khăn nhất.
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, CTCP Chứng khoán VNDirect có 3 yếu tố để xác định những gì khó khăn nhất của thị trường thép đã qua đi.
Yếu tố đầu tiên là nguồn cung thép đã của thế giới ngay từ đầu năm nay đã tăng trở lại. Điều này cho thấy doanh nghiệp thép lớn trên thế giới dự báo nhu cầu cao hơn và họ tái khởi động các nhà máy.
Yếu tố thứ hai là biên lợi nhuận một số nhà máy thép Trung Quốc đang có xu hướng tạo đáy.
Yếu tố thứ ba là lượng hàng tồn kho giá cao của Việt Nam đã giảm khá mạnh.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ của CTCP Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch của tập đoàn cho biết công ty đã hết tồn kho giá cao và chỉ còn tồn kho thấp.
“Thời điểm khó khăn nhất của ngành thép rơi vào cuối năm ngoái và cũng đã qua đi. Thời điểm đó giá thép cuộn cán nóng rơi từ hơn 900 USD/tấn xuống khoảng 500 USD/tấn. Hoa Sen cũng đã xử lý xong hàng tồn kho giá cao. Hàng tồn kho trung bình của công ty khoảng 630 USD/tấn và đủ bán đến tháng 5. Giá bán hiện khoảng 700 USD/tấn. Do đó, 3 tháng tới công ty có lời tốt để bù lỗ trong 4 tháng đầu niên độ tài chính 2022-2023”, ông Vũ cho biết.
Mặc dù những gì xấu nhất cũng đã xảy ra với ngành thép nhưng không có nghĩa là mọi thách thức đã qua đi và ngành bước vào chu kỳ tăng mới. Theo ông Vũ, thị trường còn nhiều rủi ro kinh tế vĩ mô, xung đột địa - chính trị còn nhiều bất ổn.
Bên cạnh đó, việc cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa, các chính sách thắt chặt tiền tệ, giá thép cán nóng còn nhiều biến động phức tạp có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành.
Do đó, năm nay, Hoa Sen đặt ra hai kịch bản kinh doanh. Kịch bản đầu tiên doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu 34.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng, lần lượt thấp hơn 32% và 60% so với kết quả của niên độ trước. Trong khi đó, ở kịch bản thứ hai, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 36.000 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, cao hơn 20%.
Yếu tố hỗ trợ ngành thép trong năm 2023
Trong năm 2023, hai yếu tố là đầu tư công và gói tín dụng 120.000 dành cho các dự án nhà ở xã hội được xem là động lực chính của ngành thép.
Theo ông Tuấn, hiện nay mặc dù chính sách đã có nhưng nếu không triển khai một cách quyết liệt thì khó khăn của ngành thép sẽ còn kéo dài.
Do đó, ông kỳ vọng, trong kịch bản tốt việc triển khai các dự án đầu tư công và nhà ở xã hội năm nay sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ giúp ngành thép cải thiện hơn vào nửa cuối năm nay.
“Những yếu tố này dẫn tới tiêu thụ thép trong quý III và quý IV năm nay có thể tăng trưởng mạnh”, ông Tuấn nhận định.
Bà Hiền cho biết ngành thép vẫn còn kỳ vọng từ việc đẩy mạnh đầu tư công từ Chính phủ (chiếm 18% nguồn cung thép), trong đó dự án sân bay Long Thành góp phần giảm bợt sự sụt giảm trong nhu cầu của ngành thép.
“Chúng tôi dự kiến hoạt động giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng 20 - 25% bao gồm cả việc sân bay Long Thành xây dựng đúng tiến độ”, bà Hiền nói.
Ngoài ra, trong thời gian mở cửa Trung Quốc phục hồi sản xuất sẽ thúc đẩy nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào tăng so về lâu dài nhu cầu tiêu thụ thép Trung Quốc ở các dự án đầu tư công sẽ hỗ trợ cho giá thép giúp biên lợi nhuận ngành tìm điểm cân bằng.
Bà Hiền cho rằng ngành thép là ngành hiếm hoi có tăng trưởng dương về lợi nhuận trong năm 2023 nhờ nền thấp của năm 2022. Tuy nhiên, xét yếu tố tích cực trong ngắn hạn rất ít nên rủi ro nhiều hơn. Do vậy, cần nhìn nhận mô hình kinh doanh của từng doanh nghiệp thế nào, có đáp ứng được thay đổi và rủi ro ở hiện tại hay không.
“Những doanh nghiệp đầu ngành có thị phần lớn sẽ phục hồi nhanh hơn nhờ lợi thế thương hiệu và năng lực phân phối. Bên cạnh đó, khả năng quản trị tồn kho cũng là yếu tố tiên quyết giúp doanh nghiệp tăng sức chống chịu và khả năng phục hồi cao hơn khi giá thép quay đầu”, bà nhận định.