|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

KBSV hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 2,5%, đầu tư công là động lực chính trong quý IV

19:00 | 10/10/2021
Chia sẻ
Chứng khoán KB hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 giảm xuống còn 2,5%. Trong khi, tăng trưởng GDP quý IV dự báo ở mức 5,7%, mức thấp nhất của quý IV từ 2013 cho đến nay.

Đầu tư công là động lực chính hỗ trợ tăng trưởng trong quý IV

Theo báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam quý IV/2021, Chứng khoán KB (KBSV) dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 giảm xuống còn 2,5% nếu dịch bệnh không bùng phát trở lại, các quy định giãn cách xã hội không bị thắt chặt và tốc độ triển khai tiêm vắc xin tại các thành phố lớn được đẩy nhanh.

Trong khi đó, tăng trưởng GDP quý IV dự báo ở mức 5,7%, mức thấp nhất của quý IV từ 2013 cho đến nay.  Các chuyên gia cho biết việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ là động lực chính hỗ trợ tăng trưởng, bên cạnh sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu, thu hút vốn FDI, tiêu dùng nội địa và sản xuất.

KBSV: Tăng trưởng GDP dự báo xuống mức thấp nhất của quý IV từ 2013 đến nay - Ảnh 1.

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 (%).(Nguồn: IMF, WB, ADB, Bloomberg, KBSV).

KBSV kỳ vọng Chính phủ sẽ có các phương án đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công trong quý IV. Đây là phương án khả thi và nhanh nhất để hỗ trợ kinh tế sớm phục hồi, trong bối cảnh xuất khẩu và tiêu dùng nội địa hiện nay đều tăng trưởng chậm lại do tác động của dịch bệnh. 

Theo Tổng cục thống kê ước tính nếu đầu tư công tăng thêm 1% so với cùng kỳ thì GDP sẽ tăng thêm 0,058%.

Giá heo hơi giảm sâu, CPI dự báo giảm về mức 3%

CPI bình quân dự báo sẽ giảm về mức 3% cho cả năm 2021. Điều này phản ánh nhu cầu tiêu thụ trong nước suy yếu trong quý III do tác động của đợt dịch, kết hợp với việc đà tăng của giá hàng hoá chững lại và có sự phân hóa sau giai đoạn tăng mạnh từ đầu năm đến giữa quý II.

Nhóm phân tích đánh giá áp lực điều hành lạm phát trong các tháng còn lại năm 2021 là không lớn khi mức tăng 9 tháng là tương đối thấp. 

Tuy nhiên áp lực trong năm 2022 là hiện hữu trong bối cảnh giá một số loại hàng hóa. Đặc biệt, các mặt hàng năng lượng đang tăng mạnh so với năm 2021. Bên cạnh đó, giá thịt heo cùng các mặt hàng trong nước cũng có thể bật tăng khi nhu cầu tiêu dùng trong nước hồi phục hậu giãn cách.

KBSV: Giá heo hơi giảm sâu, lạm phát kỳ vọng ở mức 3% trong năm 2021 - Ảnh 1.

Nguồn: KBSV, WB.

Các chuyên gia cho biết biến động giá hàng hóa có sự phân hóa trong những tháng đầu năm, đặc biệt nhóm năng lượng nghiêng nhiều về phía tăng và duy trì ở mức cao.

Cụ thể, giá hàng hóa đã phục hồi đáng kể từ nửa cuối năm 2020 cho đến giữa quý II năm nay với động lực chính đến từ việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu năng lượng, kim loại (do tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng) và các mặt hàng nông nghiệp (nhằm đảm bảo an ninh lương thực). 

"Giai đoạn sau đó cho đến nay, đà tăng đã có dấu hiệu chững lại và đi ngang, duy chỉ có giá các mặt hàng năng lượng như dầu, khí, than… có diễn biến tăng vào cuối quý III do các cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra tại Anh và Trung Quốc," báo cáo viết.

Trong khi đó, giá lợn hơi ở thời điểm hiện tại đã xuống mức thấp nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây, quanh 43.000 – 48.000 VND/kg tại khu vực miền Bắc, từ mức đỉnh 94.000 VND/kg cách đây hơn 1 năm. 

Theo KBSV, nguyên nhân của diễn biến một mặt đến từ việc sức cầu suy yếu khi dịch COVID-19 khiến các hoạt động tụ tập, dịch vụ ăn uống, du lịch bị hạn chế. Đồng thời nguồn cung từ nhập khẩu cũng tăng cao khi Trung Quốc đang gặp khủng hoảng thừa thịt heo với sản lượng thị heo tăng 35,9% so với cùng kỳ. 

Với mức nền so sánh cao cùng kỳ, ngay cả khi giá thịt lợn hồi phục trong quý IV, mức độ tác động lên chỉ số CPI là không lớn.

Phương Nga

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.