|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

[Infographic] Hiệp hội bất động sản TP HCM kiến nghị thay đổi cơ chế tính tiền sử dụng đất

10:53 | 18/11/2016
Chia sẻ
Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi UBND TP HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp TP.HCM để đề nghị về việc cải cách quy trình, thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ chế tính tiền sử dụng đất hiện nay. 

Sơ đồ quy trình thực hiện xác định tiền sử dụng đất của dự án tại TP HCM:

infographic hiep hoi bat dong san tp hcm kien nghi thay doi co che tinh tien su dung dat

Nhận xét của HoREA về thủ tục hành chính và quy trình thực hiện xác định tiền sử dụng đất của dự án tại TP HCM, như sau:

Một là, Sở Tài chính giữ vai trò chủ đạo trong toàn bộ quy trình thực hiện xác định tiền sử dụng đất của dự án tại thành phố.

Giám đốc Sở Tài chính giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thẩm định giá đất theo ủy quyền của Chủ tịch UBND TP. Đồng thời Phó Giám đốc Sở Tài chính cũng giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thẩm định giá đất TP.

Hai là, Sở Tài nguyên và Môi trường không giữ vai trò chủ đạo trong toàn bộ quy trình thực hiện xác định tiền sử dụng đất của dự án. Nguyên nhân là Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định giá đất TP.

Sở này chỉ chủ trì thực hiện công đoạn đấu thầu qua mạng để chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất. Thực hiện các thủ tục, chuẩn bị hồ sơ phục vụ Hội đồng Thẩm định giá đất, và báo cáo UBND TP.

Do vậy, căn cứ các quy phạm pháp luật hiện hành và quy trình tổ chức, hoạt động của TP thì không có căn cứ để giao cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì và chịu trách nhiệm công tác xác định tiền sử dụng đất.

Ba là, với thành phần Hội đồng thẩm định giá đất TP HCM hiện nay, không có đại diện của tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất độc lập; hoặc chuyên gia về giá đất độc lập.

HoREA cho rằng như vậy là không phù hợp với quy định tại khoản 2 điều 12 Thông tư liên tịch số 87/2016/TTLT-BTC-BTNMT ngày 22/06/2016 của Bộ Tài chính - Tài nguyên và Môi trường yêu cầu phải có các thành viên này để đảm bảo có sự phản biện độc lập. Giúp cho quá trình xem xét các phương pháp xác định giá đất và kết quả việc xác định giá đất dự án được khách quan và có tính thuyết phục cao.

Bốn là, chưa có cơ chế để doanh nghiệp (người sử dụng đất) thể hiện ý kiến của mình trong quy trình xác định giá đất, kể cả việc xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp.

Nhất là trong trường hợp doanh nghiệp không nhất trí với số tiền sử dụng đất phải nộp; hoặc Hội đồng thẩm định giá đất TP không chấp thuận hồ sơ xác định giá đất của doanh nghiệp.

Năm là, theo quy định thì ngân sách nhà nước chi trả chi phí xác định giá đất, nên Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức đấu thầu công khai qua mạng internet để lựa chọn đơn vị tư vấn có giá chào thầu thấp nhất được trúng thầu.

Thậm chí có đơn vị tư vấn chỉ bỏ thầu vài trăm ngàn đồng để được trúng thầu, để sau đó được "độc quyền" thực hiện công tác xác định giá đất dự án, và doanh nghiệp phải rất "khổ sở" vì đơn vị tư vấn này.

Đây là một yếu tố dẫn đến sự thiếu minh bạch, cơ chế "xin-cho" và tiêu cực, làm tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp, và Nhà nước, cần được chấn chỉnh.

Duy Khánh - Designer Liên Hương