|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hơn 1.900 nhân viên nghỉ việc trong 9 tháng, Garmex Sài Gòn (GMC) nói gì?

16:49 | 01/12/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn Garmex Sài Gòn đã tổ chức lại bộ máy, tiếp tục cắt giảm hàng nghìn lao động, tạm ngừng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại.

CTCP Garmex Sài Gòn (Mã: GMC) thông tin đã nhận được văn bản ngày 24/11 của Sở Giao Dịch Chứng Khoán TP HCM về việc yêu cầu công ty cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phúc đáp lại văn bản, doanh nghiệp cho biết tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 ngày 26/4 và Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 27/9, Hội đồng quản trị đã báo cáo tình hình kinh doanh không thuận lợi, nếu giữ sản xuất tại các nhà máy đối với ngành may thì công ty sẽ lỗ rất nhiều nên công ty đã tổ chức lại bộ máy, tiếp tục cắt giảm lao động, tạm ngừng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại.

Mặt khác, công ty sẽ tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi phí tối đa như Đại hội đã đề cập. Hiện tại, công ty chưa tuyển lại lao động cho ngành truyền thống.

Khi có sự thuận lợi của thị trường vừa đủ, công ty có đầu tư khôi phục lại ngành may hay không thì tùy vào tình hình thị trường.

Bên cạnh đó, công ty cho hay sẽ tối ưu hóa nguồn lực hiện có và tìm kiếm đối tác để thực hiện chuyển nhượng bán tài sản không sử dụng. Đồng thời, đa dạng hóa ngành nghề để tránh rủi ro cho công ty. 

Ngoài ra, công ty cho biết đã đầu tư mới trong năm 2023 vào Dự án nhà ở (1,5 ha) của CTCP Phú Mỹ. Trong đó, CTCP Phú Mỹ do Garmex Sài Gòn nắm 32,67% vốn, hoạt động chính trong mảng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và cụm khu công nghiệp.

Kinh doanh khó khăn là nguyên nhân chính khiến số lượng nhân viên giảm sút. Tại 30/9, số lượng nhân sự của Garmex Sài Gòn còn 37 người, giảm 4 người so với cuối quý II nhưng giảm 1.945 người so với đầu năm.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý.

Quý III, doanh thu của công ty chỉ đạt 73 triệu đồng, giảm hơn 99% so với mức 11 tỷ đồng cùng kỳ do không có đơn hàng nên doanh thu chủ yếu đến từ mảng dịch vụ. 

Garmex Sài Gòn lỗ ròng gần 11 tỷ đồng trong quý III, tương đương cùng kỳ năm trước và là quý thứ 5 liên tiếp thua lỗ.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 8,1 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ. Công ty lỗ sau thuế 44 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 6,8 tỷ. Lỗ luỹ kế tới hết quý III là gần 66 tỷ.

Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Garmex Sài Gòn chuyên gia công các sản phẩm may mặc, có 5 nhà máy gồm An Nhơn, An Phú, Bình Tiên, Tân Mỹ & Garmex Quảng Nam có tổng diện tích trên 10 ha, với hơn 70 dây chuyền sản xuất. Các sản phẩm may mặc của công ty chủ yếu xuất sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

Các khách hàng lớn của công ty như Decathlon (Pháp), Columbia (Mỹ), Cutter&Buck (Mỹ), Teijin Frontier (Nhật), New Wave (Thuỵ Điển), Nits (Nhật), Sport Master (Nga), Outfits (Đan Mạch).

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường vào tháng 9, lãnh đạo cho biết công ty có 35 nhân sự ứng với chi phí nhân sự là 651 triệu đồng/tháng, chi phí hàng tháng (bao gồm chi phí cố định như khẩu hao tài sản cố định là 2 tỷ đồng/tháng, thuê đất các mặt bằng 513 triệu đồng/tháng) của cả công ty là 3,7 tỷ đồng.

Ban điều hành đã thỏa thuận với người lao động để giảm tiền lương ngay từ những tháng đầu năm và sẽ tiếp tục giảm những chi phí hợp lý.

Chi phí cố định không giảm được, phải thực hiện bằng cách tối ưu hóa sử dụng các mặt bằng để có doanh thu bù chi phí.

Hoạt động của công ty đang tập trung vào bảo vệ tài sản, phòng cháy chữa cháy, xử lý thanh lý nguyên phụ liệu tồn kho lâu năm, kế hoạch khai thác các mặt bằng hiện có chưa sử dụng, xử lý các vấn đề đầu tư, tìm kiếm đối tác để thực hiện chuyển nhượng bán tài sản không sử dụng.

Trong năm 2024, công ty tiếp tục rà soát nhân sự, tùy theo tình hình để tiếp tục điều chỉnh lương cho sát thực tế công ty.

Về vấn đề hàng tồn kho liên quan đến hàng gia công cho Gilimex trị giá 100 tỷ đồng, Gilimex đang tiếp tục làm việc với đối tác của họ trong quý IV/2023 để giải quyết các khúc mắc nên Garmex Sài Gòn cũng tiếp tục thúc đẩy Gilimex giải phóng hàng tồn kho trong quý IV/2023.

Nguyên phụ liệu tồn kho 24 tỷ đồng, để thanh lý thì cần phải rà soát số liệu, tập kết hàng hóa, làm các thủ tục, mở tờ khai hải quan chuyển đổi mục đích sử dụng, đóng thuế nhập khẩu, thuế VAT. Trước mắt trong tháng 10, công ty sẽ tiêu hủy các phụ liệu có logo thương hiệu của khách hàng. Trong năm 2023 - 2024, tiếp tục hoàn thành thủ tục hải quan chuyển đổi mục đích của các lô hàng còn lại, sau đó thanh lý bằng hình thức chảo giá cạnh tranh.

Về máy móc thiết bị, nguyên giá khoảng 230 tỷ, giá trị còn lại khoảng 30 tỷ đồng, đã thẩm định giá xong và sẽ tiến hành đấu giá.

Với công cụ dụng cụ, vật rẻ mau hỏng, máy móc thiết bị không có giá trị, lãnh đạo thông tin khó chào thầu, sẽ thanh lý bằng hình thức chào giá cần kỹ (đã thanh lý đợt 1 trong tháng 9/2023).

Còn Nhà máy Tân Mỹ và Quảng Nam, công ty cho hay sẽ tiếp tục định giá nhà xường. 

Hoàng Kiều