|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia phân tích: Chứng khoán tháng 4 sẽ phân hóa mạnh

14:16 | 03/04/2024
Chia sẻ
Chuyên gia phân tích của VDSC và FIDT cho rằng thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ phân hóa trong tháng 4, theo đó nhà đầu tư nên kiểm soát việc sử dụng đòn bẩy tài chính.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Phân tích của CTCP FIDT, đã đưa ra nhận định, dự báo thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 4. Đồng thời, các chuyên gia khuyến nghị một số nhóm ngành đáng quan tâm trong thời gian tới.

TTCK Việt Nam duy trì xu hướng tăng điểm trong tháng 3. Một số nhà đầu tư cho rằng định giá đang lên cao và thị trường có thể gặp rủi ro đảo chiều. Chuyên gia đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Bà Nguyễn Thị Phương Lam: TTCK Việt Nam đã trải qua 5 tháng liên tiếp tăng điểm, khá tương đồng với diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ. Động lực cho xu hướng tích cực trong giai đoạn vừa qua phần lớn đến từ: yếu tố tiền rẻ khi lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại thậm chí đã giảm xuống mức thấp hơn cả giai đoạn COVID-19; bên cạnh đó là triển vọng vĩ mô khởi sắc khi mà kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã tạo đáy trong năm 2023 và phục hồi trong quý cuối cùng của năm.

Sau nhịp tăng dài và tích cực, định giá thị trường đã lên mức trên 14,6 lần. Đây là mức định giá không rẻ xét trong bối cảnh chưa có nhiều động lực mới để giúp thị trường được “tái định giá” lên mức cao hơn. Bên cạnh đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thành công kiểm soát mức biến động tỷ giá không quá 3% trong quý đầu năm, thì với việc mạnh lên của chỉ số đồng USD, không loại trừ khả năng Việt Nam đồng (VND) sẽ mất giá nhiều hơn trong các quý tới.

Trong trường hợp này, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải thực thi thêm các giải pháp tiền tệ nhằm ổn định thị trường ngoại tệ. Điều này có thể sẽ tác động tiêu cực lên TTCK.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích của VDSC. Ảnh: VietnamBiz.

Ông Huỳnh Hoàng Phương: Sau đà tăng quý I, định giá P/E của VN-Index ở mức 15 lần. Đây là mức trung bình của thị trường từ 2012 đến nay. Trong khi đó định giá P/B tuy ở dưới mức trung bình nhưng cũng đã chứng kiến mức hồi phục nhất định.

Điều này cho thấy sau đà tăng mạnh vừa qua, TTCK không còn rẻ nhưng cũng chưa quá đắt. Tuy nhiên, sự phân hóa đang khá lớn về định giá các nhóm ngành, nhiều nhóm ngành, cổ phiếu riêng lẻ thậm chí vượt đỉnh và có các mức định giá khá cao dựa trên nhiều phương pháp định giá khác nhau.

Để nhận định rủi ro đảo chiều của thị trường phải dựa vào nhiều yếu tố khác nhau bên cạnh định giá. Ngoài ra, cần phân định rõ giữa đảo chiều là thị trường rơi trở lại vào downtrend hay điều chỉnh sau giai đoạn tăng khá nóng, vì hai trường hợp này là rủi ro rất khác nhau và chiến lược hành động và quản trị rủi ro cũng khác nhau.

Thị trường đang đối mặt với rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn vì hội tụ nhiều yếu tố rủi ro ngắn hạn. Thứ nhất, số liệu kinh tế quý I với tăng trưởng GDP ở mức 5,66% - không quá tích cực, áp lực phục hồi sẽ đổ dồn vào các quý tiếp theo.

Thứ hai, chỉ số PMI tháng 3 cho thấy hoạt động sản xuất có dấu hiệu chững lại sau vài tháng hồi phục. Thứ ba, mặc dù NHNN đã phát hành T-Bill (tín phiếu) lên đến hơn 170.000 tỷ để hỗ trợ tỷ giá nhưng tỷ giá vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thứ tư, đà bán ròng của khối ngoại mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Tuy nhiên, với triển vọng kinh tế cả năm vẫn tăng trưởng tốt và các kỳ vọng liên quan đến hệ thống giao dịch mới, câu chuyện nâng hạng và đặc biệt là lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng trưởng tốt trong năm 2024, tôi cho rằng chưa đủ cơ sở để TTCK rơi trở lại vào downtrend mà cần điều chỉnh và tích lũy.

Diễn biến P/B. Nguồn: Ông Huỳnh Hoàng Phương cung cấp.

Những thông tin quan trọng nào nhà đầu tư (NĐT) cần chú ý theo dõi trong tháng 4 và quý II?

Bà Nguyễn Thị Phương Lam: Trong tháng 4, một số thông tin mà NĐT có thể cần quan tâm bao gồm: kết quả kinh doanh quý I; mùa đại hội đồng cổ đông và kế hoạch kinh doanh 2024; diễn biến tỷ giá.

Với mức nền thấp của năm 2023, tôi cho rằng các thông tin về kế hoạch 2024 cũng như kết quả quý I nhìn chung sẽ tích cực so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, sự tích cực này không ngoài kỳ vọng và đã được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Do vậy, diễn biến tỷ giá là yếu tố NĐT cần quan sát chặt chẽ hơn. Đặc biệt, chỉ số DXY đang neo ở vùng đỉnh của năm 2023 sau chuỗi dài tăng điểm, thông tin tiêu cực có thể gây áp lực lớn lên thị trường nhiều hơn là tác động hỗ trợ từ thông tin tích cực.

Ông Huỳnh Hoàng Phương: NĐT cần chú ý đến nhiều thông tin quan trọng trong tháng 4 và quý II để có thể quản trị tốt rủi ro.

Trong đó, các số liệu kinh tế, xã hội trong tháng 4 và phần còn lại của quý II phải chứng tỏ phục hồi kinh tế bền vững, đặc biệt là tiêu dùng để giúp yếu tố cơ bản tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng của thị trường bền vững.

Đà bán ròng của khối ngoại phải giảm dần và tiến về trung lập, cần phòng ngừa rủi ro nếu khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh kéo dài. Tỷ giá (nếu) hạ nhiệt sẽ giúp rủi ro ngắn hạn của thị trường giảm bớt để NHNN thuận lợi trong việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ nền kinh tế.

Ngoài ra là thông tin về các kỳ vọng của thị trường liên quan đến nâng hạng và hệ thống giao dịch mới. Các thông tin delay (trì hoãn) nếu có sẽ tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường chung.

Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Phân tích của FIDT. Ảnh: FIDT.

-Trong tháng 4, chuyên gia dự báo thị trường sẽ diễn biến theo kịch bản nào?

Bà Nguyễn Thị Phương Lam: Tôi kỳ vọng VN-Index tiếp tục giằng co trong vùng 1.230 - 1.312 với thanh khoản duy trì tương đương thanh khoản bình quân của tháng 3.

Ông Huỳnh Hoàng Phương: FIDT hiện xây dựng 3 kịch bản cho VN-Index với kịch bản có xác suất kỳ vọng cao nhất là VN-Index sẽ dao động trong biên độ 1.250 - 1.300 điểm với thanh khoản duy trì quanh 1 tỷ USD như hiện nay. Trong quá trình thị trường chung đi ngang sẽ phân hóa mạnh và các cổ phiếu, nhóm ngành có câu chuyện riêng sẽ tiếp tục đi lên.

Với kịch bản ít xảy ra hơn, VN-Index có thể điều chỉnh về vùng 1.200 - 1.250 điểm để phán ánh các rủi ro ngắn hạn và tích lũy vùng này đợi các số liệu kinh tế trong các tháng tới. Một kịch bản khác, VN-Index vượt 1.300 điểm ngay trong tháng 4.

Một công ty chứng khoán lớn vừa bị tấn công hệ thống trong tháng 3. Chuyên gia đánh giá như thế nào về câu chuyện này? Liệu có gây ảnh hưởng đến thị trường trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Phương Lam: Tôi cho rằng sự kiện này sẽ không gây ra rủi ro hệ thống trên TTCK.

Ông Huỳnh Hoàng Phương: Đây là một sự kiện không mong muốn nhưng nó cũng cảnh tỉnh các công ty chứng khoán và chính nhà đầu tư về bảo mật. Và công ty chứng khoán nào có hệ thống bảo mật tốt sẽ là một lợi thế cạnh tranh mạnh để thu hút nhà đầu tư.

Khi các giao dịch của công ty này vào hoạt động bình thường, tôi cho rằng sẽ có áp lực bán nhất định khi nhiều nhà đầu tư không giao dịch được trong thời gian qua và đang đợi để bán cổ phiếu khi hệ thống giao dịch lại bình thường. Điều này tôi cho rằng sẽ ảnh hưởng thị trường ngắn hạn trong vài phiên sau đó sẽ bình ổn trở lại.

Tháng 4 cũng là lúc các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý I và tiếp tục họp ĐHĐCĐ thường niên. Đâu là những nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mà NĐT cần quan tâm?

Bà Nguyễn Thị Phương Lam: Một số nhóm ngành dự kiến sẽ có tăng trưởng lợi nhuận khả quan so với cùng kỳ gồm thép, thủy sản, dệt may, bán lẻ, nhiệt điện. Mặc dù có tăng trưởng về lợi nhuận, tôi cho rằng một số ngành đã chứng kiến mức tăng giá khá tốt giai đoạn vừa qua, phản ánh sự phục hồi tích cực về lợi nhuận.

Ông Huỳnh Hoàng Phương: Các nhóm được kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý I tích cực đáng chú ý sẽ rơi vào nhóm chứng khoán, các doanh nghiệp xuất khẩu, nhóm thép có nền thấp. Tuy nhiên, tôi cho rằng thông tin về kế hoạch lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trình trong ĐHĐCĐ thường niên sẽ đưa ra bức tranh tốt hơn về lợi nhuận cả năm của doanh nghiệp.

Hiện tại, với các doanh nghiệp đã công bố kế hoạch 2024 đa phần đều cho thấy bức tranh tăng trưởng và đây cũng là nguyên nhân lớn nhất cho việc tôi tin rằng thị trường chỉ điều chỉnh chứ khó rơi vào downtrend. Với dự báo như trên, tôi cho rằng nhiều nhóm ngành sẽ luân phiên dẫn từ đây đến cuối năm.

Trong ngắn hạn, tôi cho rằng nhà đầu tư cần tập trung vào các nhóm ngành có các động lực lớn như nhóm dầu khí thượng và trung nguồn dựa vào nhiều cơ sở chắc chắn hơn cho việc đạt được FID (quyết định đầu tư cuối cùng) ngay trong tháng 4.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng đáng quan tâm với việc Luật Đất đai dự kiến được áp dụng sớm từ 1/7 năm nay, và nhiều báo cáo, tin tức cho thấy sự hồi phục tương đối mạnh của thị trường bất động sản gần đây, đặc biệt là khu vực Hà Nội và lân cận.

Trong bối cảnh hiện tại, chuyên gia có lời khuyên nào gửi đến các NĐT?

Bà Nguyễn Thị Phương Lam: Với dòng tiền còn khá dồi dào trên thị trường, tôi cho rằng phần lớn thời gian của tháng 4 sẽ diễn ra các phiên “đỏ vỏ, xanh lòng”. Hay nói cách khác, tôi kỳ vọng các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua sẽ dao động trong biên độ hẹp và là yếu tố duy trì chỉ số thị trường, trong khi các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sẽ có mức tăng giá tốt hơn.

Mặc dù vậy, tôi cho rằng đây là cơ hội ngắn hạn nên NĐT chỉ dành một tỷ trọng nhất định để giao dịch nhóm cổ phiếu này. Danh mục tổng thể nhìn chung nên được đưa về trạng thái an toàn, theo hướng giảm mức sử dụng đòn bẩy và chốt lời khi cổ phiếu nắm giữ đã đạt mức lợi nhuận tốt.

Ông Huỳnh Hoàng Phương: Với các phân tích trên, theo tôi, NĐT cần chuẩn bị các kịch bản thị trường đi ngang hoặc điều chỉnh. Thị trường trong kịch bản nào cũng sớm phân hóa sau đó và luôn có cơ hội cho nhóm cổ phiếu có câu chuyện sắp tới.

Ngoài ra, các rủi ro ngắn hạn đang rõ hơn, nên tôi cho rằng NĐT nên hạn chế dùng margin (đòn bẩy ký quỹ) trong giai đoạn hiện nay và nên phân bổ danh mục tương đối đa dạng.

Cuối cùng, TTCK vẫn tốt trong năm 2024 nên việc điều chỉnh (nếu có) là cơ hội chuẩn bị các cổ phiếu tốt cho sự phục hồi và đi lên sau đó của thị trường.

Xin cám ơn chuyên gia trả lời phỏng vấn!

Xuân Nghĩa