|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giải cứu cửa ngõ thương mại thế giới Panama: Nhiệm vụ lâu dài, tốn kém và chưa chắc sẽ khả thi

16:45 | 06/01/2024
Chia sẻ
Biến đổi khí hậu và thiếu sót trong quá trình mở rộng cơ sở hạ tầng đã gây ra khủng hoảng tại kênh đào Panama, khiến giao thương tại tuyến đường thủy này rơi vào tình trạng bế tắc.

Một con tàu đi qua kênh đào Panama năm 2007. (Ảnh: Pronav Ship Management). 

Tình trạng bất thường

Tình trạng của kênh đào Panama đang trở nên tồi tệ hơn. Cách những con tàu chở dầu khổng lồ vài trăm mét là những gốc cây gầy gò nhô lên trên mặt nước. Chúng là những gì còn sót lại của một khu rừng đã bị làm ngập hơn một thế kỷ trước để tạo ra kênh đào Panama. Việc những gốc cây lộ ra ngay sau mùa mưa là điều rất bất thường.

Hình ảnh này cho chúng ta thấy rõ tình trạng khô hạn đã làm tê liệt tuyến đường thủy quan trọng đối với ngành vận tải toàn cầu. Mỗi năm, kênh đào Panama đón hàng chục nghìn tàu thuyền qua lại, trên tàu chở số hàng hóa trị giá khoảng 270 tỷ USD. Vấn đề cần được giải quyết, nhưng không ai đưa ra được phương án dễ dàng.

Cơ quan quản lý kênh đào Panama đang cân nhắc các giải pháp tiềm năng bao gồm dùng hồ nước nhân tạo để bơm nước vào kênh và tạo mây nhân tạo nhằm tăng lượng mưa. Tuy nhiên, cả hai phương án này đều cần nhiều năm để thực hiện và chưa chắc sẽ thành công.

Gốc cây nhô lên khỏi mặt nước ở kênh đào Panama. (Ảnh: Blooomberg). 

Lượng nước ở kênh đào Panama hiện nay thấp hơn 1,8 m so với bình thường, buộc cơ quan quản lý phải giới hạn số tàu có thể đi qua. Một số chủ tàu trả hàng triệu USD để không phải chờ đợi, số khác chọn cách đi vòng qua những tuyến đường dài, tốn kém hơn quanh châu Phi hoặc Nam Mỹ.

Hiện tại, số tàu tối đa có thể đi qua kênh đào Panama mỗi ngày là 24 chiếc, thấp hơn nhiều lưu lượng trước khi hạn hán là khoảng 38 chiếc. Khi mùa khô đến gần, tình trạng tắc nghẽn sẽ càng tồi tệ. Ông Erick Córdoba, người quản lý bộ phận nước của cơ quan quản lý kênh đào, nói trong một cuộc phỏng vấn: “Tình trạng hiện nay là không thể chấp nhận được. Chúng ta cần điều chỉnh hệ thống lần nữa”.

Trong điều kiện thông thường, kênh đào Panama xử lý khoảng 3% khối lượng thương mại toàn cầu và 46% lượng container di chuyển từ Đông Bắc Á đến bờ Đông nước Mỹ. Kênh đào này là nguồn thu lớn nhất của Panama, mang lại 4,3 tỷ USD trong năm 2022.

 

Để có thể tiếp nhận 24 con tàu mỗi ngày trong mùa khô, kênh đào Panama sẽ xả nước từ hồ chứa thứ cấp Alajuela. Ông Córdoba cho biết nếu mưa mạnh lên vào tháng 5, kênh đào có thể tăng cường lưu lượng giao thông.

Nhưng đây chỉ là giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài, giải pháp chính cho tình trạng thiếu nước kinh niên sẽ là xây đập trên sông Indio rồi khoan một đường hầm xuyên núi dài 8 km để dẫn nước ngọt vào Hồ Gatún, hồ chứa chính của kênh đào Panama.

Cùng với các công trình phụ, ông Córdoba ước tính dự án sẽ tiêu tốn tổng cộng 2 tỷ USD và kéo dài khoảng 6 năm. Các cơ quan liên quan đang nghiên cứu về tính khả thi của dự án. Tuy nhiên, đề xuất trên sẽ không dễ được thông qua. Hàng nghìn nông dân và chủ trại nuôi gia súc có đất ở những nơi có thể được sử dụng để làm hồ chứa đã tập hợp để phản đối dự án này.

Phương án tiềm năng khác là sử dụng công nghệ làm mưa nhân tạo (cloud seeding), cấy các hạt muối lớn vào mây để thúc đẩy hiện tượng ngưng tụ tạo ra mưa. Tuy nhiên, cho tới nay cloud seeding mới chỉ được áp dụng thành công tại vùng có khí hậu khô, còn Panama lại là một quốc gia nhiệt đới.

Một số chủ tàu thất vọng cho rằng cơ quan quản lý kênh đào không gấp rút giải quyết vấn đề mực nước thấp. Ông Jeremy Nixon, CEO hãng vận tải Nhật Bản Ocean Network Express (ONE), đã viết thư gửi đến Tổng thống Panama Laurentino Cortizo Cohen.

Tờ Bloomberg trích dẫn nội dung lá thư: “Cho tới nay vẫn chưa có dự án cơ sở hạ tầng quan trọng nào được triển khai ở Panama để tăng nguồn cung cấp nước. Chúng tôi chân thành hy vọng rằng các vị sẽ thực hiện một số biện pháp khẩn cấp”.

Mực nước thấp bên ngoài âu thuyền Miraflores của kênh đào Panama, ngày 3/11/2023. (Ảnh: Bloomberg). 

Xáo trộn lớn

Khủng hoảng ở kênh đào Panama là hậu quả của biến đổi khí hậu và quá trình mở rộng cơ sở hạ tầng. Cơ quan quản lý hoàn thiện một âu thuyền vào năm 2016 để tăng cường lưu lượng giao thông và đáp ứng kích cỡ ngày càng lớn của các tàu chở hàng. Tuy nhiên, họ đã không xây dựng hồ chứa mới để bơm nước ngọt vào kênh đào và do đó không ứng phó nổi với hạn hán.

Ông Steve Paton, Giám đốc cấp cao tại Viện Nghiên cứu Nhiệt dới Smithsonian, cho biết tính đến tháng 11, 2023 là năm khô hạn nhất trong lịch sử tại Đảo Barro Colorado ở Hồ Gatún. Hiện tượng El Nino đã gây ra tình trạng khô hạn ở Panama và dự kiến sẽ kéo dài cho đến ít nhất là tháng 3 tại Bắc bán cầu.

Ông Gabriel Alemán, người đứng đầu Hiệp hội Hoa tiêu Kênh đào Panama, nói với tờ Bloomberg: “2023 khác hoàn toàn với những năm trước. Chúng ta vẫn chưa chứng kiến tác động đỉnh điểm của El Nino”.

Hồ Gatún khi mực nước xuống thấp. (Ảnh: Bloomberg). 

Cuộc khủng hoảng đã gây ra sự xáo trộn đối với các tuyến đường thủy quốc tế. Khi mới đi vào hoạt động năm 1914, kênh đào Panama là một phương án thay thế cho kênh đào Suez, Mũi Hảo Vọng và Eo biển Magellan để vận chuyển hàng hóa giữa Bắc và Nam bán cầu.

Giờ đây, tàu thuyền đang phải quay lại cả ba tuyến đường trên nhằm tránh tình trạng tắc nghẽn ở Panama, dù gần đây tàu thuyền cũng phải chuyển hướng khỏi Suez nhằm tránh bị phiến quân Houthi tấn công. Kênh đào Suez nằm ngang mặt nước biển, còn Panama là kênh nước ngọt phụ thuộc vào các hồ nhân tạo và do đó dễ bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Giang