|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giấc mơ bitcoin 'made in USA' của ông Trump đe dọa sự thống trị của gã khổng lồ Trung Quốc Bitmain

16:16 | 27/08/2024
Chia sẻ
Căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, kèm theo viễn cảnh ông Donald Trump tái đắc cử Nhà Trắng đang đe dọa sự thống trị của Bitmain Technologies, công ty nắm giữ 90% thị phần máy đào  bitcoin trên thế giới.

Máy đào phần lớn đến từ Trung Quốc

Theo Bloomberg, Bitmain Technologies hiện đang chiếm 90% thị phần máy đào sử dụng để khai thác bitcoin. Một khách hàng ví công ty này như nhà sản xuất kim cương De Beers ở thời đỉnh cao: có thể quyết định giá bitcoin bằng cách điều chỉnh sản lượng. 

Theo thống kê của Bloomberg,  những công ty khai thác như Marathon Digital, Core Scientific, Bitfarms phụ thuộc từ 80 đến 99% vào máy đào của Bitmain. Số trang thiết bị này có giá trị lên tới hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, sự thống trị của Bitmain đang lung lay trước khả năng cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Trong các sự kiện gần đây, ông Trump nhấn mạnh mong muốn bitcoin được “khai thác, đúc và sản xuất” tại Mỹ. 

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Bitcoin 2024. (Ảnh: Brett Carlsen/Bloomberg).

Những lời phát biểu của Trump đang khiến rủi ro địa chính trị ở thị trường Mỹ của Bitmain - một công ty có trụ sở tại Trung Quốc - ngày càng tăng lên. Hiện xuất hiện nhiều quan ngại cho rằng các máy đào từ Trung Quốc có thể được sử dụng trong hoạt động gián điệp.

Ông Rajiv Khemani, CEO của công ty Auradine, một đối thủ của Bitmain, nhận định rằng có nhiều lý do khiến ông Trump “muốn thách thức sự thống trị của công ty Trung Quốc” trong lĩnh vực khai thác tiền mã hóa. 

Hoạt động khai thác bitcoin đòi hỏi thợ đào sử dụng những thiết bị chuyển dụng (máy đào ASIC) để giải một bài toán phức tạp giúp xác thực các giao dịch bitcoin. Khi giải được bài toán trên, các thợ đào sẽ nhận được phần thường bằng bitcoin. 

Những máy đào bitcoin được chế tạo vì một đích duy nhất và có khả năng tính toán mạnh mẽ. Đồng thời, chúng cũng tiêu tốn một lượng điện khổng lồ, tương đương 0,6% điện năng tiêu thụ toàn cầu, theo Cambridge Center for Alternative Finance. 

Vi mạch một chiếc máy đào Antminer của Bitmain. (Ảnh: Bloomberg).

Do đó, lợi nhuận doanh nghiệp khai thác bitcoin phụ thuộc vào ba biến số: giá bitcoin, giá điện và hiệu năng của máy đào. 

Bitmain được ông Micree Zhan và ông Jihan Wu thành lập vào năm 2013, có trụ sở tại Bắc Kinh. Ngay từ những ngày đầu, Bitmain đã tạo nên sự khác biệt nhờ dòng máy đào thương hiệu Antminer có hiệu năng vượt trội so với đối thủ cạnh tranh. 

Ông Fred Thiel, CEO của Marathon Digital, nhận định: "Khi Bitmain tung ra dòng máy mới, họ sẽ thiết lập lại động lực cạnh tranh trên thị trường. [...] Những người tiếp cận được những dòng máy mới sẽ có lợi thế cạnh tranh ngay lập tức", ông cho biết thêm.

 Các dòng máy đào của Bitmain có hiệu suất khai thác cao nhất trên thị trường. 

"Thiết bị gián điệp"

Theo một nhà phân phối, Bitmain đã chuyển một số hoạt động sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Đông Nam Á cách đây nhiều năm để tránh mối đe dọa về thuế quan. Năm 2018, ông Trump đã áp thuế đối với các mặt hàng điện tử và hàng hóa khác nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện công ty không có nhà máy sản xuất nào tại Mỹ. 

Tuy nhiên, việc chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc có thể không giúp được nhiều cho Bitmain trong bối cảnh căng thẳng về nhiều mặt giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới đang ngày càng lên cao.

Vào tháng 5, Tổng thống Joe Biden đã ra yêu cầu một công ty khai thác bitcoin của Trung Quốc có tên là MineOne phải rời đi và bán một khu đất rộng gần 5 hecta (ha) tại bang Wyoming. Khu đất này gần một căn cứ quân sự chứa tên lửa hạt nhân của Mỹ.

Một trong những lý do được nêu ra là sự hiện diện của "thiết bị chuyên dụng và nguồn gốc từ nước ngoài" được sử dụng để khai thác tiền mã hóa nhưng "có khả năng tạo điều kiện cho các hoạt động giám sát và gián điệp", Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ cho biết. 

MineOne đã đồng ý bán các cơ sở khai thác North Range và Campstool tại Wyoming cho CleanSpark - một công ty khai thác có trụ sở tại Mỹ. Hiện doanh nghiệp này đang tìm kiếm địa điểm để đặt hệ thống máy đào trị giá hàng trăm triệu USD mới mua. Tất cả các máy đào này đều có nguồn gốc từ Bitmain. 

Theo hợp đồng trên, tất cả các máy đào mà Bitmain bán cho CleanSpark đều phải có “nguồn gốc xuất xứ khác Trung Quốc” hoặc bất cứ quốc gia nào bị Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) trừng phạt. 

Ông Zach Bradford, CEO của CleanSpark, cho biết điều khoản này “không chỉ vì vấn đề thuế quan, mà còn vì tình hình chính trị hiện tại". Tuy nhiên, ông Bradford cũng phủ định khả năng máy đào có thể được sử dụng để do thám. “Không có bộ nhớ, không có gì trên những thiết bị này thực sự có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp”, ông nói. 

Bất chấp rủi ro chính trị, máy đào của Bitmain vẫn đang bán chạy nhất thị trường, bỏ xa các đối thủ. 

Trong bài phỏng vấn vào tháng 6 với Bloomberg, ông Trump cho biết việc đẩy mạnh hoạt động khai thác bitcoin tại nước Mỹ là nhằm ngăn cản sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này. "Nếu chúng ta không làm, Trung Quốc sẽ tìm cách để có được - hoặc một quốc gia nào khác", ông nói. 

Cho đến nay, cựu Tổng thống Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận về Bitmain hay gọi những máy đào được sản xuất tại Trung Quốc là mối đe dọa với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, lời kêu gọi "made in USA" của ông đã được ngành khai thác để ý đến. 

Riot Blockchain đã có đơn hàng trị giá hàng trăm triệu USD với một nhà sản xuất máy đào khác từ Trung Quốc là MicroBT. Theo Riot, những máy đào này sẽ "được sản xuất tại nhà máy của MicroBT ở Mỹ".

Tuy nhiên, đối với nhiều thợ đào, những thay đổi trong chuỗi cung ứng trên không giải quyết được vấn đề cốt lõi: máy đào của Bitmain dẫn đầu thị trường. CEO Patricia Trompeter của công ty khai thác Sphere 3D cho biết Mỹ không sản xuất được những máy đào có hiệu năng tốt như của Bitmain. "Bitmain có những cỗ máy hiệu quả nhất", bà nói. 

Minh Quang

Data Talk tháng 9: 'Có những lần suy thoái khiến thị trường chứng khoán giảm 80 - 90%'
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC, chi nhánh TP HCM, có những lần suy thoái khiến thị trường giảm 80 - 90%, ngay cả cuộc suy thoái kỹ thuật cũng khiến thị trường rơi 20 - 30%. Thị trường chứng khoán Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế Mỹ.