|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá trị thương mại hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 105 tỷ USD trong 8 tháng

20:25 | 16/09/2023
Chia sẻ
8 tháng đầu năm, giá trị thương mại hàng hóa song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 105,4 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN, nằm trong top 10 thế giới, xét theo quốc gia đơn lẻ.

Sau khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ “Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2008, thương mại hàng hóa giữa hai nước đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đáng chú ý trong giai đoạn 2018-2022, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đã liên tiếp vượt mốc 100 tỷ USD. 

 

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy 8 tháng đầu năm, giá trị thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 105,4 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng trưởng âm trong hơn 10 năm qua. Dù vậy, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta.

Còn Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN và nằm trong top 10 các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, xét theo quốc gia đơn lẻ.

 

Kinh tế toàn cầu khó khăn, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng dương

Ở mảng xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch đạt 36,6 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

 

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, thương mại hàng hóa trầm lắng, mức tăng trưởng dương xuất khẩu sang Trung Quốc được coi là gam màu sáng trong bức tranh ảm đạm chung.

Tính chung 8 tháng đầu năm, Việt Nam có 9 nhóm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó chỉ có 3 mặt hàng ghi nhận tăng trưởng dương, bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, rau quả và giày dép.

Nổi bật trong bức tranh xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, rau quả là nhóm hàng ghi nhận mức tăng trưởng đột biến 134% so với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch đạt hơn 2,2 tỷ USD.

 

Sở dĩ mặt hàng rau quả đạt được mức tăng trưởng cao như vậy nhờ trong năm 2022, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, chanh leo, chuối sang thị trường tỷ dân.

Việt Nam đang có khoảng 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trong đó, sầu riêng có thể được gọi là “vua” trái cây khi 8 tháng đầu năm nay đã thu về kim ngạch 1,2 tỷ USD, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2022, phần lớn sầu riêng tươi xuất khẩu của Việt Nam hiện đang được Trung Quốc tiêu thụ.

Mỗi năm, Trung Quốc chi khoảng 4 tỷ USD mua sầu riêng. Trong khi đó, thị phần sầu riêng của Việt Nam tại thị trường hơn tỷ dân chiếm gần 22%, thấp hơn mức 78% của Thái Lan. Với những lợi thế về địa lý, chất lượng, sầu riêng Việt Nam được đánh giá sẽ còn nhiều cơ hội ở thị trường “ghiền” sầu riêng này.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu các nhóm hàng như máy móc và phụ tùng, máy ảnh và linh kiện, cao su, gỗ, thủy sản giảm sâu do lạm phát toàn cầu, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với các sản phẩm không thiết yếu, đồng thời Trung Quốc vừa mở cửa kinh tế, các hoạt động trong ngành công nghiệp cũng chưa thực sự sôi động.

Trong báo cáo tháng 8, Bộ Công Thương nhận định việc Trung Quốc đang có động thái đã hạ lãi suất nhằm vực dậy nền kinh tế. Hoạt động sản xuất đã tăng trở lại trong tháng 8 với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8 của lĩnh vực chế tạo đã đạt mức 51 điểm cho thấy các biện pháp kích cầu kinh tế của Chính phủ Trung Quốc bắt đầu phát huy tác dụng.

Điều này cũng mở ra hy vọng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ cải thiện tích cực hơn trong thời gian tới.

Mặt khác, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung và chuỗi cung ứng (Trung Quốc +1) sẽ giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong hội nghị giao ban với hệ thống thương vụ, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng từng lưu ý bên cạnh những cơ hội ở thị trường Trung Quốc, chúng ta cũng cần nhìn nhận và đánh giá loạt thách thức.

“Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường này cũng chấp nhận. Mặt khác, Trung Quốc đã và đang là công xưởng của thế giới, các mặt hàng xuất khẩu của nước bạn rất tương đồng với Việt Nam, điều này vừa tạo ra lợi thế và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Thách thức được Bộ trưởng nói đến ở đây là khi Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế, việc cạnh tranh hàng xuất khẩu ra các thị trường truyền thống của Việt Nam sẽ cũng không dễ dàng. Mặt khác, nguyên liệu phục vụ cho các ngành sản xuất xuất khẩu của nước ta vẫn còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Doanh nghiệp vắng đơn hàng, nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc giảm 

Khoảng 25 năm trở lại đây, Trung Quốc là thị trường cung cấp hàng hóa, nguyên liệu sản xuất chính cho Việt Nam, cán cân thương mại nghiêng về nhập siêu.

8 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc khoảng 68,8 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó có hai nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.

 

Bộ Công Thương cho biết nhập khẩu nhóm hàng chủ lực, đầu vào quan trọng phục vụ các ngành hàng xuất khẩu như điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may, da giày… đều giảm ở mức hai con số.

“Giá nguyên liệu hạ nhiệt và việc thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu đã kéo theo nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm tương ứng”, Bộ Công Thương nhận định.

 

Phạm Mơ