Giá nguyên vật liệu leo thang, biên lợi nhuận gộp loạt doanh nghiệp xây dựng giảm sâu
Đầu năm, thông tin về gói hỗ trợ của chính phủ nhằm bổ sung 113,5 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước để chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đã giúp cho ngành xây dựng kỳ vọng được hồi sinh sau thời gian khó khăn vì dịch bệnh không thể triển khai nhiều dự án.
Tuy nhiên, giá vật liệu xây dựng đã tăng phi mã, do cuộc xung đột quy mô lớn giữa Nga và Ukraine khiến nguồn cung chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2022 giá thép đã có 7 lần tăng, tổng mức tăng đến 2,4 triệu đồng/tấn tăng từ 16,5 triệu - 17 triệu đồng/tấn lên khoảng 19 triệu đồng/tấn (theo Hiệp hội Thép Việt Nam - VSA). Một số doanh nghiệp sản xuất thép lớn tại Việt Nam như Hoà Phát, Hoa Sen, Pomina, Kyoei, Việt Đức, Việt Nhật đều đã đồng loạt thông báo tăng giá thép từ ngày 31/3.
Còn than đá – có vai trò quan trọng trong sản xuất xi măng, thì giá than nhập khẩu tăng mạnh, khiến các doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng đồng loạt tăng giá bán trong tháng 3.
Dẫu vậy, theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, GDP ngành xây dựng quý I/2022 tăng 2,57%. Đây là quý thứ hai liên tiếp ngành xây dựng đạt tăng trưởng dương, cho thấy toàn ngành trên đà hồi phục cùng với nền kinh tế.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022 của các nhà thầu xây dựng cũng có phần tích cực hơn so với trước đó, tuy nhiên, bức tranh vẫn rất phân hóa.
Quán quân lợi nhuận thuộc về ai?
Ông lớn CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) sau nửa năm gồng lỗ thì tới quý này cũng đã có lãi trở lại với 29 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với kỳ trước. Doanh thu thuần đạt 1.912 tỷ đồng, giảm 25,5%.
Doanh nghiệp cho biết, bên cạnh sự sụt giảm của doanh thu mảng xây dựng, chi phí nguyên vật liệu, nhân công tăng cao cùng ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, ban điều hành đã trích lập dự phòng cho các công trường có rủi ro cao, biên lợi nhuận thu hẹp từ 4,8% về 3,4%.
Dưới tình hình khó khăn chung của dịch bệnh và những thay đổi trong cơ cấu doanh nghiệp, Coteccons đặt mục tiêu khiêm tốn với lợi nhuận sau thuế chỉ 20 tỷ đồng, còn doanh thu 15.010 tỷ đồng doanh thu. Kết thúc quý I, doanh nghiệp đạt 12,7% kế hoạch doanh thu và vượt 45% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Từng được đánh giá là thua kém hơn Coteccons về mặt thương hiệu, doanh thu, quy mô vốn,… nhưng CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) gần đây đã có thời điểm vượt mặt Coteccons về cả lợi nhuận và vốn hoá khi đang trải qua các vấn đề tái cấu trúc.
Quý vừa rồi, HBC ghi nhận 2.983 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức doanh thu cao nhất trong các doanh nghiệp được thống kê. Biên lợi nhuận gộp trong kỳ đạt 6,6%, giảm mạnh so với mức 8,7% của quý I/2021 song vẫn ở mức cao hơn so với Coteccons (3,4%).
Kết quả, tập đoàn báo lãi gần 11 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế song vẫn tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng Giám đốc Lê Viết Hiếu cho biết do vướng nghỉ Tết nên phần chi phí phải trả lớn trong khi không có sản lượng và quý I thường là quý có kết quả thấp so với các quý khác trong năm.
Đến thời điểm 25/4, CEO của tập đoàn tiết lộ đã đạt gần 50% chỉ tiêu trúng thầu năm nay. Giá trị hợp đồng chuyển tiếp (backlog) từ năm 2021 chuyển qua năm 2022 là 16.000 tỷ đồng, trong đó có thể ghi nhận 11.000 tỷ đồng doanh thu.
Tương tự, doanh thu thuần của CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons tăng trưởng đến 66% lên hơn 2.000 tỷ đồng. Song giá vốn hàng bán tăng tới 72% nên lãi gộp của công ty chỉ còn 53 tỷ đồng. Trừ các chi phí nên Ricons lãi sau thuế 21 tỷ, giảm 12%.
Năm nay, cũng như HBC, Hưng Thịnh Incons (Mã: HTN) đề ra mục tiêu tham vọng đầy bứt phá với doanh thu dự kiến tăng 61% lên 9.867,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 44% lên 347,8 tỷ đồng.
Theo ước tính của SSI Research, giá trị ký mới trong năm 2021 của công ty là 13.985 tỷ đồng, nâng tổng giá trị hợp đồng chuyển tiếp lũy kế (backlog) lên 29.841 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Với giá trị hợp đồng ký dồi dào có thể giúp tăng trưởng doanh thu đáng kể trong năm 2022.
Thực tế trong quý I, Hưng Thịnh Incons lãi sau thuế 43 tỷ đồng, tăng 14%. Doanh thu cũng tăng trưởng 28%. Biên lợi nhuận gộp chỉ giảm 0,6 điểm % về 8,3% quý I này, con số cao hơn cả hai ông lớn HBC và Coteccons.
Biểu đồ dưới đây cho thấy, trong quý đầu năm, người dẫn đầu về biên lãi gộp thuộc về CTCP Lizen (Tên cũ là CTCP Licogi 16 - Mã: LCG). Đơn vị xếp ngay sau là CTCP Fecon (Mã: FCN) với biên lợi nhuận gộp đạt 17,5% so với 18,1% của quý I năm ngoái.
Sở dĩ Fecon và Lizen có biên lợi nhuận gộp nhỉnh hơn nhờ đóng góp từ các mảng khác với tỷ suất lợi nhuận gộp tốt hơn như bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp giảm sâu so với quý I/2021 là Xây dựng SCG, kế tiếp là Ricons và HBC.