Đường hoa Nguyễn Huệ trước ngày khai mạc
Sau nửa tháng thi công, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 cơ bản hoàn thiện. Đường hoa năm thứ 21 mang chủ đề Xuân yêu thương, Tết sum vầy, dài khoảng 700 m.
Điểm nhấn là cặp linh vật rồng ở đầu đường Nguyễn Huệ, đoạn gần UBND TP HCM. Đôi rồng mang tên gọi Lưỡng Long triều liên đã hoàn thiện, uốn lượn đan xen nhau, đối xứng trên đường hoa, tạo điểm nhấn cho khách tham quan.
Mỗi con rồng dài khoảng 120 m, lập kỷ lục về kích thước các linh vật xuất hiện trên đường hoa 21 năm qua. Thân rồng nhiều màu sắc rực rỡ, đan chéo vào nhau cao hơn 10 m, tạo mái trần trang trí đẹp mắt.
Ở cuối đường hoa là con rồng ở trong đại cảnh Nhất đại Thăng Long với diện tích bao phủ hơn 1.000 m2, uốn lượn xung quanh. Hơn 90% chất liệu tạo hình linh vật từ mây tre và mành quạt nan, thân thiện với môi trường.
Theo nhà thiết kế, linh vật rồng là sự kết hợp các đặc điểm rồng của thời Lý, Trần, Nguyễn, thể hiện ở các dáng vẻ đầu luôn hướng lên, mũi to, chóp mũi tròn, mắt lồi, miệng ngậm ngọc, bờm to ở má và trên đầu. Thân uốn lượn hình sin theo hướng bay lên là đặc điểm thường thấy trong hình ảnh rồng thời Lý và Trần, hình dáng đuôi xòe như ngọn lửa là đặc điểm của rồng thời Nguyễn.
Xuyên suốt đường hoa là hình ảnh trong đại cảnh Thuyền rồng hoa xuân có diện tích lên đến 900 m2, tạo ấn tượng cho du khách như đi trên dòng sông với thuyền rồng và chiêm ngưỡng hoa lá ở hai bên.
Đường hoa năm nay có 99 chủng loại hoa với hơn 90.000 giỏ hoa. Việc trang trí hoa theo với ba gam màu chủ đạo là đỏ, cam, vàng.
Một cây bồ đề mạ vàng được trưng bày trên đường hoa. Theo ban tổ chức, hơn 70% vật liệu sử dụng trong ốp lát tạo hình đường hoa là tre, nứa thân thiện môi trường.
Trưa 6/2 (27 tháng Chạp), một ngày trước khai mạc, hàng trăm công nhân tất bật hoàn thành các công đoạn cuối như mắc điện, trang trí hoa, dọn dẹp vệ sinh, tưới nước...
"Đây là năm thứ 15 tôi tham gia thi công đường hoa. Năm nay công trình quá ấn tượng với các linh vật rồng hoành tráng", ông Trần Ngân Tuấn, 50 tuổi nói.