Doanh nghiệp dầu khí nào sẽ hưởng lợi từ chuỗi dự án Lô B – Ô Môn hơn 10 tỷ USD?
Lô B - Ô Môn là một trong những dự án khí lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD cho nhiều dự án thành phần từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn.
Hiện nay, sản lượng khai thác dầu khí tại Việt Nam đã liên tục giảm kể từ năm 2015 do thiếu vắng các dự án thượng nguồn trọng điểm. Do đó, Chứng khoán VNDirect đánh giá việc khởi công dự án phát triển mỏ khí lớn như Lô B - Ô Môn sẽ là động lực tăng trưởng cho các công ty trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam, củng cố nền tảng cơ bản của ngành trong những năm sắp tới.
Chứng khoán VNDirect cũng nhận định tính cấp thiết của việc triển khai dự án phát triển mỏ khí Lô B - Ô Môn, đặc biệt khi quyền tự chủ nguồn cung khí là vô cùng quan trọng sau cuộc khủng hoảng khí tự nhiên gần đây trên phạm vi toàn cầu.
Mặc dù có tiềm năng rất lớn nhưng chuỗi dự án này đã bị chậm tiến độ trong nhiều năm do những vướng mắc tại dự án nhà máy điện Ô Môn III liên quan đến nguồn vốn ODA tài trợ cho nhà máy.
Việc chậm trễ này cũng dẫn đến sự bế tắc của toàn chuỗi Lô B - Ô Môn vì quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Ô Môn III sẽ là tiền đề để hoàn tất các đàm phán thương mại và lựa chọn nhà thầu EPC cho phân khúc thượng nguồn và trung nguồn.
Điểm tích cực cho chuỗi dự án sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 114/2021/NĐ-CP (ngày 16/12/2021) về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để thay thế Nghị định 56, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy điện Ô Môn III.
Theo đó, các chuyên gia phân tích kỳ vọng dự án thượng nguồn sẽ có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào cuối quý II/2022 sau khi Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cho Ô Môn III trong quý II, tạo tiền đề cho toàn chuỗi dự án Lô B - Ô Môn khởi công trong nửa cuối năm 2022.
Nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ hưởng lợi như thế nào từ chuỗi dự án Lô B – Ô Môn?
Theo kế hoạch phát triển mỏ (FDP), dự án sẽ bao gồm việc phát triển mỏ khí tại lô B&48/95 và 52/97, và xây dựng một đường ống dẫn khí từ Lô B tới Ô Môn.
Dự án phát triển mỏ khí Lô B có tổng vốn đầu tư xấp xỉ 6,7 tỷ USD trong thời gian 20 năm. Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn có tổng mức đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD do PVN, PV GAS, MOECO (Nhật Bản) và PTTEP (Thái Lan) làm chủ đầu tư theo hình thức hợp doanh.
Với khối lượng công việc rất lớn kể trên, VNDirect nhận thấy có nhiều cơ hội việc làm cho các nhà cung cấp dịch vụ thượng nguồn trong suốt vòng đời dự án.
Ở nhóm thượng nguồn (dự án phát triển mỏ khí lô B), phạm vi công việc của dự án bao gồm một giàn xử lý trung tâm (CPP), 46 giàn đầu giếng (WHP), một giàn nhà ở, một tàu chứa condensate (FSO) và 750 giếng khai thác.
Với hoạt động EPCI (thiết kế - mua sắm - thi công - lắp đặt và chạy thử), VNDirect cho rằng PVS và PVX (bao gồm cả công ty con PXS) có thể tham gia vào các hợp đồng EPC phát triển mỏ khí trong liên doanh với các nhà thầu nước ngoài. Đáng chú ý, PVS đã chứng tỏ được khả năng của mình trong việc xây lắp các dàn khoan dầu khí ở cả thị trường trong nước và nước ngoài như dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt, hay dự án Gallaf tại Qatar.
Ở mảng khoan, dịch vụ giếng khoan, với kế hoạch hơn 700 giếng khai thác, các chuyên gia phân tích cho rằng dự án có thể mang lại nhiều cơ hội việc làm cho PVD - đơn vị cung cấp dịch vụ khoan những năm sắp tới.
Là đơn vị kinh doanh dung dịch khoan hàng đầu tại Việt Nam, PVC cũng có thể thu được lợi ích từ chiến dịch khoan tại dự án Lô B.
Ở nhóm trung nguồn (đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn), dự án đường ống có tổng chiều dài 431km với công suất thiết kế 20,3 triệu m3/ngày.
Với tư cách là nhà đầu tư chính của đường ống Lô B - Ô Môn, PV GAS sẽ được hưởng lợi nhờ nguồn khí bổ sung từ Lô B và cước phí vận chuyển khí. Các chuyên gia kỳ vọng lượng khí bổ sung kể từ năm 2026 sẽ bù đắp sự cạn kiệt nhanh chóng tại các mỏ khí lâu năm, góp phần duy trì sự tăng trưởng của GAS trong dài hạn.
VNDirect ước tính hợp đồng bọc ống chiếm khoảng 5-6% tổng mức đầu tư dự án. Sở hữu nhà máy bọc ống duy nhất tại Việt Nam, PVCoating (PVB) là đơn vị thực hiện hầu hết các hợp động bọc ống ngoài khơi tại Việt Nam, đơn cử như tuyến ống Nam Côn Sơn 2. Do đó, các chuyên gia phân tích cho rằng PVB sẽ tiếp tục nhận được hợp đồng bọc ống tại dự án đường ống Lô B - Ô Môn.
Với kinh nghiệm đã thực hiện một số dự án tại Việt Nam như đường ống Sao Vàng - Đại Nguyệt, đường ống Nam Côn Sơn 2, VNDirect kỳ vọng PVS (và công ty con POS) sẽ có nhiều cơ hội giành được hợp đồng EPC cho dự án này. Kết hợp với dự án thượng nguồn sẽ tạo nên lượng backlog tiềm năng rất lớn cho mảng M&C của PVS trong những năm tới. Bên cạnh đó, một nhà thầu xây lắp dầu khí khác như PVX (bao gồm công ty con PXT) có thể tham gia vào dự án đường ống này với tư cách là nhà thầu phụ.
Cuối cùng là nhóm hạ nguồn với ba nhà máy nhiệt điện khí mới tại Trung tâm Điện lực Ô Môn. Mặc dù các dự án nhà máy điện sẽ tạo ra lượng backlog rất lớn cho các nhà thầu EPC trong nước, nhưng VNDirect cho rằng cơ hội cho các nhà thầu dầu khí như PVS trong mảng này là tương đối hạn chế.