Đồ ăn nhanh không còn 'nhanh'
Mới đây, Burger King đã thông báo đóng cửa chi nhánh tại Phạm Ngũ Lão (Quận 1, TP HCM) kể từ ngày 7/10. Đây là một trong những cửa hàng lâu đời của thương hiệu này tại Việt Nam, đã hoạt động được một thập kỷ kể từ khi Burger King chính thức gia nhập thị trường vào năm 2012.
Trên một số trang giao dịch bất động sản, địa chỉ mặt bằng này có giá thuê từ 250 đến gần 400 triệu đồng/tháng với tổng diện tích 270 m2 và 15 m mặt tiền. Thời gian cho thuê lên tới 10 năm. Vị trí gần các điểm nổi tiếng như chợ Bến Thành, phố Bùi Viện...
Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch F&B Investment, cho rằng các thương hiệu lớn thường thuê mặt bằng đắt đỏ trong thời gian dài (khoảng 10 năm) chủ yếu để xây dựng nhận diện. Khi đã đạt được mục tiêu này, họ có thể quyết định đóng cửa để tối ưu chi phí.
Ông Tùng nói có các lý do để Burger Kinh đi tới quyết định đóng cửa chi nhánh, chẳng hạn là nhu cầu tái đầu tư. Sau một thời gian dài hoạt động, cơ sở vật chất của các cửa hàng có thể xuống cấp và cần được đầu tư lại. Chi phí cho việc này có thể rất lớn, đến mức việc mở một điểm bán mới ở vị trí khác có thể tiết kiệm hơn so với việc nâng cấp cơ sở hiện tại.
Ngoài ra, có thể cửa hàng này đang không sinh lời. Khi không đạt được mục tiêu kinh doanh và đã hoàn thành nhiệm vụ marketing, việc đóng cửa là một quyết định kinh doanh bình thường. Vị chuyên gia nhấn mạnh việc đóng một cửa hàng trong chuỗi vài chục cửa hàng là hoạt động bình thường đối với các thương hiệu lớn.
Sóng suy thoái
Trước đó không lâu, McDonald's cũng thông báo đóng cửa chi nhánh Bến Thành - một trong những cửa hàng đầu tiên của họ tại Việt Nam. Chi nhánh này, nằm tại đường Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP HCM, đã tồn tại 10 năm.
McDonald's Bến Thành là một địa điểm nổi bật với quy mô ba tầng, diện tích xây dựng 660 m2 và sức chứa khoảng 260 khách. Vị trí đắc địa gần chợ Bến Thành và hoạt động 24/7 đã giúp cửa hàng này trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều thực khách trong suốt một thập kỷ qua.
Không chỉ các chuỗi thức ăn nhanh, ngay cả Starbucks - một "ông lớn" trong ngành đồ uống - cũng phải đóng cửa chi nhánh Starbucks Reserve tại Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM vào ngày 26/8. Lý do được cho là không thể đàm phán vấn đề giá mặt bằng. Mặt bằng này có giá thuê tới hơn 750 triệu đồng/tháng (tương đương gần 9 tỷ đồng/năm) cho diện tích hơn 210 m2.
Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty FnB, đơn vị chuyên gia tư vấn cấp cao về vận hành F&B tại Việt Nam, cho rằng việc đóng cửa các cửa hàng tại khu vực trung tâm có thể là một quyết định nhằm tối ưu hóa chi phí.
Theo vị chuyên gia, quyết định trả mặt bằng là động thái tối ưu tài chính khi việc giữ lại không còn hiệu quả kinh tế. Mặt bằng đẹp đóng vai trò quan trọng trong xây dựng thương hiệu, đặc biệt ở giai đoạn mở rộng thị trường, không chỉ là nơi bán hàng mà còn là công cụ marketing. Tuy nhiên, cần cân nhắc giữa lợi nhuận và chi phí thuê, đặc biệt với chuỗi nhỏ.
Sự phát triển của kênh bán hàng online làm giảm vai trò mặt bằng đắc địa, nhưng không loại bỏ hoàn toàn. Thương hiệu cần kết hợp giữa cửa hàng vật lý và trực tuyến để tối ưu doanh thu. Xu hướng mới tập trung vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trải nghiệm khách hàng, và marketing thông minh.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Người Lao Động, ông Nguyễn Thái Bình, đồng sáng lập cộng đồng chia sẻ kiến thức Điểm chạm F&B (FBVI), giải thích rằng đầu năm 2024, tình hình kinh doanh F&B khá ổn nhưng sau đó giảm dần và xuống đáy hồi tháng 6, chịu ảnh hưởng nặng nề của tình hình kinh tế khó khăn chung.
"Không chỉ các chuỗi của chúng tôi mà tham khảo từ nhiều chuỗi khác cũng có tình trạng tương tự với doanh số thấp nhất trong vòng 18 tháng qua," ông Bình nói.
Theo nghiên cứu thị trường của iPOS.vn, 2024 là năm khó khăn của ngành F&B với khoảng 30.000 cửa hàng đóng cửa trong 6 tháng đầu năm. Điều này cho thấy tình trạng khó khăn không chỉ giới hạn ở các thương hiệu lớn mà còn ảnh hưởng rộng rãi đến toàn ngành.
Việc đóng cửa một số chi nhánh lâu đời và quen thuộc của các thương hiệu lớn trong thời gian gần đây cho thấy sự thay đổi về chiến lược của các doanh nghiệp F&B. Họ đang tối ưu hoá lại chi phí để thích nghi với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của khách hàng Việt Nam trong bối cảnh kinh tế mới.
Bài toán mới
Nhìn ra thế giới, ngành F&B cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đại dịch COVID-19 đã buộc các nhà hàng phải thay đổi mô hình kinh doanh, chuyển sang bán mang về và giao hàng. Sau đại dịch, lạm phát và chi phí nhân công tăng cao lại đặt ra bài toán mới về giá thành.
Với những người có thu nhập thấp, vốn là nhóm khách hàng cốt lõi của các thương hiệu đồ ăn nhanh, việc giá cả tăng cao đã khiến họ phải giảm tần suất ăn ngoài hoặc chuyển sang lựa chọn nấu ăn tại nhà.
Sự suy giảm trong lòng tin người tiêu dùng cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Theo Conference Board, chỉ số niềm tin tiêu dùng đã giảm liên tục trong những tháng đầu năm 2024, phản ánh sự lo lắng về nguy cơ suy thoái kinh tế. Nhiều chuỗi lớn như McDonald's, KFC ghi nhận sự suy giảm đáng kể về lượng khách. Thậm chí, một số thương hiệu như Popeyes hay Harold's Chicken đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Theo The Street, tập đoàn EYM, sở hữu nhiều thương hiệu lớn như Burger King, KFC, Pizza Hut tại 7 bang của Mỹ, đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản cho chi nhánh Pizza Hut do tranh chấp với Yum Brands về tiền bản quyền. Họ cũng đã đóng cửa 25 trong số 47 cửa hàng KFC.
RRG Inc., đơn vị điều hành 17 cửa hàng Popeyes tại Georgia, cũng phải nộp đơn phá sản vào tháng 2/2024 do ba cửa hàng thua lỗ kéo theo khó khăn cho cả hệ thống. Mới đây, Original Harold's Chicken of Nevada, một thương hiệu gà rán lâu đời từ những năm 1950, cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 vào ngày 4/10 để tái cơ cấu hoạt động kinh doanh.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn, các thương hiệu F&B đang áp dụng nhiều chiến lược mới. McDonald's tung ra các gói bữa ăn giá rẻ, trong khi Wendy's đẩy mạnh chương trình khuyến mãi bữa sáng. Nhiều chuỗi nhà hàng cũng đầu tư mạnh vào công nghệ, phát triển ứng dụng đặt hàng và trải nghiệm số hóa để thu hút khách hàng trẻ.
Xu hướng đa dạng hóa thực đơn, hướng tới những món ăn lành mạnh cũng đang được chú trọng. Nhiều thương hiệu đã bắt đầu giới thiệu các sản phẩm thân thiện với sức khỏe như thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, hoặc các món ăn ít calo hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe.
Cuối cùng, nhiều thương hiệu đã thực hiện cắt giảm chi phí và tối ưu hóa quy trình vận hành để đối phó với chi phí lao động và nguyên liệu đầu vào tăng cao. Một số chuỗi nhà hàng đã thử nghiệm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động hóa quy trình giao hàng và quản lý tồn kho, giúp giảm thiểu chi phí nhân công và tăng cường hiệu suất.
Trong khi đó, tại Việt Nam, dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức, thị trường F&B vẫn được đánh giá là có tiềm năng lớn. Theo báo cáo của Cốc Cốc, có đến 45% người được hỏi cho biết họ sử dụng đồ ăn nhanh hàng ngày hoặc hàng tuần.
Các thương hiệu đồ ăn nhanh được yêu thích nhất tại Việt Nam là KFC, Jollibee, Lotteria và McDonald's, với KFC dẫn đầu về tỷ lệ ưa chuộng.
Điều này cho thấy dù có những biến động, thị trường vẫn còn nhiều cơ hội cho các thương hiệu biết thích nghi và đổi mới. Với thống kê doanh số đang nhích lên và cuối năm có thể đạt được tăng trưởng 5%-7% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ kinh tế vĩ mô ấm dần.