ĐHĐCĐ TPBank: Tái cơ cấu công ty tài chính Hafic thành công ty con, phát hành hơn 530 triệu cổ phiếu mới để tăng vốn
Sáng nay (26/4), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Ban lãnh đạo ngân hàng đánh giá năm 2021 mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng TPBank vẫn ghi nhận kết quả khả quan, lợi nhuận tăng trưởng 37% so với năm trước. Tăng trưởng tín dụng đạt hơn 21%, tổng tài sản tăng 42%, tăng trưởng huy động thị trường 1 đạt 22%. Đáng chú ý, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng tăng tới 90% so với năm 2020.
Tuy nhiên, việc tăng tài sản của TPBank gặp khó khăn do tăng trưởng tín dụng còn phụ thuộc vào chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước, NIM tín dụng của ngân hàng còn mỏng, ngân hàng còn trong quá trình tái cơ cấu.
Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú cho biết trong thời gian qua TPBank đã tăng cường mở rộng hệ sinh thái với việc nắm giữ 9,01% tỷ lệ sở hữu tại Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), tái cơ cấu Công ty tài chính Hafic để biến trở thành công ty con của TPBank.
Ông cho biết hiện đề án đã được Ban kiểm soát đặc biệt của NHNN phê duyệt và đang hoàn thiện các thủ tục để trình báo cáo Thủ tướng xem xét chấp thuận, dự kiến tháng 6/2022 sẽ hoàn thành hoạt động này.
Trong hai năm 2020, 2021, TPBank đã tham gia hỗ trợ tái cơ cấu với 4 quỹ tín dụng nhân dân yếu kém với số tiền gần 40 tỷ đồng. Trong tháng 12/2021, TPBank đã cùng với chi nhánh NHNN Đồng Nai giải ngân 100 tỷ đồng cho hai quỹ tín dụng nhân dân Tân Tiến và Thanh Bình.
Năm 2022, ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 36% đạt 8.200 tỷ đồng trên cơ sở tăng trưởng tín dụng (cả cho vay khách hàng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) đạt 18%. Hệ số ROE đạt mức 22,41%, CAR ở mức 13,39%.
Cùng với đó, tổng tài sản của ngân hàng dự kiến đạt 350.000 tỷ đồng, tăng 20% trong năm 2022; huy động vốn đạt 201.212 tỷ đồng, tăng 12%. Tỷ lệ nợ xấu không quá 1,5%.
Chia sẻ tại đại hội, Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng cho biết: Với hệ số CAR ở mức gần 14% trong khi quy định hiện tại theo Basel II là 8% và Basel III là 10,5%, TPBank có đủ không gian để tăng tỷ trọng tài sản có rủi ro cả trong năm 2022 và các năm sau.
Phát hành thêm hơn 530 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên 21.142 tỷ đồng
Ngân hàng dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 15.817 tỷ đồng lên 21.142 tỷ đồng thông qua hai đợt. Đợt 1, ngân hàng phát hành 527 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ3:1(cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới).
Đợt 2, ngân hàng phát hành 52,7 triệu cổ phiếu thưởng theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Số cổ phiếu này sẽ không được chuyển nhượng với các cán bộ cấp cao như thành viên HĐQT, thành viên Ban Kiểm soát và Tổng Giám đốc, bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm với các cổ đông còn lại.
Thảo luận:
Cổ đông: Hiện NHNN quy định mức đầu tư trái phiếu của ngân hàng không quá 5%. Xin ban lãnh đạo cho biết tín dụng đầu tư cho trái phiếu của TPBank là bao nhiêu?
Ông Nguyễn Hưng: Tôi xin đính chính lại là theo quy định của NHNN thì hạn mức 5% là quy định đối với khoản cho vay khách hàng đầu tư kinh doanh trái phiếu. Còn với TPDN đầu tư của ngân hàng thì được tính chung vào hạn mức tín dụng và NHNN cũng kiểm soát rất sát sao, đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính.
Cổ đông: Các ngân hàng đang đầu tư rất nhiều vào ngân hàng số vậy lợi thế của TPBank có bị mất dần hay không?
Ông Đỗ Anh Tú: Cách mạng 4.0 đã mang đến cho nền kinh tế động lực để phát triển, thúc đẩy toàn bộ thói quen người dùng. Việc tất cả các ngân hàng cùng đầu tư vào ngân hàng số sẽ tạo một thị trường phát triển. Có cạnh tranh thì thị trường càng phát triển và người nào tiên phong sẽ luôn có những lợi thế nhất định.TPBank đang đi trước nhiều ngân hàng một chặng đường khá xa, một số giải pháp TPBank đã triển khai cách đây 5 năm thì bây giờ mới có ngân hàng làm.
Ví dụ cũng là xe điện nhưng xe Tesla sẽ khác những xe khác, khi nhiều người phát triển thì càng nhiều người sử dụng xe điện và là điều tốt cho thị trường.
Trải nghiệm người dùng sẽ trả lời cho tất cả, cho thấy ưu thế của TPBank so với các ngân hàng khác.
Cổ đông: Hiện có thông tin siết tín dụng BĐS, điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao trong thời gian tới?
Ông Đỗ Minh Phú: Hiện tỷ lệ cho vay BĐS của TPBank là dưới 6%. Trong đó, các dự án BĐS hoặc khách hàng vay đều có tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh khả thi và được thẩm định kỹ càng. Cho tới thời điểm hiện tại sẽ không có rủi ro cho ngân hàng.
Cổ đông: Ngân hàng có đưa ra biện pháp quản lý giá cổ phiếu để đảm bảo lợi ích của cổ đông, xin ông chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
Ông Đỗ Minh Phú: Cổ phiếu TPB đã có sự tăng trưởng mạnh trong năm 2021, từ 27.800 - 40.000 đồng. Nếu tính cả những quyền lợi phát hành thêm thì giá trị cổ phiếu TPBank đã tăng 50%trong 1 năm.
Cổ đông: Tầm nhìn của TPBank trong năm 2025 ra sao, mức vốn hoá ngân hàng dự kiến bao nhiêu?
Ông Đỗ Minh Phú: Tại thời điểm này, nếu được thông qua thì vốn điều lệ là trên 21.000 tỷ đồng, tạm coi giá là 40.000 đồng/cp thì vốn hoá ước tính hơn 84.000 tỷ đồng, gần 4 tỷ USD. Nếu trong các năm tới, TPBank tiếp tục tăng vốn điều lệ thì vốn hoá của TPBank có thể tiếp tục tăng lên.
Đại diện cho Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare): Trong kế hoạch năm 2022 mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 18% trong khi hiện nay hạn mức được duyệt là 14%. Nếu không được nới room thì sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh ra sao?
Trong bối cảnh hiện tại, tỷ lệ nợ xấu có khả năng gia tăng, giải pháp của TPBank trong các năm tới để duy trì tỷ lệ nợ xấu tốt?
Ông Đỗ Minh Phú: Chúng tôi đã chủ động hạ mức tăng trưởng của năm 2022 từ mức hơn 21% xuống so với năm ngoái (18%). Giả sử không được nới room thì hụt 4%, tổng dư nợ tụt khoảng 7.200 tỷ bị thiếu. Với 3% margin thì chúng ta hụt khoảng 200 tỷ đồng, con số này không lớn so với sự nỗ lực và cố gắng của TPBank. Trong điều kiện như vậy, chắc chắc TPBank sẽ phải tính đến khả năng bù đắp từ những mảng khác.
Về vấn đề nợ xấu, các khoản tái cơ cấu theo Thông tư 01 ảnh hưởng từ COVID-19 vẫn phải trích lập đều đặn. Mức 1,5% là mức hoàn toàn nằm trong khả năng kiểm soát.
Đại hội thông qua tất cả tờ trình.