ĐHĐCĐ Bamboo Capital: Năm bùng nổ IPO loạt công ty con BCG Energy, BCG Land và Nguyễn Hoàng
Sáng 6/5, CTCP Bamboo Capital (Mã: BCG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên với 274 cổ đông tham dự, đại diện cho 252 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 56,6% số cổ phần có quyền biểu quyết, tính tới 8h sáng. Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.
Mục tiêu lợi nhuận đạt trên 2.000 tỷ đồng, hơn gấp đôi năm ngoái
Năm nay BCG đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất hơn 7.250 tỷ đồng, gấp 2,8 lần kết quả năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế dự kiến gấp 2,2 lần lên 2.200 tỷ đồng.
- TIN LIÊN QUAN
-
Bamboo Capital lên mục tiêu gấp đôi lợi nhuận và muốn huy động 5.000 tỷ đồng năm nay 18/04/2022 - 06:40
Kế hoạch tăng trưởng đột biến này dựa trên việc xác định năm 2022 là năm bùng nổ của BCG khi các dự án đã bắt đầu đi vào hoạt động trở lại và dòng doanh thu từ các dự án của năm 2021 sẽ được ghi nhận cho 2022 này.
Ngoài ra, tập đoàn cũng công bố chỉ tiêu kinh doanh cho giai đoạn 2022 – 2026 với lợi nhuận sau thuế năm 2026 kỳ vọng sẽ vượt mức 10.000 tỷ đồng.
Sẽ IPO BCG Energy sớm nhất vào cuối năm nay
Cụ thể với các công ty thành viên, BCG vẫn sẽ tập trung vào mảng năng lượng tái tạo, thông qua BCG Energy, để tăng tốc triển khai và đưa vào hoạt động những dự án mới, đặc biệt là các dự án điện gió khi quy hoạch điện VIII dự kiến sớm được công bố, Thành viên HĐQT Phạm Minh Tuấn cho hay. Mục tiêu sẽ triển khai 300 MW cánh đồng điện mặt trời, 150 MW điện mặt trời áp mái và 500 MW điện gió.
Tại đại hội, ông Tuấn cũng tiết lộ sẽ IPO BCG Energy vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023. Kế hoạch công bố trước đó công ty năng lượng này sẽ được IPO ra quốc tế trước năm 2025.
Bên cạnh đó, BCG Energy sẽ nghiên cứu mảng điện khí LNG và công nghệ dự trữ điện. Mục tiêu đạt được ít nhất 2.000 MW tổng sản lượng phát điện trong danh mục đến năm 2025.
IPO BCG Land vào cuối quý III và Nguyễn Hoàng vào quý IV
Với BCG Land, công ty sẽ nhanh chóng hoàn thiện các dự án còn đang dang dở trong năm 2021, để ghi nhận doanh thu cho năm 2022, đồng thời tìm kiếm cơ hội mở rộng quỹ đất.
Bên cạnh đó, công ty sẽ tham gia phát triển các dự án trong phân khúc khu công nghiệp. Dự kiến vào quý III, BCG Land sẽ hoàn thiện các thủ tục để trở thành công ty đại chúng và IPO.
Còn với Tracodi, doanh nghiệp này sẽ nỗ lực tiệm cận các dự án ngoài hệ sinh thái, các dự án thuộc chương trình PPP của chính phủ tại khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguyễn Hoàng, công ty sản xuất gỗ và xuất khẩu ra nước ngoài của tập đoàn, cũng được lên kế hoạch niêm yết vào quý IV tới.
Với mảng dược phẩm là Typharco, ông Phạm Minh Tuấn cho biết tập đoàn đang có chiến lược riêng với mảng này và đang nghiên cứu các sản phẩm mới.
Với mảng dịch vụ tài chính mà cụ thể là CTCP Bảo hiểm AAA, công ty sẽ mở rộng chi nhánh lên tổng cộng 51 và dự kiến có lãi 17 tỷ đồng.
Về kế hoạch cổ tức, năm nay, tập đoàn dự kiến chia cổ tức với tổng tỷ lệ 10% (5% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu). Đồng thời phát hành 5 triệu cp ESOP cho người lao động với giá 10.000 đồng/cp. Cho năm 2021, tỷ lệ cổ tức dự kiến là 10% gồm tiền mặt và cổ phiếu, thay vì 12% như ban đầu.
Dự kiến góp 5.000 tỷ đồng vào BCG Financial thông qua các đợt chào bán
Với kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng, năm nay, doanh nghiệp này dự kiến tăng vốn điều lệ từ 2.975 tỷ đồng vào cuối năm 2021 lên hơn 10.094 tỷ đồng tại cuối năm 2022. Tính đến cuối tháng 3, BCG có vốn điều lệ 4.463 tỷ đồng, còn tính tới ngày 18/4 thì vốn trên 5.000 tỷ đồng.
Việc tăng vốn sẽ diễn ra theo hai hình thức, đó là chào bán hơn 268,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, và phát hành 250 triệu cổ phiếu ra công chúng theo hình thức đấu giá. 250 triệu cổ phiếu được đấu giá này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Như vậy, tổng giá trị cổ phần dự kiến phát hành ra công chúng tính theo mệnh giá là 5.183 tỷ đồng.
Lãnh đạo BCG cho biết, trong toàn bộ số tiền thu được, 5.000 tỷ đồng sẽ thực hiện góp vốn vào BCG Finanical nhằm tăng vốn cho Bảo hiểm AAA, phát triển thêm các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, hướng đến mục tiêu niêm yết trong 3 năm tới.
Thông qua BCG Financial, BCG cũng sẽ đầu tư thêm mảng fintech của Công ty Bamboo ID để phát triển ứng dụng ngân hàng số, đầu tư dài hạn vào mảng ngân hàng và M&A các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính.
Về nhân sự, đại hội đã thông qua đơn miễn nhiệm thành viên HĐQT của ông Khuất Tuấn Anh và bầu bổ sung ông Nguyễn Tùng Lâm vào HĐQT BCG nhiệm kỳ 2022-2026.
Thảo luận:
Câu hỏi: Việc chính phủ dự kiến có các khung pháp lý về siết lại phát hành trái phiếu có ảnh hưởng gì đến BCG?
Với tình hình như hiện tại, BCG sẽ phân bổ nguồn vốn thông minh hơn, thay vì tập trung vào nợ vay ngân hàng và từ trái phiếu, tập đoàn sẽ tăng nguồn vốn tự có, đảm bảo cho các dự án BĐS được diễn ra suôn sẻ. Đó là lí do IPO BCG Land vào cuối quý III.
Quy mô hiện tại của công ty BĐS của tập đoàn là 4.600 tỷ và sẽ tăng lên 6.600 tỷ sau đó tiến hành niêm yết để đa dạng nguồn vốn CSH.
Ông Nguyễn Hỗ Nam khẳng định, sắp tới không phải siết trái phiếu mà chỉ tạo ra khung pháp lý an toàn hơn, bảo vệ cho cả nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp phát hành.
Thời gian qua BCG phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu, trong đó 80-90% dành cho các dự án năng lượng. Sắp tới, khung pháp lý trong vòng 1 - 2 tháng nữa sẽ được ban hành.
Lượng trái phiếu của BCG là 9.000 tỷ trong tổng 40.000 tỷ đồng nguồn vốn, ông Nam cho rằng đây là an toàn. Thực tế, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đã giảm từ 7,4 vào năm 2020 xuống 3,5 lần năm 2021 và 2,7 lần vào cuối quý I vừa rồi đã minh chứng rất tốt hoạt động của công ty.
Trong năm nay BCG sẽ đưa tỷ lệ này xuống 2 và đây là chỉ số an toàn và nếu tốt hơn nữa sẽ giảm xuống dưới 1.
Kế hoạch mảng BĐS nghỉ dưỡng của tập đoàn trong thời gian tới?
Ngoài các dự án đang thực hiện, công ty đang phát triển dự án thêm ở Đăk Nông và đang đề xuất quy hoạch khu nghỉ dưỡng 800 ha cùng một số dự án BĐS khác ở khu vực Long An, Sóc Trăng.
Năm 2022-2025, không những BĐS nghỉ dưỡng, tập đoàn chuẩn bị quỹ đất để xây dựng khu đô thị với quy mô lớn hơn. Các KCN lớn như tại KCN Cát Trinh – hiện đang chuẩn bị thực hiện. Đồng thời đề xuất quy hoạch KCN tại Tân An và tại Bến Tre.
BCG sẽ nắm BCG Land bao nhiêu phần trăm sau khi công ty này IPO?
BCG đang nắm 62% BCG Land, 30% nắm bởi Tracodi. Dự kiến sau IPO, BCG sẽ nắm 51% BCG Land.
Dự án Malibu đã bàn giao đến đâu, bao giờ bàn giao tại Hội An D’or?
Dự án Malibu trong tháng 7 sẽ hoàn thiện phần khách sạn và đưa vào vận hành. Việc bán hàng đã bán xong. Villa có 90 căn và sẽ bắt đầu được bán trong 1-2 tháng sắp tới. Dự án Hội An D’or, phần shophouse bán được 90% và sẽ đẩy nhanh bàn giao trong 18 tháng tới.
BCG có ý định bán 90 triệu cổ phiếu của TPBank không sau khi hết hạn hạn chế chuyển nhượng không?
Chúng tôi sẽ cân nhắc thêm để bán nhằm có nguồn vốn cho Tracodi. Chúng tôi tự tin Tracodi sẽ hoàn thành kế hoạch cả năm vừa được giao.
Kế hoạch huy động vốn từ nay đến 2025?
Từ năm 2023, tập đoàn sẽ theo hướng tăng lợi nhuận giữ lại (chia cổ tức bằng cổ phiếu) và hạn chế phát hành tăng vốn để đảm bảo chiến lược của BCG.
Dự kiến vốn CSH năm 2023 là 29.000 tỷ và đến năm 2026 là 56.000 tỷ đồng trên tổng tài sản lúc đó là 128.000 tỷ đồng.
Biến động giá cổ phiếu BCG về mức hấp dẫn, tại sao ban lãnh đạo không mua vào?
Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam cho biết, đa phần Thành viên HĐQT đều là cổ đông lớn và cam kết đồng hành dài hạn cùng tập đoàn. Do đó việc mua bán trên thị trường không phải ưu tiên của Ban quản trị, việc của chúng tôi là tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, giải quyết vấn đề quản trị. "Chúng tôi không phải là trader trên thị trường", ông Nam khẳng định.
"Riêng tôi nắm trên 22% cổ phần. Tôi dành việc trading cổ phiếu này cho các cổ đông đại chúng quyết định việc đầu tư hay không đầu tư vào tập đoàn", người đứng đầu BCG nói.
Liệu có xung đột lợi ích khi BCG thoái vốn dự án Amor Garden cho R&H của Vinahud?
Lúc đó, BCG có ba dự án tại Hội An. Tuy nhiên do nhìn thấy cơ hội tốt hơn nên tập đoàn thoái vốn Amor Garden để đầu tư qua Hội An D'Or và việc thoái vốn cho R&H (cổ đông chính của Vinahud).
Mặc dù đã thoái vốn nhưng Vinahud cũng muốn BCG tham gia góp ý, quản trị nên họ đã có nhã ý mời BCG góp cổ phần vào Vinahud.
Cá nhân ông Nam đã góp 10% vào Vinahud với thiện chí là BCG sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Vinahud trong công tác triển khai dự án nói trên dù đã chuyển giao. "Tôi cho rằng đây không phải mâu thuẫn lợi ích mà là hy sinh cá nhân", ông Nam nói.
Đây cũng là cơ hội để Tracodi thành tổng thầu triển triển khai các dự án của Vinahud ở Hòa Bình, Hà Nội, Quảng Nam – nơi Tracodi chưa có thế mạnh ở phía Bắc và miền Trung.