Dầu Tường An trước thềm hủy niêm yết: Tuyên bố sẽ vượt mặt Calofic để thành quán quân thị phần
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông báo về việc hủy đăng ký công ty đại chúng đối với CTCP Dầu thực vật Tường An (Mã: TAC).
Trước đó kế hoạch này đã được Tập đoàn KIDO – công ty mẹ của Tường An hé lộ đến cổ đông vào năm 2020 rồi sau đó được ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 của Tường An thông qua.
Mới đây nhất tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của Tập đoàn KIDO, cổ đông cũng đã thông qua giao dịch mua cổ phiếu TAC để nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty con này lên 100% mà không phải chào mua công khai.
Tại thời điểm 31/12/2021, KIDO sở hữu trực tiếp và gián tiếp 85,07% vốn tại Tường An. Lãnh đạo KIDO cho biết việc mua thêm là để phù hợp với định hướng chiến lược kinh doanh thay đổi, phục vụ cho việc chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Thương hiệu Tường An có mặt tại Việt Nam hơn nửa thế kỷ, nắm giữ 39% thị phần dầu ăn Việt Nam
Thương hiệu Tường An xuất hiện từ trước năm 1975, do một người Hoa làm chủ. Sau giải phóng, cơ sở được nhà nước tiếp quản, được cổ phần hóa vào năm 2004 rồi sau đó chính thức niêm yết trên sàn HOSE từ cuối năm 2006 với số vốn điều lệ gần 190 tỷ đồng.
Lúc đó, cơ cấu cổ đông của Tường An gồm 51% cổ phần được nắm giữ bởi nhà nước, hơn 21% do bà Đặng Thị Thu, ông Nguyễn Hữu Sức cùng 538 cổ đông sở hữu.
Hoạt động tại Việt Nam hơn nửa thế kỷ, vì vậy mà thương hiệu Dầu Tường An cũng không còn quá xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam, bởi dầu thực vật là thứ thiết yếu trong mỗi bữa ăn của người Việt.
Ngay tại thời điểm cuối năm 2006 khi lên sàn, Tường An cũng đã có vị thế tại thị trường nội địa khi nắm tới hơn 35% thị phần.
Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Thành viên HĐQT của Tường An, kiêm Phó Tổng Giám đốc tại KIDO nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của dầu thực vật đối với sức khỏe của người tiêu dùng.
Bà Liễu dẫn thông tin mới nhất từ báo cáo của Tổ chức WHO rằng mức tiêu thụ của mỗi người là 13,5 kg/năm thì mới đảm bảo sức khỏe, song ở Việt Nam là 11 kg/người/năm. Do đó dư địa ngành dầu ăn còn rất lớn, khi mà xã hội đang từng ngày phát triển.
Qua hơn nửa thế kỷ hoạt động và dưới sự hỗ trợ của ông lớn KIDO, Dầu Tường An chưa bao giờ thua lỗ (tạm tính kể từ khi lên sàn vào năm 2006), thậm chí có lúc tăng trưởng gấp đôi so với năm trước đó. Còn doanh thu hầu như đều đi lên, trên 4.000 tỷ đồng mỗi năm.
Đỉnh điểm năm 2021 vừa qua, là lúc đại dịch COVID-19 càn quét hầu hết các ngành hàng, giá nguyên vật liệu cùng với chi phí logistics bị đội lên, Tường An vẫn có một năm lãi kỷ lục với 178 tỷ đồng sau thuế, doanh thu đạt hơn 6.300 tỷ đồng.
Nói rõ hơn về năm 2021, vấn đề logisics là một trong những vấn đề nhức nhối toàn cầu vì thiếu container, mọi hoạt động giao thương hầu hết bị đình trệ, trong khi dầu ăn là thực phẩm thiết yếu hằng ngày.
Tường An cho biết họ có nhà cung cấp nguyên liệu chuyên biệt tại Indonesia và Malaysia, dầu được chở bằng tàu chuyên dụng. Mỗi chuyến hàng như vậy có thể nhập khẩu từ 10.000 đến 20.000 tấn nguyên liệu nên việc đứt gãy chuỗi cung ứng không ảnh hưởng nhiều đến Tường An.
Ngược lại, giá nguyên liệu tăng cao liên tục mới là thứ khiến Tường An đau đầu khi giá dầu ăn đầu vào của năm 2021 tăng 67% - cao nhất trong 10 năm gần đây, mà giá bán không thể tăng theo, do người tiêu dùng không chấp nhận điều đó. Điều này đẩy Tường An đến việc đề ra kế hoạch thận trọng hơn trong việc nhập khẩu nguyên liệu.
Kết quả là, Tường An đã vượt bão thành công, báo lãi kỷ lục và nâng thị phần của mình từ mức 30% lên 39% trong năm 2021, đứng thứ hai chỉ sau Calofic.
Tham vọng vượt mặt Calofic, chiếm lĩnh thị phần dầu số 1 tại Việt Nam
Sau mấy thập kỷ hoạt động, bà Xuân Liễu thừa nhận trên bản đồ thị trường dầu ăn, Tường An mới ở vị trí thứ hai, vẫn xếp sau Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (Calofic) – đơn vị với loạt nhãn hiệu dầu ăn Neptune, Simply, Meizan, Kiddy, Cái Lân.
Tuy nhiên, lãnh đạo công ty nhấn mạnh thương hiệu của KIDO (gồm cả Tường An) chiếm lĩnh thị trường phía Nam còn khu vực phía Bắc là nơi Calofic có nhiều ưu thế hơn. Theo bà Liễu, công ty đang đẩy mạnh sự hiện diện tại miền Bắc.
"Chúng tôi kỳ vọng chiếm lĩnh thị trường phía Bắc để giành vị trí số một ngành dầu ăn”
Theo kế hoạch công bố, khi sáp nhập vào công ty mẹ KIDO, Tường An chỉ chịu trách nhiệm sản xuất, còn tập đoàn sẽ phụ trách các khâu bán hàng, phân phối, marketing, quảng bá thương hiệu – vốn là thế mạnh của công ty.
Hiện Tường An xin hoãn ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Còn năm 2021, Tường An đã công bố kế hoạch chi hơn 900 tỷ đồng để nâng cấp - mở rộng nhà máy dầu Phú Mỹ (Bà Rịa Vũng Tàu) và Vinh (Nghệ An).
Trong đó, tại nhà máy ở Vinh, công ty sẽ mở rộng diện tích xây dựng nhà máy từ 8.800 m2 lên 17.000 m2, nâng công suất từ 40.000 tấn/năm lên 150.000 tấn/năm nhằm tiết giảm chi phí sản xuất và logistics, đồng thời gia tăng năng lực cung ứng hàng hóa cho thị trường miền Bắc và miền Trung.
Kế hoạch này nhằm chuẩn bị cho trận đấu trực diện với đối thủ Calofic ở thị trường miền Bắc.
Nói thêm, Calofic được thành lập từ năm 1996, có vốn điều lệ 2.677 tỷ đồng tính đến tháng 9/2020 (trong khi cuối năm 2021, vốn điều lệ của Tường An gần 339 tỷ đồng).Calofic là một trong những công ty đặt nền móng cho ngành công nghiệp sản xuất và chế biến dầu thực vật tại Việt Nam. Công ty này đang có hai nhà máy sản xuất đặt tại tỉnh Quảng Ninh, TP HCM với tổng công suất lên đến 2.300 tấn/ ngày đêm
Hai đơn vị sở hữu vốn tại Calofic là Vocarimex (nắm 24% cổ phần), còn lại là Tập đoàn Wilmar (Singapore). Đáng chú ý, Vocarimex là thành viên của KIDO, và tập đoàn này đang có kế hoạch nâng sở hữu từ 87,29% lên 100% cổ phần của Vocarimex mà không phải chào mua công khai.
Do đó, KIDO mới chính là ông trùm của ngành dầu ăn Việt Nam khi nắm cổ phần trực tiếp và gián tiếp tại các doanh nghiệp top đầu thị phần.