|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đầu tư FDI: Điểm sáng trong bức tranh kinh tế vĩ mô 2025

10:00 | 25/01/2025
Chia sẻ
Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ kéo dài sau khi Tổng thống Trump trở lại nắm quyền tạo thuận lợi cho thu hút vốn đầu tư FDI vào Việt Nam năm 2025.

Sau thành công khi giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt mức kỷ lục năm 2024, Việt Nam được dự báo vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI.

Trong năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 38,23 tỷ USD, giảm nhẹ 3% so với năm 2023 song yếu tố quan trọng hơn là vốn FDI thực hiện lại cao kỷ lục, 25,35 tỷ USD cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Bất chấp xu hướng sụt giảm của đầu tư FDI trên toàn cầu, vốn FDI giải ngân tại Việt Nam vẫn tăng 9,4% nhờ những yếu tố thuận lợi. Trong đó, làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc, lợi thế chi phí đầu vào tương đối thấp, nhân khẩu học thuận lợi và những nỗ lực thu hút đầu tư của Việt Nam là những yếu tố quan trọng để Việt Nam duy trì sức cạnh tranh trong thu hút FDI.

Bên cạnh đó, Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ vào tháng 9/2023 cũng giúp dòng vốn FDI từ Mỹ tăng trưởng mạnh hơn. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia, gồm: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Malaysia.

 

Năm 2025, FDI vẫn sẽ là điểm sáng

Với năm 2025, hầu hết các dự báo đều cho rằng, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo đánh giá của các nhà phân tích từ VNDirect, các chính sách bảo hộ sắp tới của Trump sẽ không tác động đáng kể đến triển vọng FDI của Việt Nam, do Việt Nam không phải là mục tiêu chính của thuế quan Mỹ.

Ngoài ra, trong trung và dài hạn, thu hút FDI của Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực nhờ: Việc củng cố bộ máy lãnh đạo sẽ đẩy nhanh cải cách và ban hành chính sách hỗ trợ, chính sách đột phá thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, khoa học, công nghệ và chuyển đổi số; Triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và Cơ sở hạ tầng kinh tế được cải thiện nhờ chiến lược đầu tư công “có chọn lọc”.

Đồng thời, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ vị trí chiến lược gần miền Nam Trung Quốc, nền kinh tế định hướng xuất khẩu, tham gia nhiều FTA và trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới.

 Giá điện tại Việt Nam và một số đối thủ thu hút FDI trong khu vực. (Nguồn: Mirae Asset).

Chi phí kho bãi tại Việt Nam so với một số quốc gia. (Nguồn: Mirae Asset).

Tuy nhiên, các yếu tố cạnh tranh thu hút FDI trước đây như chi phí lao động thấp, chi phí khác thấp (đất, điện, nước) đã suy giảm và không còn đủ sức thu hút các dự án công nghệ cao. Để đạt được bước đột phá về tăng trưởng kinh tế trong hai thập kỷ tới và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu thay vì việc chỉ gia công, lắp ráp đơn giản.

Do đó, Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách chính phủ và ban hành các chính sách chưa từng có như: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là yếu tố quan trọng đột phá hay Chính phủ ban hành Nghị định 182 để thu hút FDI vào lĩnh vực bán dẫn, AI và công nghệ cao.

Với Nghị định 182 ban hành ngày 31/12/2024, doanh nghiệp có thể được hỗ trợ tới 50% chi phí đầu tư ban đầu cho các công ty có dự án bán dẫn và nghiên cứu trong lĩnh vực AI từ “Quỹ hỗ trợ đầu tư”.

Để nhận được hỗ trợ của Chính phủ, dự án trung tâm nghiên cứu của doanh nghiệp phải nằm trong danh mục công nghệ cao được ưu tiên, có vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỷ đồng và giải ngân ít nhất 1.000 tỷ đồng trong vòng ba năm kể từ ngày quyết định đầu tư.

Như vậy, các dự án đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn và AI tại Việt Nam như trường hợp của NVIDIA có thể nhận được ưu đãi đặc biệt. Những chính sách như vậy, kỳ vọng sẽ thu hút hàng loạt "đại bàng" FDI trong lĩnh vực công nghệ cao để cùng lan toả, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao trong nước.

Ba yếu tố Việt Nam cần cải thiện

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). (Ảnh: ADB).

Bàn về những yếu tố để thu hút FDI, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh, trong một vài năm tới, các doanh nghiệp FDI chắc vẫn sẽ coi Việt Nam là một điểm điểm hấp dẫn trong cái bối cảnh là cái chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc do cái căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp diễn.

Tuy nhiên, về dài hạn thì yếu tố rất quan trọng là đầu tư vào hạ tầng và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bởi xu hướng chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới nhưng không chỉ riêng Việt Nam mà các nước Đông Nam Á đều được hưởng lợi từ xu hướng này.

"Cơ hội cho Việt Nam để duy trì dòng vốn FDI đăng ký mới là vẫn có nhưng nếu chúng ta không đáp ứng được các yêu cầu về hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh thông thoáng, thủ tục nhanh gọn thì Việt Nam sẽ chậm chân trong cuộc đua này", ông Hùng nói.

Với tình trạng hạ tầng chậm phát triển, trong khi các doanh nghiệp FDI tiếp tục đổ vào với dung lượng lớn thì hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp sẽ giảm và sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam cũng giảm đi.

Vì vậy, để duy trì được lợi thế trong thu hút vốn đầu tư FDI thì hạ tầng rất quan trọng, không chỉ hạ tầng giao thông mà còn hạ tầng năng lượng, bao gồm cả năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. "Một số nhà đầu tư họ rất quan tâm đến nguồn cung ứng năng lượng tái tạo để đáp ứng yêu cầu xanh hoá, phát triển bền vững mà họ theo đuổi", chuyên gia Nguyễn Bá Hùng cho hay.  

Thứ hai là nguồn nhân lực, Việt Nam đã đến ngưỡng cuối của dân số vàng, khả năng tăng được số lượng lao động là không như trước nên bây giờ phải tập trung vào chất lượng lao động. Muốn làm được điều này, Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng đào tạo lao động cũng như nâng cao sự sẵn sàng để hỗ trợ cho nhà đầu tư FDI trong việc tuyển dụng.

Nhiều nhà đầu tư FDI phản ánh họ gặp khó khăn trong việc tìm nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong số hơn 50 triệu lao động trong nước, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ mới chỉ đạt 28,3%.

Thứ ba là, tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Chuyên gia nhấn mạnh, phải làm sao để doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng, đáp ứng cho cái chuỗi sản xuất của đầu tư nước ngoài, tạo sự gắn bó hơn với doanh nghiệp Việt Nam để vừa đạt hiệu quả kinh tế là khi mà doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn cung tại chỗ thay vì nhập khẩu từ bên ngoài và tiếp tục duy trì sự hút đầu tư của Việt Nam.

Hạ An

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.