'Cuốc xe' thập kỷ của Grab tại Việt Nam
Ngày 8/10, Grab kỷ niệm 10 năm hoạt động tại Việt Nam. Trả lời phỏng vấn trên CNBC gần đây, ông Anthony Tan - Sáng lập kiêm CEO, nhớ lại thời điểm nền tảng mới vào Việt Nam năm 2014, ông phải thức dậy từ 4h sáng, đứng tại các điểm bán xăng để phát tờ rơi cho các tài xế xe ôm, quảng cáo về Grab.
10 năm qua, không chỉ dừng lại ở một ứng dụng gọi xe hay đặt đồ ăn, Grab đã trở thành một động từ thông dụng dùng chung để gọi hành động đặt xe công nghệ qua ứng dụng, tương tự "Honda" để chỉ xe máy tại các địa phương phía Nam.
Trong một thập kỷ qua, Grab gần như là cái tên duy nhất còn lại chứng kiến thời cuộc "vật đổi sao rời" trên thị trường vận tải Việt Nam nói chung và gọi xe công nghệ nói riêng.
Vận tải truyền thống
Năm 2014, Grab chính thức vào Việt Nam, rất nhanh sau đó đã làm thay đổi thói quen người dùng. Ngay từ những ngày đầu, Grab đã chứng minh được sức mạnh của mình thông qua việc cung cấp dịch vụ gọi xe nhanh chóng và dễ dàng chỉ với vài cú chạm trên điện thoại.
Các chương trình khuyến mãi như "Đi hai chuyến tính tiền một" hay "giảm giá 50% cho chuyến thứ hai" đã giúp Grab tạo ra sức hút ban đầu đối với người dùng. Và những khoản trợ giá "đốt tiền" để thị trường làm quen với khái niệm đặt xe công nghệ của Grab đã khiến những doanh nghiệp vận tải truyền thống "đứng ngồi không yên".
Tháng 6/2017, Vinasun khởi kiện Grab với cáo buộc cho rằng nền tảng này hoạt động như một công ty vận tải, khiến doanh thu của họ giảm mạnh. Grab phủ nhận cáo buộc, khẳng định sự sụt giảm của Vinasun là do thay đổi hành vi tiêu dùng cùng sự phát triển công nghệ.
Sau vụ kiện, Vinasun tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong cạnh tranh khi lợi nhuận liên tục đi lùi trong giai đoạn 2017 - 2021, buộc hãng taxi này phải thay đổi cách thức hoạt động như ra mắt ứng dụng gọi xe riêng, thanh toán online,...
Không chỉ Vinasun, nhiều hãng taxi truyền thống khác cũng phải thay đổi chiến lược kinh doanh trước sức ép từ các nền tảng công nghệ như Grab. Chẳng hạn sự ra đời của G7 Taxi vào năm 2018, kết hợp ba hãng taxi lớn tại Hà Nội nhằm tạo ra một sức mạnh cạnh tranh mới. G7 Taxi không chỉ cung cấp dịch vụ gọi xe qua ứng dụng mà còn cố gắng cải thiện chất lượng phục vụ để thu hút lại khách hàng đã rời bỏ họ.
Thời điểm đó, Hà Nội có khoảng 70 hãng taxi với 17.000 xe. Giữa năm 2018, 40 hãng taxi truyền thống biến mất khỏi thị trường, trong khi Grab có 70.000 phương tiện đăng ký chính thức.
Theo khảo sát của Q&Me vào tháng 5/2021, taxi công nghệ đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội. Tại TP HCM, chỉ có 7% người dùng ưu tiên sử dụng taxi truyền thống, con số này ở Hà Nội là 16% và các thành phố khác là 30%.
Sự thành công của taxi công nghệ đến từ nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là sự tiện lợi khi đặt xe qua ứng dụng (68%), giá cả minh bạch (55%) và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn (47%).
Trong cuộc đua này, Grab đã vươn lên dẫn đầu với 66% thị phần xe công nghệ bốn bánh tại Việt Nam. Đối với taxi truyền thống, Mai Linh và Vinasun vẫn giữ vị trí hàng đầu với tỷ lệ sử dụng lần lượt là 30% và 14%.
Xu hướng này cũng được phản ánh rõ nét trong lĩnh vực xe ôm, với 50% người dùng ưu tiên sử dụng xe ôm công nghệ. Grab tiếp tục thống trị thị trường này với 60% thị phần, theo sau là Gojek với 19%, tính tới giữa năm 2021.
Đối thủ rời đi
Bên cạnh đối trọng với taxi truyền thống, Grab có thể được xem là "Rival Killer" (kẻ hạ gục đối thủ - PV) với những lần chứng kiến đối thủ cạnh tranh phải rời bỏ cuộc chơi.
Đầu tiên là cuộc chiến giữa Grab và Uber. Khi bước vào thị trường, Grab không phải là kẻ duy nhất khi phải chia sẻ miếng bánh gọi xe cho Uber. Tuy nhiên, vào năm 2018, Grab đã mua lại mảng kinh doanh Đông Nam Á của Uber.
Sự kiện này không chỉ củng cố vị thế của Grab mà còn tạo ra một cuộc đua mới giữa các ứng dụng gọi xe công nghệ khác. Sau khi Uber rời thị trường, Grab trở thành đơn vị gần như duy nhất có mặt trong lĩnh vực gọi xe công nghệ tại Việt Nam.
Điều này không chỉ mang lại lợi thế về thị phần mà còn tạo ra nhiều cơ hội để Grab mở rộng các dịch vụ khác như giao đồ ăn (GrabFood), đi chợ online (GrabMart) và thanh toán điện tử (hợp tác chiến lược với Moca).... Doanh thu của Grab tại Việt Nam đã đạt khoảng 1 tỷ USD vào năm 2022, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của nền tảng này.
Mới đây, sau gần 6 năm xuất hiện tại thị trường, Gojek - một ứng dụng gọi xe đến từ Indonesia, cũng đã nói lời chia tay Việt Nam. Mặc dù ban đầu Gojek thu hút được sự chú ý nhờ vào các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và chất lượng dịch vụ tốt, nhưng hãng này nhanh chóng gặp khó khăn trong việc duy trì vị thế cạnh tranh trước người dẫn đầu là Grab và các tân binh như Xanh SM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hay Be Group - một nền tảng thuần Việt.
Bối cảnh mới
Hiện tại, chỉ còn duy nhất Grab là tên tuổi gọi xe nước ngoài khẳng định được vị thế của mình ở Việt Nam. Các đối thủ cạnh tranh của "kỳ lân" Đông Nam Á chỉ còn là các nền tảng trong nước.
Theo báo cáo "Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024" được công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, 42% người Việt lựa chọn Grab khi muốn sử dụng dịch vụ di chuyển bằng xe máy, theo sau là Be với khoảng 32% thị phần trong lĩnh vực gọi xe công nghệ.
Mới nhất, Grab chứng kiến sự xuất hiện của Xanh SM - một tân binh đáng gờm. Dù chỉ mới ra mắt hồi tháng 4/2023, song hãng vận tải thuộc sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với đội xe lên tới 30.000 taxi điện và hàng chục nghìn xe máy điện.
Sự xuất hiện của Xanh SM không chỉ làm tăng tính cạnh tranh giữa các ứng dụng gọi xe mà còn thúc đẩy xu hướng sử dụng phương tiện xanh và bền vững trong vận tải. Báo cáo của Q&Me chỉ ra Xanh SM sở hữu 19% thị phần lĩnh vực gọi xe.
Theo dự báo từ Mordor Intelligence, quy mô thị trường này sẽ đạt khoảng 2,16 tỷ USD vào năm 2029 với tốc độ tăng trưởng hàng năm lên tới 19,5%. Điều này cho thấy tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp trong ngành vận tải công nghệ.
Tính đến quý IV/2023, dù Grab nắm hơn 50% thị phần song đã chứng kiến hơi nóng từ tân binh Xanh SM với gần 20% thị phần - đứng thứ hai toàn ngành. Be Group ở vị trí thứ ba với gần 10%.