Cuộc chiến sống còn trên thị trường chuỗi cà phê đông đúc: Mở rộng nhanh, mặt bằng đẹp có còn là chiến lược ‘ăn tiền’?
Theo Tech in Asia, phần lớn du khách khi đến Hà Nội, đều không bỏ lỡ cơ hội ghé thăm Giảng Cafe - một quán cà phê nhỏ nằm nép mình trong một con hẻm bình yên. Họ đến đây để thưởng thức món cà phê trứng đặc trưng. Điều thú vị là Giảng Cafe chỉ có vỏn vẹn hai chi nhánh trên toàn quốc, là minh chứng rõ nét cho việc trung thành với giá trị truyền thống thay vì chạy theo xu hướng mở rộng.
Những quán cà phê địa phương như thế vẫn giữ được sức hút riêng, ngay cả khi các chuỗi cà phê hiện đại nhắm đến giới trẻ đang phát triển như vũ bão. Không chỉ tại Việt Nam, các chuỗi cà phê khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ số đang bùng nổ trên khắp Đông Nam Á.
Theo báo cáo của Momentum Works, trong năm ngoái, người tiêu dùng khu vực đã chi tới 3,4 tỷ USD cho "cà phê hiện đại" - chỉ các mô hình kinh doanh cà phê không theo lối truyền thống có 1-2 cửa hàng.
Cuộc cạnh tranh giành thị phần chuỗi đồ uống trong khu vực đang nóng lên nhanh chóng. Các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng tham gia vào cuộc đua này. Mở rộng thị trường một cách táo bạo, dù tiềm ẩn nhiều rủi ro, dường như là chiến lược chung của hầu hết các chuỗi cà phê này nhằm tìm kiếm lợi nhuận bền vững trong ngành F&B đầy cạnh tranh.
'Cold Brew' - khi làn sóng đầu tư hạ nhiệt
Cũng giống như các lĩnh vực khởi nghiệp khác, các startup cà phê cũng đang trải qua giai đoạn khó khăn của "mùa đông công nghệ". Theo số liệu từ Tech in Asia, vốn đầu tư vào lĩnh vực này đã vượt 112 triệu USD vào năm 2021 nhưng giảm mạnh 63% vào năm 2022, trước khi có sự phục hồi nhẹ vào năm ngoái.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng 96 triệu USD trong tổng số vốn đầu tư năm 2021 thuộc về Kopi Kenangan. Chuỗi cà phê của Indonesia này đã huy động được số vốn khổng lồ trong vòng gọi vốn Series C, giúp họ đạt định giá “kỳ lân” (trên 1 tỷ USD).
Mặc dù tổng vốn đầu tư giảm, dữ liệu từ Tech in Asia cho thấy trong năm ngoái, các công ty vận hành chuỗi cà phê vẫn chiếm hơn một nửa tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực F&B tại Đông Nam Á. Một trong những thương vụ lớn nhất năm 2023 là của Pickup Coffee, một chuỗi cà phê Philippines mới thành lập năm 2022, với các sản phẩm có giá chỉ từ 50 đến 100 peso (tương đương 0,90 đến 1,80 USD).
Tính đến thời điểm hiện tại, các startup cà phê đã huy động được 68 triệu USD vốn đầu tư công bố trong năm nay, trong đó phần lớn thuộc về Zus Coffee của Malaysia với vòng gọi vốn 57,5 triệu USD. Phần còn lại được đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ hơn trong nước.
Một ngôi sao đang lên tại Indonesia là "quán cà phê di động" Jago Coffee, đã gọi vốn thành công 6 triệu USD trong vòng Series A đầu năm nay. Công ty vận hành một đội xe cà phê chạy bằng điện, di chuyển khắp Jakarta. Khách hàng có thể dùng ứng dụng Jago để tìm kiếm xe gần nhất, đặt hàng và nhận cà phê chỉ trong 15 phút.
Koppiku của Malaysia cũng đang phát triển mạnh với 18 cửa hàng trên toàn quốc. Công ty nhận được sự hậu thuẫn từ các nhà đầu tư như Hann Yeoh - đối tác quản lý của AC Ventures và Antifragile Ventures - những người cũng đã đầu tư vào Pickup Coffee. Đầu năm nay, Koppiku đã huy động được 2,5 triệu USD.
Startup công nghệ thực phẩm Prefer đã nhận được 2 triệu USD còn lại trong số vốn đầu tư công bố năm nay dành cho chuỗi cà phê. Công ty có trụ sở tại Singapore này cho biết họ sử dụng công nghệ lên men để sản xuất "cà phê không hạt", giảm 90% lượng khí thải carbon dioxide so với phương pháp truyền thống.
Tại Việt Nam, Every Half Coffee Roasters, với chuỗi 8 cửa hàng tại TP HCM, đã nhận được khoản đầu tư không được tiết lộ từ Openspace Ventures và DSG Consumer Partners. Công ty hướng đến mục tiêu hỗ trợ nông dân địa phương trồng và phát triển các giống cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mở rộng nhanh không còn được ưu tiên
Starbucks, dù vừa thay đổi CEO toàn cầu, vẫn được xem là một thương hiệu cà phê cao cấp tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ cả các chuỗi cà phê nội địa và các thương hiệu Trung Quốc đang mở rộng vào khu vực với chiến lược giá cả phải chăng.
Tình hình chính trị cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi cà phê nổi tiếng toàn cầu này tại Đông Nam Á. Tháng 10/2023, một số khách hàng tại Indonesia và Malaysia, những quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi, đã tẩy chay Starbucks do cho rằng thương hiệu này ủng hộ Israel trong cuộc xung đột Israel-Palestine.
Sự phản đối này dường như đã tác động đến lợi nhuận của công ty, khi nhà điều hành tại Malaysia báo cáo khoản lỗ ròng 8,8 triệu USD trong quý II vừa qua. Liệu các đối thủ địa phương có thể tận dụng cơ hội từ tình hình của Starbucks hay không vẫn còn là một câu hỏi mở.
Hiện tại, nhiều chuỗi cà phê nội địa đang tập trung vào việc mở rộng, một chiến lược quan trọng để chứng minh cho số vốn đầu tư lớn mà họ đã huy động được. Zus Coffee của Malaysia là một trong những cái tên nổi bật, có thể trở thành chuỗi cà phê nội địa đầu tiên được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trong nước.
Công ty hiện có 500 chi nhánh tại thị trường quê nhà (vượt qua cả Starbucks), 30 chi nhánh tại Philippines và dự kiến mở thêm một chi nhánh tại Singapore trước cuối năm nay. Tương tự, Kopi Kenangan và Fore Coffee của Indonesia cũng đã mở rộng ra ngoài biên giới trong những năm gần đây.
Sau khi đạt 150 cửa hàng tại Indonesia, Kopi Kenangan đã tiến vào Malaysia vào năm 2022 và Singapore vào năm ngoái. Trong khi đó, Fore Coffee đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Singapore vào cuối năm 2023 và dự định mở thêm hai cửa hàng nữa trong năm nay.
Pickup Coffee của Philippines thậm chí đã vươn xa đến Mexico, với một cửa hàng tại Mexico City khai trương vào năm ngoái.
Tuy nhiên, mở rộng không phải lúc nào cũng là công thức thành công cho các startup cà phê Đông Nam Á, như trường hợp của Flash Coffee.
Chuỗi cà phê có trụ sở tại Singapore này từng hoạt động tại thị trường nội địa cũng như Indonesia, Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan và Hàn Quốc. Hiện tại, họ chỉ còn hoạt động tại Indonesia, sau khi ch nhánh tại Singapore bị thanh lý, chi nhánh tại Thái Lan bị bán và các cửa hàng khác đóng cửa.
Ông Jakob Angele, giám đốc điều hành của Flash Coffee, chia sẻ rằng việc tập trung vào thị trường Indonesia đã mang lại hiệu quả. Cựu CEO của Foodpanda tự tin rằng công ty sẽ sớm đạt được lợi nhuận, sau khi Flash Coffee báo cáo tăng trưởng doanh thu 50% trên mỗi cửa hàng trong nửa đầu năm nay.
Bên cạnh việc cạnh tranh lẫn nhau, các chuỗi cà phê hiện đại của Đông Nam Á cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ Trung Quốc, những người đang tạo ra làn sóng mới với việc mở rộng nhanh chóng vào khu vực.
Một trong những tên tuổi lớn nhất là Luckin Coffee, đã vượt qua Starbucks với hơn 20.000 cửa hàng tại Trung Quốc sau khi phục hồi từ phá sản. Với 38 cửa hàng đã hoạt động tại Singapore, Luckin được cho là đang có kế hoạch mở rộng mạnh mẽ vào cuối năm nay và năm sau, với Malaysia là điểm đến tiềm năng tiếp theo.
Các cựu giám đốc điều hành của Luckin Coffee đã học hỏi từ công ty cũ để thành lập Cotti Coffee. Chỉ trong hai năm, Cotti đã mở rộng mạng lưới của mình lên hơn 7.000 cửa hàng trên 28 quốc gia, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Tuy nhiên, thành công tại Trung Quốc không đồng nghĩa với thành công tại Đông Nam Á, như Mellower Coffee đã trải nghiệm. Công ty đã rút khỏi thị trường Việt Nam vào năm ngoái, mặc dù vẫn duy trì sự hiện diện tại Singapore.