|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cũng tương đồng về độ 'chịu chơi' của nhà đầu tư, nhưng đây là điểm khác biệt rất lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam so với Đài Loan

11:52 | 21/12/2021
Chia sẻ
Chúng ta đều biết rằng đa số người dân châu Á – đều có văn hoá chấp nhận rủi ro hay có thể nói là tâm lý thích "đánh cược, dòng tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tiếp tục tăng mạnh trong nững năm tới. Mặc dù vậy, đang có sự khác biệt rất lớn khi so sánh với các thị trường là chất lượng hàng hoá trên sàn hiện nay.

VNIndex có thể tăng 21% lên 1.898 điểm cuối năm 2022

Mở đầu bài đánh giá về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Matthew Smith – CFA, Giám đốc Nghiên cứu Yuanta Việt Nam đã dùng cụm từ "A Tiger in the Making" để nói về thị trường Việt Nam năm 2022. Với các kỳ vọng về triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định, nhà phân tích này cho rằng thị trường chứng khoán VN sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022.

Theo ông, thị trường được thúc đẩy bởi 3 yếu tố chính: Thứ nhất, thu nhập của doanh nghiệp tiếp tục cải thiện. Thứ hai, thanh khoản tăng mạnh; Thứ ba, cảm xúc của nhà đầu tư rất tích cực khi nhìn vào số tài khoản tăng và đặc biệt là nhận thức của cộng đồng trong vấn đề đầu tư tài chính cá nhân.

Cũng tương đồng về độ 'chịu chơi' của nhà đầu tư, nhưng đây là điểm khác biệt rất lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam so với Đài Loan - Ảnh 1.

Thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh, mức bình quân giá trị giao dịch đạt gần 1,8 tỷ USD cuối tháng 11. (Nguồn: Matthew Smith – CFA, Giám đốc Nghiên cứu Yuanta Việt Nam).

Theo dự báo của Bloomberg, dựa trên việc tích hợp nhiều nguồn dữ liệu, chỉ số VNIndex sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 25% trong năm 2022 và 21% trong năm 2023, đây là mức dự báo cao vượt trội tại Châu Á Thái Bình Dương.

Còn theo dự báo của ông Matthew, với kịch bản cơ sở, cầu toàn nhất thì chỉ số VN Index sẽ đạt mức 1.898 vào tháng 12/2022, tăng 21% so với hiện tại và tương ứng mức P/E 14,9 lần (đây là con số trung bình trong vòng 3 năm).

Cũng tương đồng về độ 'chịu chơi' của nhà đầu tư, nhưng đây là điểm khác biệt rất lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam so với Đài Loan - Ảnh 2.

Yuanta Việt Nam ước tính VN Index tăng trưởng 21% cuối năm 2022, tương ứng với mức P/E 14x.

Điểm chung và sự khác biệt của thị trường chứng khoán Việt Nam so với Đài Loan

Trải qua 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu phân tích đầu tư tại các thị trường Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam, ông Matthew Smith – CFA, Giám đốc Nghiên cứu Yuanta Việt Nam cho rằng, có sự tương đồng rất lớn giữa Việt Nam ngày nay và Đài Loan những năm 80 – 90. 

"Chúng ta đều biết rằng đa số người dân châu Á – đều có văn hoá chấp nhận rủi ro hay có thể nói là tâm lý thích "đánh cược", ông Matthew nhận xét. Đây là yếu tố có thể giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phát triển mạnh hơn trong tương lai.

Cũng tương đồng về độ 'chịu chơi' của nhà đầu tư, nhưng đây là điểm khác biệt rất lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam so với Đài Loan - Ảnh 3.

Số tài khoản mở mới tại Việt Nam tăng mạnh, tương đồng với thị trường Đài Loan giai những năm 1990.

Mặc dù vậy, sự khác biệt lớn nhất giữa thị trường Việt Nam và Đài Loan mà các chuyên gia đã nhiều lần, đó là vấn đề phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế và chất lượng hàng hoá trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Theo chia sẻ từ Tiến sĩ Yen, Chen-hui - Giám đốc chiến lược Yuanta Investment Consulting, Cố vấn cao cấp Đại học Quốc Gia Đài Loan về 3 điều chính phủ Đài Loan đã làm để thúc đẩy kinh tế trong đại dịch: 1) Đầu tư cơ sở hạ tầng; 2) Giữ thị trường tiền tệ ổn định; 3) Đầu tư rất mạnh cho giáo dục.

Theo ông Yen, Đài Loan là quốc gia quan tâm rất lớn đến giáo dục. Chính nhờ vậy, doanh nghiệp Đài Loan đang phát triển mạnh trong các lĩnh vực sản xuất ứng dụng công nghệ cao hiện nay. 

"Khi các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến thị trường Đài Loan, họ rất quan tâm đến các công ty khởi nghiệp, các công ty sản xuất các ra các con chip, các công ty tham gia vào xu hướng lớn của công nghệ như 5G, Internet vạn vật IoT, trí tuệ nhân tạo AI, xe điện,… Và họ chỉ quan tâm đến định giá cổ phiếu mà không cần lo về các yếu tố cơ bản khác", ông Yen cho hay.

Trong khi đó, chúng ta đã làm gì để hỗ trợ nền kinh tế và phát triển nền giáo dục quốc gia? Thậm chí, không ít chuyên gia lo ngại việc thực thi các chính sách hỗ trợ, các gói kích thích kinh tế đưa ra nhưng dòng vốn lại được dùng sai mục đích.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, điều rất tích cực chúng ta làm được là ổn định vĩ mô. Và chúng ta phải duy trì điều này vì nó tốt cho cả nền kinh tế và thị trường tài chính. Chính phủ phải chỉ đạo NHNN thực hiện đúng mục tiêu đó.

Ông Thành cũng lạc quan tin rằng kinh tế sẽ tăng trưởng tốt năm 2022, nhưng yêu cầu đặt ra là chính phủ phải đảm bảo yếu tố kinh tế vĩ mô. Và cách chính phủ thực thi chính sách kích cầu như thế nào sẽ là yếu tố tác động đến lạm phát.

Nếu như kích cầu dựa nhiều vào tài khoá và chấp nhận tỷ lệ nợ công cao hơn thì sẽ không gây ra áp lực lạm phát, đây là thời điểm thanh khoản tốt, phù hợp để chính phủ phát hành trái phiếu. 

Ông Thành khuyến nghị chính phủ nên hướng dòng tiền vào y tế, giáo dục và các điểm nghẽn cơ sở hạ tầng tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Cũng tương đồng về độ 'chịu chơi' của nhà đầu tư, nhưng đây là điểm khác biệt rất lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam so với Đài Loan - Ảnh 5.

Nước ngoài duy trì vị thế bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm.

Nói thêm về hàng hoá trên thị trường chứng khoán, hiện có bao nhiêu công ty công nghệ trên sàn? Sản phẩm của họ là gì? Có công ty nào có sản phẩm được thế giới thừa nhận không? Đây rõ ràng là sự khác biệt lớn khi chúng ta nhìn vào thực tế.

"Khi mà cổ phiếu trên sàn cứ tăng giá trị nhưng những sản phẩm thương hiệu đầu cuối mà các doanh nghiệp trên sàn cung cấp ra thị trường thế giới vẫn chưa có, thì rõ ràng là tính quy mô lớn của một quốc gia như Việt Nam vẫn chưa đủ", chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển bình luận.

Để cải thiện điều này, ông Hiển cho rằng cái chính mà chính phủ cần quan tâm là tính công bằng thị trường và thực hiện đúng vai trò giám sát để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng để các công ty nhỏ họ có cơ hội vươn lên.

Khi đó, với cơ chế giám sát minh bạch, các doanh nghiệp trên thị trường UpCoM hay HNX, HSX phải đủ mạnh để vươn lên phát triển sản phẩm tốt hơn. Dần dần loại bỏ các DN yếu kém minh bạch. 

"Nếu chúng ta không quan tâm đến điều đó mà chỉ quan tâm đến việc sàn chứng khoán Việt Nam được nâng hạng hay đưa những công ty cổ phần hoá lên sàn để thu tiền thì đó không mang lại giá trị trong dài hạn", ông Hiển nhận định.

Tính từ đầu năm đến 15/12, khối ngoại đã bán ròng 57.000 tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam. Tính riêng cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 61.000 tỷ đồng. Với lượng bán ròng này, Việt Nam trở thành thị trường bị bán ròng lớn nhất Đông Nam Á. 

Theo ông Matthew, các quỹ quản lý tài sản tại các thị trường cận biên họ phải thực hiện bán ra khi nhà đầu tư yêu cầu lấy lại tiền. Đồng thời, các NĐT họ cũng chỉ bán ròng tập trung ở nhóm cổ phiếu như HPG, VPB,... và ngược lại họ cũng mua ròng tại nhóm cổ phiếu khác như STB, VHM,... 

"Nói cách khác, đây chỉ là cách phân bổ lại tài sản của họ và tôi cho rằng sẽ có sự đảo ngược từ quý II năm 2022", chuyên gia nhận định. 

Dù vậy, vị chuyên gia cũng không kỳ vọng vào việc dòng vốn ngoại vào Việt Nam sẽ quay đầu tăng mạnh kèm dự báo MSCI sẽ chưa thăng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong vòng 2 năm tới. Bởi vấn đề chính vẫn là hạn chế room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Hoàng Trung