Cổ phiếu ngân hàng đang được định giá quá cao?
Trong những tháng trở lại, các cổ phiếu ngân hàng luôn là trụ đỡ quan trọng của thị trường chứng khoán với đà tăng giá mạnh mẽ. Với kết quả kinh doanh khả quan, sự hậu thuẫn từ các yếu tố vĩ mô cho đến các "câu chuyện riêng", cổ phiếu ngân hàng đã thu hút dòng tiền lớn của cả nhà đầu tư trong thời gian qua.
Giá cổ phiếu tăng mạnh, vượt xa dự báo công ty chứng khoán
Tính đến kết phiên 31/5, giá cổ phiếu CTG của VietinBank đạt 52.900 đồng/cp, tăng gấp rưỡi so với thời điểm đầu năm. Hay như cổ phiếu VPB trong cùng kỳ đã tăng gấp 2,1 lần lên mức 61.900 đồng/cp,
So với đầu năm, giá bộ đôi cổ phiếu 'con dâu, con đẻ' - STB và LPB của ông Dương Công Minh đã cao hơn gấp lần lượt là 2 lần và 2,3 lần.
Sau vài tháng trầm lắng, nhóm cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa nhỏ như BVB, SGB, VBB... cũng bùng nổ trong hai tuần trở lại đây, ghi nhận nhiều phiên tăng trần. Nếu như nhà đầu tư cầm một trong các mã cổ phiếu này trong vài phiên cũng có thể đem về một khoản lợi nhuận lớn, bằng nhiều năm gửi tiết kiệm ngân hàng.
Giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng đã vượt xa dự báo của các công ty chứng khoán. Hồi cuối tháng 2, nhiều cổ phiếu ngân hàng được Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo giá mục tiêu trên 40.000 đồng/cp như ACB (41.500 đồng/cp), CTG (49.400 đồng/cp), TCB (52.000 đồng/cp), VPB (55.000 đồng/cp).
Tuy nhiên, thực tế diễn biến trên thị trường cho thấy giá của các cổ phiếu ngân hàng này đều đã vượt mức dự đoán của BSC. Vietcombank là ngân hàng duy nhất không đạt giá mục tiêu (131.800 đồng/cp).
Trong báo cáo cập nhật về ngành mới đây, BSC đã nâng định giá cho hàng loạt mã cổ phiếu nhóm này với mức tăng trưởng hai chữ số. Mức kỳ vọng lớn nhất là dành cho BIDV với định giá 67.000 đồng, tăng 43,5% so với mức giá ngày 25/5 (46.700 đồng/cp).
Nhiều cổ phiếu khác như MBB, VCB, CTG, TCB, ACB, VPB được kỳ vọng có dư địa tăng giá trên 30%. Các cổ phiếu "nhỏ" khác như STB, SHB, LPB, OCB được nâng giá mục tiêu trên 30.000 đồng/cp.
Hay theo định giá gần đây nhất về Techcombank và HDBank, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng giá mục tiêu của hai cổ phiếu ngân hàng này trong năm 2021 lần lượt là 50.900 đồng/cp và 31.600 đồng/cp. Dù vậy, chỉ trong vòng một tháng, giá thực tế cũng đã vượt xa mức dự báo của nhóm phân tích.
Cổ phiếu ngân hàng đang được định giá cao hay thấp?
Giá cổ phiếu đồng loạt tăng mạnh, các công ty chứng khoán nâng dự báo,... khiến thị trường đặt ra nghi vấn về việc cổ phiếu ngân hàng đang được định giá quá cao.
Rất khó có thể đưa ra mức định giá cổ phiếu chính xác vì bên cạnh những giá trị về cơ bản, giá cổ phiếu còn chịu ảnh hưởng từ kỳ vọng của thị trường. Và trong những bối cảnh kinh tế khác nhau, giá các cổ phiếu cũng sẽ nhận được những kỳ vọng khác nhau.
Theo PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), định giá của các công ty chứng khoán cũng chỉ ở mức tương đối và hiện nay họ thường định giá theo dòng tiền vào thị trường là chính chứ không dựa trên yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Điều đó có thể khiến các mức định giá đi xa so với giá trị thật của cổ phiếu.
Có thể thấy trên thực tế, dòng tiền đổ vào chứng khoán đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, rõ ràng nhất đến từ làn sóng của các nhà đầu tư F0. Trong 5 tháng đầu năm, đã có tổng cộng gần 500.000 tài khoản giao dịch chứng khoán mới.
Cũng trong cùng khoảng thời gian, các cá nhân trong nước đã mua ròng trên HOSE với giá trị hơn 35.000 tỷ đồng (1,5 tỷ USD). Tính riêng trong tháng 4 và 5, các cá nhân trong nước đã "bơm" thêm gần 15.000 tỷ đồng.
Vị kinh tế trưởng VESS cho rằng khi thấy dòng tiền vào nhiều thì các công ty chứng khoán sẽ nâng P/E của thị trường lên. Ví dụ trước đây P/E của thị trường khoảng 15 - 16 là phù hợp nhưng giờ họ nâng lên 18 - 19 khiến mức định giá cổ phiếu tăng lên. Đối với các cổ phiếu ngân hàng, trước đây P/B định giá khoảng 1,5 nhưng hiện nay họ nâng lên 1,8 – 2 thì tự nhiên định giá tăng lên.
"Thông thường đánh giá P/B tuỳ theo sức khoẻ của ngân hàng và mức nâng hạng thị trường. Các nước có triển vọng kinh tế tốt thì P/E cao hơn, còn thị trường mới nổi, cận biên thì sẽ thấp hơn", theo phó giáo sư.
So sánh với các thị trường mới nổi và ASEAN, các ngân hàng Việt Nam đang được định giá cao hơn mặt bằng chung ngành ngân hàng, theo nhóm phân tích Chứng khoán IVS.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng khá lạc quan khi cho rằng "mức định giá cao hơn hiện tại hoàn toàn phù hợp với hiệu suất sinh lời hấp dẫn và tiềm năng của ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh vĩ mô thuận lợi hơn mặt bằng chung".
Đồng thời, IVS cũng cho hay chỉ số P/E, P/B toàn ngành vẫn còn hấp dẫn khi lần lượt thấp hơn 30% và 16% so với VN-Index.
Cùng với đó, nhóm phân tích cho rằng một số ngân hàng có kết quả kinh doanh nổi bật. Hoạt động tăng vốn, tìm kiếm đối tác chiến lược hay ký kết hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền sẽ là một trong những động lực tích cực thúc đẩy đà tăng của các cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới.
Ở một góc nhìn khác, trong một báo cáo gần đây, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đã khuyến nghị nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng do triển vọng tích cực từ việc tăng vốn, xử lý nợ xấu... đã phần nào phản ánh vào giá.
Dù vậy, SSI Research cũng có chung quan điểm về một số cổ phiếu vẫn có thể có triển vọng, trong đó có cổ phiếu của những nhà băng có thể có tác động tích cực từ việc tăng vốn, có lợi nhuận phục hồi sau khi xử lý hết nợ xấu.
Còn theo ông Bùi Tiến Đức, Chuyên gia tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Mirae Asset, cho rằng dự địa tăng giá của các cổ phiếu ngân hàng đang có sự phân hóa lớn. Theo đó, có một số ngân hàng gần như không còn dư địa tăng giá, cơ hội giảm dần.
"Tuy nhiên, vẫn còn những ngân hàng có những "câu chuyện riêng", có thể tạo ra những chuyển biến quan trọng về hoạt động kinh doanh. Một mặt, giá những cổ phiếu ngân hàng này vẫn tăng trong sóng ngành, song vẫn có dư địa tăng giá tốt hơn một số ngân hàng khác", ông Đức chia sẻ trên một livestream Market Review của Công ty tư vấn đầu tư FIDT.
Như VPBank, đà tăng giá của cổ phiếu phần nào được phản ánh dựa trên những kỳ vọng từ thỏa thuận bán vốn tại FE Credit cho SMBC và thông tin bán vốn của VPBank cho đối tác chiến lược nước ngoài.
Giao dịch cổ phiếu LPB còn trở nên sôi động sau những đồn đoán về việc "bầu" Thụy tham gia HĐQT của ngân hàng hồi đầu năm. Hay thời gian gần đây, cũng có nhiều đồn đoán xung quanh việc của sáp nhập của các ngân hàng nhỏ như Bản Việt, PG Bank...
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/