|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cơ hội tỷ đô cho ngành công nghiệp phụ trợ trước ‘cơn địa chấn’ xe điện

16:23 | 23/09/2024
Chia sẻ
Mordor Intelligence ước tính thị trường phụ tùng và linh kiện xe điện toàn cầu đạt 124,5 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ ấn tượng, đạt 323,5 tỷ USD vào năm 2029.

Trong nhiều thập kỷ, động cơ đốt trong thống trị ngành công nghiệp ô tô thế giới đã tạo dựng được chuỗi sản xuất linh kiện khổng lồ. Làm thế nào để chuyển đổi chuỗi cung ứng này khi thị trường ngày càng chuyển dần sang xe điện?  

Bước ngoặt lịch sử

Chuyên gia tại Ernst & Young Global đánh giá ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang trải qua một cuộc chuyển đổi mang tính bước ngoặt khi thị trường thế giới ngày càng ưa chuộng xe điện hơn so với xe chạy bằng động cơ đốt trong. 

Sự chuyển đổi của thị trường ô tô nhờ những tiến bộ trong công nghệ như pin và trạm sạc, cùng với sự quan tâm ngày càng tăng về môi trường của người tiêu dùng.

Các chính phủ đẩy mạnh việc hỗ trợ cho xe điện. Chẳng hạn tại Mỹ, giới hạn khí thải được đề xuất gần đây yêu cầu 2/3 số xe bán ra trong nước phải là xe điện vào năm 2032. Trong khi bang California yêu cầu tất cả các xe mới bán ra tại bang này sau năm 2035 phải là xe không phát thải.

 

Tại Việt Nam, KPMG nhận định động cơ đốt trong đang thống trị ngành công nghiệp ô tô nhưng “một cơn địa chấn đang diễn ra” và thị trường đang trên đà tăng trưởng bùng nổ phân khúc xe điện.

Xu hướng từ bỏ động cơ đốt trong mang lại cơ hội cho những tay chơi mới trong ngành sản xuất ô tô như Tesla, BYD hay thậm chí là VinFast của Việt Nam, song cũng mang tới những thách thức với ngành công nghiệp phụ trợ ô tô - vốn quen phục vụ thị trường truyền thống khổng lồ.

Các nhà cung cấp phụ tùng cho xe động cơ đốt trong, từ bình xăng đến kim phun nhiên liệu, đã chứng kiến thị trường của họ thu hẹp, và sự suy giảm này được dự báo sẽ tiếp tục trầm trọng hơn. 

Ernst & Young Global dự báo ngành công nghiệp phụ trợ trị giá 1.900 tỷ USD sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm lại đáng kể trong những năm tới khi các dòng sản phẩm dựa trên động cơ đốt trong bị loại bỏ dần. 

Khoảng 25% lợi nhuận hiện nay đến từ các linh kiện xe xăng/dầu cũ, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dự kiến giảm 50% so với mức hiện tại vào năm 2030. Đối với một số nhà cung cấp, thị trường cuối cùng sẽ trở nên cạnh tranh khốc liệt, với ngày càng ít cơ hội kinh doanh khả thi, và những người chậm chân sẽ bị đào thải.

Tính thời điểm

Nỗi lo lắng trong ngành sản xuất phụ tùng ô tô đang lan rộng tại Mỹ, theo Roll Call. Xe chạy bằng động cơ đốt trong vốn có nhiều bộ phận hơn xe điện, bao gồm bộ tản nhiệt, kim phun nhiên liệu, bugi và hệ thống ống xả - những thứ không cần thiết trên xe điện chạy bằng pin. 

Chẳng hạn, một chiếc Tesla chỉ có khoảng 20 bộ phận chuyển động trong hệ thống truyền động, bao gồm cả hộp số một cấp không cần bánh răng, so với hàng trăm bộ phận trong một chiếc xe chạy bằng xăng.

Dây chuyền sản xuất linh kiện bên trong một nhà máy tại Việt Nam. (Ảnh: Đức Huy).

Hiệp hội Thị trường Thiết bị chuyên dụng (SEMA), đại diện cho 7.000 nhà cung cấp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ cho biết khoảng 30% sản phẩm của họ "phụ thuộc vào động cơ đốt trong". 

Mặc dù các phương tiện chạy bằng xăng có thể vẫn còn trên đường trong nhiều thập kỷ tới, các nhà cung cấp phụ tùng đang bắt đầu lên kế hoạch cho sự sụt giảm doanh số hàng năm. Theo SEMA, tổng doanh số năm ngoái đạt 52 tỷ USD.

Ông Julie Fream, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô & thiết bị - Nhà cung cấp thiết bị gốc (MEMA), cho biết một trong những thách thức lớn nhất mà các công ty phải đối mặt là ước tính thời điểm. Khi nào thị trường xe điện sẽ vượt qua thị trường động cơ đốt trong? Sự không chắc chắn này khiến nhiều giám đốc điều hành do dự khi lên kế hoạch chuyển đổi hoạt động của công ty từ sản xuất linh kiện xe xăng sang xe điện.

"Các nhà cung cấp biết họ cần có khả năng làm cả hai, nhưng họ đang tự hỏi: Làm thế nào để tôi cân đối được sản xuất?”, ông Fream nói. 

Các công ty đầu tư quá sớm có thể rơi vào tình trạng quá tải về tài chính, với công suất dư thừa và thị trường chưa sẵn sàng cho sản phẩm mới. Những người đến muộn có thể hoàn toàn bỏ lỡ cơ hội nếu các đối thủ cạnh tranh nhanh hơn vượt lên trước.

Cơ hội dành cho ai?

Không phải tất cả toàn bộ ngành sản xuất phụ trợ cho ô tô sử dụng động cơ đốt trong đều suy giảm trong tương lai. Chẳng hạn, theo Ernst & Young Global, một đơn vị cung cấp linh kiện ô tô tại Mỹ đã đặt cược vào “hoàng hôn kéo dài” của thị trường động cơ đốt trong. Ban đầu, công ty có kế hoạch thoái vốn khỏi bộ phận sản xuất linh kiện xe xăng và dùng số tiền thu được đầu tư cho dây chuyền xe điện.

Tuy nhiên, họ đã thay đổi hướng đi sau khi bộ phận này được mua lại với giá 7 tỷ USD vào năm 2022, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư. Hiện, công ty đang tiếp tục phát triển sản phẩm của hệ thống treo và phanh - có thể dùng được cả trong xe điện và xe xăng. 

Trong khi đó, một doanh nghiệp khác lại dốc toàn lực cho xe điện với ba mũi nhọn: Đầu tư 4 tỷ USD vào công nghệ xe điện, mua lại các doanh nghiệp sạc và pin, đồng thời thoái vốn tại các bộ phận truyền thống có giá từ 3-4 tỷ USD. 

Công ty ước tính hoạt động kinh doanh phụ tùng xe điện của mình sẽ tăng trưởng ít nhất 72% trong năm ngoái, trong đó 25% đến từ xe điện. Doanh nghiệp kỳ vọng các khoản đầu tư xe điện của mình sẽ đạt đến điểm hòa vốn vào đầu năm nay nhờ các hợp đồng cung cấp mới.

 

Theo Mordor Intelligence, thị trường phụ tùng và linh kiện xe điện toàn cầu được ước tính đạt 124,5 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ ấn tượng, đạt 323,5 tỷ USD vào năm 2029. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn này là 21,22%.

Động lực của tăng trưởng trong ngành phụ trợ này đến từ các chính phủ trên toàn thế giới đang đưa ra các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe để giảm ô nhiễm không khí và khí nhà kính từ phương tiện giao thông. Điều này sẽ thúc đẩy việc chuyển đổi sang xe điện, từ đó làm tăng nhu cầu về phụ tùng và linh kiện liên quan.

Ngoài ra, nhiều quốc gia đang cung cấp các ưu đãi như giảm thuế, trợ cấp và hỗ trợ tài chính khác để khuyến khích người tiêu dùng mua xe điện. Điều này sẽ làm cho xe điện trở nên hấp dẫn hơn và thúc đẩy doanh số bán hàng, dẫn đến nhu cầu cao hơn về phụ tùng và linh kiện.

Sự gia tăng số lượng trạm sạc và cải thiện công nghệ sạc sẽ giúp giải quyết một trong những mối quan ngại lớn nhất của người tiêu dùng về xe điện, đó là phạm vi hoạt động và sự tiện lợi. Yếu tố này dự kiến thúc đẩy việc áp dụng xe điện và do đó làm tăng nhu cầu về phụ tùng và linh kiện.

Tại hội nghị cuối tuần trước, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup, nhấn mạnh đến ngành công nghiệp phụ trợ, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ điều kiện ban đầu tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ.

"Nếu đẩy mạnh việc này thì chúng ta sẽ có ngành công nghiệp phụ trợ rất mạnh", ông Vượng nói. Công nghiệp phụ trợ là khái niệm chỉ toàn bộ những sản phẩm công nghiệp có vai trò phụ trợ cho việc sản xuất các thành phần chính như linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu để sơn, nhuộm…

Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đức Huy

Chưa đi hết 3/4 chặng đường, nhiều doanh nghiệp xin điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm
Hơn ba tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2024, nhiều doanh nghiệp đang bứt tốc để "về đích" với kế hoạch năm đã đặt ra. Một số đơn vị đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực rế.