|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cánh cửa 'giải ngân' thu hẹp, cả khách hàng và nhà băng đều lâm vào thế khó

07:00 | 06/07/2022
Chia sẻ
Với miếng bánh "room tín dụng" đang ngày càng thu hẹp, việc đi vay và cho vay của cả khách hàng và ngân hàng đều đang trở nên khó khăn hơn trước.

Vay được tiền của ngân hàng không dễ

Cánh cửa "giải ngân" thu hẹp khiến cho các ngân hàng lâm vào thế khó khi nhu cầu tín dụng đang có xu hướng tăng mạnh trong những ngày đầu của hai quý cuối năm 2022. 

"Hiện tại, đơn vị tôi được phân bổ hạn mức giải ngân theo tuần khoảng 10 tỷ đồng và đang hạn chế các khoản cho vay để đầu tư bất động sản", anh Tuấn, Trưởng đơn vị kinh doanh của một ngân hàng tư nhân cho biết. 

Về phía ngân hàng, với miếng bánh ít ỏi còn lại, việc chọn lựa khách hàng để giải ngân theo chất lượng, mục đích vay cũng trở nên kỹ càng hơn. Khách hàng đi vay trong giai đoạn này dường như ai cũng biết đến khái niệm "room tín dụng" của các ngân hàng và hiểu rằng việc nhận được tiền từ ngân hàng không dễ dàng như trước đây.

"Do ngân hàng gần hết room nên việc duyệt hồ sơ vay có vẻ càng khó hơn trước. Hồ sơ vay mới đây của tôi đã phải kèm theo một hợp đồng bảo hiểm để được hưởng lãi suất 9,5%, mức lãi suất tôi đang vay trong hai năm trở lại đây", một khách hàng đã đi vay kinh doanh nhiều năm chia sẻ. 

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tốc độ tăng trưởng tín dụng đến 9/6 đạt 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước cho thấy nhu cầu tín dụng đang như một chiếc lò xo bị nén trong đại dịch đang được bung dần ra.

 Nguồn: SSI Research.

Do room tín dụng cấp đầu năm ở mức tương đối thấp, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã chạm hạn mức tín dụng ban đầu ngay từ cuối quý I.

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), mức tăng trưởng tín dụng đã đạt tới 14,3% ngay sau quý I, gần chạm trần mốc 15% được cấp; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng 8% sau 4 tháng đầu năm 2022, dù room được cấp là 10%.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết đến hết quý I/2022 tín dụng của ngân hàng đã tăng 7% (đến 29/4 đạt 8,8%) so với mức tín dụng đã được cấp chính thức là 10%. Như vậy, chỉ riêng quý đầu năm, Vietcombank đã sử dụng gần hết room tín dụng đã được cấp. 

Một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB),...  cũng không tránh khỏi tình trạng trên.

  Nguồn: NHNN, NTHM, VCBS tổng hợp. 

Lãi suất cho vay chịu áp lực tăng 

Khi nhu cầu cao mà nguồn cung hạn chế thì giá cả, mà ở đây là lãi suất cho vay, sẽ không không tránh khỏi xu hướng tăng lên. Bên cạnh đó, lãi suất huy động được cho rằng đã chạm đáy và đang có xu hướng tăng lên và tạo áp lực lên lãi suất cho vay mặc dù sẽ có độ trễ.

Trên thực tế, ghi nhận ngay trong đầu tháng 7, nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi lên mốc mới với mức điều chỉnh cao nhất lên tới 0,9%/năm.  

Các chương trình cho vay mua nhà của các ngân hàng là một minh chứng cụ thể khi lãi suất đã không còn thời rẻ. Trước đây các ngân hàng liên tiếp ra các gói cho vay mua nhà lãi suất ưu đãi từ 5,9%/năm như tại VPBank, hay tại Shinhan Bank lãi suất cố định 6,2% trong 1 năm và 7,6% cố định 3 năm nhưng hiện tại các mức này đều đã không còn.

Lãi suất cho vay mua nhà tại Shinhan Bank, ngân hàng ngoại được đánh giá là có lãi suất mua nhà thấp trên thị trường đã lên 8,2%/năm cố định 1 năm và 8,9%/năm cố định 3 năm. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức lãi suất khá cạnh tranh trên thị trường hiện nay.

Trong báo cáo mới của Chứng khoán Bản Việt ghi nhận lãi suất vay mua nhà đang ở mức cao và không còn những gói ưu đãi cho hai năm đầu tiên. Đồng thời dự báo lãi suất cho vay thế chấp mua nhà nửa cuối năm nay sẽ cao hơn so với nửa đầu năm.  

Nhiều chuyên gia phân tích kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm 0,5 – 1% trong hai năm 2022-2023 nhờ việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất trị giá 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hạn chế khi chưa được nới "room" tín dụng sẽ khiến gói hỗ trợ khó đi nhanh vào thực tiễn.

NHNN sẽ không vội nới room

Theo SSI, mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ không còn gặp nhiều áp lực tăng khi NHNN nhấn mạnh sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào thời điểm hợp lý hơn (có thể vào cuối quý III/2022 như SSI kỳ vọng) và mức điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng. 

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng NHNN có thể sẽ không vội nới room tín dụng khi kinh tế vĩ mô đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong quý II. Theo đó, NHNN sẽ nới room tín dụng trong tháng 8 thay vì tháng 7 như thị trường kỳ vọng. 

Nói về cơ chế cấp room tín dụng hiện nay, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đã áp dụng chính sách này từ những năm 2011. Đây là biện pháp rất hiệu quả, đưa thị trường tiền tệ ổn định trở lại sau khoảng thời gian tăng trưởng nóng.

Thống đốc cũng cho biết trong thời gian trước các ngân hàng tăng trưởng tín dụng rất cao, nhiều năm tăng trên 30%/năm, cá biệt có năm toàn hệ thống tăng tới 53,8%. Kéo theo cuộc đua huy động, dẫn tới tăng mặt bằng lãi suất.

"Khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng thì khi có cú sốc như COVID-19 thì sẽ ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng và khi hệ thống bị ảnh hưởng về mặt thanh khoản sẽ tác động đến nền kinh tế nói chung," Thống đốc nhận định. 

Tuy nhiên, theo PGS. TS Phạm Thế Anh, thực tế hiện nay hầu hết các nước trên thế giới đã không dùng room tín dụng như cách NHNN Việt Nam đang điều hành mà họ cũng không gặp phải tình trạng tăng trưởng nóng tín dụng như NHNN đang lo ngại. 

Việc kiểm soát tín dụng hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến cho mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay ở mức cao. Bởi vì nó không khuyến khích cạnh tranh giữa các ngân hàng. 

Do đó, về lâu dài, chuyên gia cho rằng NHNN cần phải nghiên cứu xây dựng các chỉ tiêu an toàn tài chính và phải giám sát được nó. Cơ quan này cần xây dựng hệ thống thông tin để giám sát, cảnh báo việc thực hiện các chỉ tiêu đó của các ngân hàng thương mại để từ đó dần bỏ cơ chế áp trần tín dụng. 

Phương Nga