|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Toàn cảnh nợ xấu ngân hàng 6 tháng đầu năm: Phân hoá mạnh và không chỉ toàn màu xám

14:08 | 04/08/2021
Chia sẻ
Sau 6 tháng đầu năm, bức tranh nợ xấu ngân hàng đang dần hé lộ với sự phân hoá mạnh giữa các nhà băng. Nợ xấu vẫn tăng trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng vẫn có những điểm sáng.
Bức tranh nợ xấu ngân hàng không chỉ toàn màu xám - Ảnh 1.

Theo thống kê của người viết, tổng số dư nợ xấu tại 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính tăng 4,5% so với cuối năm trước, trong đó quá nửa ngân hàng trên có số dư nợ xấu tăng và hơn 1/3 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng nợ xấu hai con số.

Ba "ông lớn" ngân hàng quốc doanh nằm trong nhóm có mức tăng trưởng nợ xấu cao. VietinBank và Vietcombank nằm trong Top 3 ngân hàng có mức tăng nợ xấu cao nhất với tỷ lệ tăng trưởng 52,1% và 31,3%. Nợ xấu tại Agribank tăng "khiêm tốn" hơn với 13,5% trong khi BIDV là "ông lớn" duy nhất có số dư nợ xấu giảm (giảm 1,1%).

Bức tranh nợ xấu ngân hàng không chỉ toàn màu xám - Ảnh 1.

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp.

Nam A Bank là ngân hàng có mức tăng nợ xấu cao nhất trong 29 ngân hàng với 1.362 tỷ đồng nợ xấu, tăng 83,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính khiến số dư nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã tăng lên gấp 2,2 lần so với con số đầu năm. 

Bức tranh nợ xấu ngân hàng không chỉ toàn màu xám - Ảnh 2.

Nguồn: BCTC của Nam A Bank.

Tương tự như Nam A Bank, nợ có khả năng mất vốn của VietinBank cũng đã tăng gấp đôi trong nửa đầu năm từ hơn 6.000 tỷ đồng lên gần 12.300 tỷ đồng.

Tuy vậy, không phải nợ xấu ngân hàng nào cũng tăng, có tới 12/29 ngân hàng khảo sát có nợ xấu giảm như SCB, Kienlongbank, MB, Eximbank, Techcombank,... 

Trong đó, SCB và Kienlongbank là hai ngân hàng có số dư nợ xấu giảm mạnh nhất lần lượt là 61% và 73%. Tuy nhiên, mức giảm đặc biệt này đi kèm với những câu chuyện riêng của các ngân hàng. 

Tại Kienlongbank, vào cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh lên trên 5% khi ghi nhận hơn 1.800 tỷ đồng nợ tồn đọng (được đảm bảo bởi một lượng lớn cổ phiếu STB từ thời Trầm Bê) vào nợ nhóm 5 thì tới cuối quý II, khi toàn bộ số cổ phiếu này được "thanh lý", khoản nợ xấu này cũng được đưa ra khỏi nội bảng, tỷ lệ nợ xấu giảm về 1,43%.

Còn tại SCB, nợ nhóm 5 của ngân hàng giảm hơn 4.700 tỷ đồng khiến nợ xấu nội bảng giảm mạnh nhưng cùng với đó, số dư trái phiếu VAMC tại SCB lại tăng hơn 10.000 tỷ đồng lên 48.400 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngân hàng giảm từ 2,34% về 0,89%.

Mặc dù có sự phân hoá nhưng xu hướng nợ xấu tăng vẫn chiếm ưu thế. Sự gia tăng nợ xấu và đặc biệt là nhóm nợ có khả năng mất vốn (đã trích lập dự phòng 100%) phản ánh một phần của bức tranh kinh tế mặc dù đã khôi phục nhưng vẫn còn nhiều màu xám.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn và phức tạp, nhiều cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phá sản, nợ xấu tại các ngân hàng tăng là điều khó tránh khỏi.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Bức tranh nợ xấu ngân hàng không chỉ toàn màu xám - Ảnh 4.

Nhiều ý kiến trong giới phân tích cho rằng nợ xấu vẫn là một trong những rủi ro lớn đối với hệ thống ngân hàng đồng thời bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị tác động bởi dịch COVID-19.

Số liệu từ NHNN cho biết tính đến ngày 31/5, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng, chiếm 3,49% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế (9,65 triệu tỷ đồng).

Theo báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 mới đây của Chính phủ, ước tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,78% - 2%. Nếu tính thêm cả nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém) thì tỷ lệ nợ xấu hệ thống khoảng 2,91% - 3,15%, vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra là dưới 5%.

Báo cáo cho biết trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, dự báo, đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ước đạt 1,54% - 1,91%. 

Nếu tính thêm nợ bán cho VAMC, nợ tiềm ẩn, các khoản được cơ cấu lại không chuyển nhóm nợ theo Thông tư số 01, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD dự báo ở mức 4,56% - 4,98% cuối năm 2021 và có thể lên đến gần 5% nếu kinh tế chậm phục hồi.

Bức tranh nợ xấu ngân hàng không chỉ toàn màu xám - Ảnh 5.

Bức tranh nợ xấu không chỉ có những gam màu xám. Tốc độ tăng nợ xấu nội bảng đang thấp hơn tốc độ tăng trưởng cho vay khách hàng tại các ngân hàng, trong khi tăng trưởng cho vay khách hàng 6 tháng đầu năm đạt 6,6% nhưng nợ xấu chỉ tăng 4,9%.

Chất lượng tài sản của các nhà băng đã được cải thiện rõ rệt trong thời gian qua. Sau 10 năm kể từ sau cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng, tỷ lệ nợ có vấn đề của ngân hàng đã giảm mạnh, cuối năm 2020 nhiều ngân hàng đã gần như xử lý xong nợ xấu đã bán cho VAMC. 

Bức tranh nợ xấu ngân hàng không chỉ toàn màu xám - Ảnh 3.

Đồng thời, chủ trương giảm tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro, đẩy mạnh cho vay bán lẻ cùng với sự ra đời của Nghị quyết 42 và sự phục hồi của thị trường bất động sản đã giúp hạn chế nợ xấu mới phát sinh và đẩy nhanh hơn việc xử lý các khoản nợ tồn đọng trong giai đoạn trước.

Sau quá trình trích lập dự phòng và xoá nợ xấu trong giai đoạn từ 2015 - 2020, dư nợ ngoại bảng của các ngân hàng đang ở mức rất lớn. Mặc dù quá trình thu hồi các khoản nợ này có thể kéo dài nhưng sẽ là nguồn thu nhập tiềm năng trong những năm tới.

Nhờ tăng vốn và xử lý nợ xấu, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng được cải thiện rõ rệt. Đến thời điểm hiện tại, phần lớn tổ chức tín dụng đều đã áp dụng tiêu chuẩn vốn của Basel II, trong đó nhiều ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II và một số còn chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp dụng với Basel III.

Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại nhiều ngân hàng tăng mạnh vượt ngưỡng 100% đây là bộ đệm vốn giúp các ngân hàng tránh được những cú sốc mà các khoản nợ xấu có thể gây ra. 

Bức tranh nợ xấu ngân hàng không chỉ toàn màu xám - Ảnh 5.

Trên thực tế khi các ngân hàng áp dụng Thông tư 01 và Thông tư 03, nhiều khoản nợ xấu vẫn được giữ nguyên nhóm nợ dẫn đến cách tính số dư nợ xấu và tỷ lệ bao phủ cũng chưa thật chuẩn xác. 

Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao, càng cho thấy tiềm lực tài chính, khả năng sẵn sàng dùng các khoản dự phòng đã trích lập để xoá các món nợ khó có khả năng thu hồi của các ngân hàng. Lợi nhuận tích cực trong nửa đầu năm là một trong những yếu tố tạo nguồn lực để các ngân hàng trích lập dự phòng cao hơn.

Với các khoản nợ tái cơ cấu, nhiều ngân hàng khá lạc quan về khả năng thu hồi, thực tế cho thấy tại một số ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, TPBank, các khách hàng từng được cơ cấu có sự phục hồi tích cực. 

Đại diện Techcombank cho biết, khoảng 67% số khách hàng trong chương trình hỗ trợ khách hàng đã hoàn tất hoặc trả một phần nợ tái cơ cấu tính đến hết tháng 6/2021.

Theo đánh giá trong báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm 2021, các chuyên gia của VCBS cho rằng nợ xấu phát sinh do tác động của COVID-19 thấp hơn kỳ vọng ban đầu, nhiều ngân hàng đã ghi nhận quy mô dư nợ tái cơ cấu giảm. Nhiều ngân hàng đã hoàn thành trích lập dự phòng nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 ngay từ năm 2020. 

"Tuy nhiên, ngành ngân hàng đang đối mặt với rủi ro nợ xấu trong giai đoạn tiếp theo và ảnh hưởng lới lợi nhuận trong các năm sau nếu dịch bệnh COVID-19 chậm được kiểm soát", VCBS nhận định

Diệp Bình

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.