|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bán lẻ ngành bank cũng cần 'may đo' theo từng khách hàng

08:30 | 22/06/2022
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Khối bán lẻ Ngân hàng Phương Đông (OCB), kênh bán lẻ là một “vùng đất đầy tiềm năng” nhưng có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng, đòi hỏi các sản phẩm phải có sự khác biệt, “may đo” theo từng khách hàng.

 

Phóng viên: Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ được đánh giá là xu hướng tất yếu của các ngân hàng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Theo ông, điều gì đã tạo nên tiềm năng của kênh bán lẻ này?

Ông Nguyễn Văn Hương: Trong năm 2021, theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng, tỷ trọng cho vay bán lẻ của nhóm ngân hàng quy mô vừa và lớn chiếm 40% - 50%, có ngân hàng lên đến gần 90%. Cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm 2020. Các dịch vụ thẻ và ngân hàng trực tuyến có sự tăng trưởng vượt bậc chiếm hơn 40% giao dịch, cá biệt có ngân hàng đạt tỷ lệ hơn 80% tổng số giao dịch; tốc độ tăng trưởng thanh toán qua QR code lên đến 200% so với 2020.

Qua đó có thể thấy, dịch vụ ngân hàng bán lẻ ở nước ta đang phát triển cực kỳ nhanh chóng và tiềm năng rất lớn.

Là một đất nước có dân số trẻ, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á với gần 50% dân số sử dụng thương mại điện tử. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, hành vi tiêu dùng của người dân thay đổi một cách rõ rệt, ưu tiên sử dụng các dịch vụ số hóa như thanh toán không tiếp xúc qua các ứng dụng mobile banking, internet banking, contactless payment, QR code…Từ đó, tỷ lệ ứng dụng các dịch vụ số ở mức cao, mang đến nhiều dư địa phát triển cho lĩnh vực ngân hàng số.

Thu nhập của người dân trong 10 năm trở lại đây tăng từ 30 - 40%, đạt trung bình 4.000 USD/người/năm. Họ bắt đầu chi tiêu mạnh tay hơn cho giải trí, du lịch, nâng cao chất lượng đời sống… mở ra tiềm năng cho những sản phẩm: vay tiêu dùng, vay thế chấp và thẻ tín dụng cũng như các giải pháp về quản lý tài sản bao gồm dịch vụ tư vấn đầu tư, bảo hiểm…

Bên cạnh đó, môi trường hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cũng hết sức thuận lợi. Cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện, Chính phủ hỗ trợ hoạt động kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành hiệu quả các chính sách tiền tệ và tài khóa, người dân ngày càng am hiểu về tài chính… Đặc biệt, sau khi được NHNN cho phép, các nhà băng đã sử dụng công nghệ để định danh khách hàng (eKYC), từ đó mở ra nhiều hơn nữa những cơ hội và tiềm năm cho hoạt động bán lẻ tại các ngân hàng hiện nay.

Phóng viên: Với OCB, vị trí của kênh bán lẻ được xác định như thế nào và OCB đang tạo cho mình thế mạnh gì để có thể cạnh tranh được với các đối thủ trong cùng phân khúc?

Ông Nguyễn Văn Hương: Phát triển mảng bán lẻ hiện nay đã trở thành chiến lược của nhiều ngân hàng không chỉ riêng OCB, bởi kênh bán lẻ là động lực chính của ngân hàng, có sự tăng trưởng bền vững theo thời gian với rủi ro thấp hơn, đạt lợi thế kinh tế theo quy mô.

Từ nhiều năm qua, OCB đã luôn chú trọng đến mảng bán lẻ và coi đây là hoạt động cốt lõi. Chiến lược của chúng tôi vẫn sẽ là tập trung chủ yếu vào phân khúc bán lẻ và MSME, ưu tiên tăng trưởng khách hàng cá nhân cao hơn các phân khúc khác với sản phẩm sáng tạo, “may đo” theo từng khách hàng. Đồng thời, theo đuổi chiến lược ngân hàng số để dẫn dắt tăng trưởng và hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả.

Có thể nói, kênh bán lẻ là một “vùng đất đầy tiềm năng” đang được khai thác triệt để, đòi hỏi chúng tôi càng phải nỗ lực hơn nữa để tạo ra sự “khác biệt” giúp cạnh tranh với các đối thủ trong cùng phân khúc. Và một trong những sự “khác biệt” của OCB đối với các nhà băng khác đó chính là tiên phong số hóa.

Chúng tôi đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ và chuyển đổi số từ rất sớm, với việc nâng cấp và mở rộng hệ thống ngân hàng số OCB OMNI, cung cấp đến khách hàng hàng loạt các tiện ích, sử dụng công nghệ hiện đại như: xác thực khách hàng qua hệ thống nhận diện số eKYC, kết nối và tích hợp với hệ thống thanh toán thương mại điện tử và thanh toán hóa đơn…

Đặc biệt, mới đây, OCB đã triển khai thành công tính năng Facepay, cho phép khách hàng thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt, không dùng tiền mặt, không thẻ ngân hàng, không điện thoại. Trở thành ngân hàng dẫn đầu xu hướng thanh toán hiện đại này tại Việt Nam.

Ngoài ra, OCB cũng đang xây dựng một số hành trình chuyên biệt gắn kết với hệ sinh thái của các đối tác. Đây sẽ là động lực cho hoạt động kinh doanh nửa cuối 2022 và nền tảng để OCB đẩy mạnh trong những năm tiếp theo.

Phóng viên: Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các sản phẩm ngân hàng bán lẻ ngày càng đa dạng, phong phú, sản phẩm của OCB có gì để tạo sự khác biệt và ưu việt trên thị trường?

Ông Nguyễn Văn Hương: Tại OCB, tất cả các sản phẩm đều được xây dựng theo hướng cá nhân hóa. Không chỉ phù hợp với tính chất từng phân khúc khách hàng, mục đích sử dụng mà chúng tôi còn cá nhân hóa theo đặc thù từng vùng/miền, loại hình sản xuất kinh doanh. Đơn cử như: dành riêng cho khu vực Tây Nguyên với những phương thức định giá tài sản đảm bảo, cách xác định nguồn thu phù hợp theo đặc điểm kinh doanh tại các tỉnh thành trên. Đồng thời cũng bổ sung phương thức cho vay lưu vụ phù hợp với đặc tính canh tác, trồng trọt tại địa phương.

Ngoài ra, sản phẩm cho vay cá nhân đã được áp dụng công nghệ số vào quy trình xử lý, tiếp cận và phê duyệt hồ sơ. Tháng 1/2022, chúng tôi đã hoàn thành quy trình xây dựng Đơn Vay Số Hóa - DMA - cho sản phẩm vay mua nhà để ở “Dream Home - Ngôi nhà mơ ước” và đạt được những thành công nhất định.

Đến tháng 3 thì chúng tôi phối hợp với đối tác BĐS, đi vào vận hành website “Unlock Dream Home”, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tối ưu về hành trình Vay Mua Nhà bao gồm việc tìm kiếm ngôi nhà phù hợp với Khách hàng từ danh mục hàng ngàn BĐS, công cụ mô phỏng quy trình vay và công cụ giúp tính toán khoản vay... giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và nhanh chóng sở hữu được căn nhà riêng.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về một trong những sản phẩm mũi nhọn mà OCB đang triển khai và có được hiệu quả tích cực trong thời gian gần đây

Ông Nguyễn Văn Hương: Như tôi có chia sẻ thì tháng 3 vừa qua, OCB và đối tác bất động sản đã giới thiệu đến khách hàng nền tảng số Unlock Dream Home.

Tại đây, khách hàng có rất nhiều sự lựa chọn với hàng ngàn danh mục bất động sản uy tín, chất lượng. Theo từng nhu cầu, hệ thống sẽ tự động lọc thông tin và đề xuất cho người mua những lựa chọn phù hợp một cách nhanh chóng.

Bên cạnh đó, Unlock Dream Home cũng tích hợp công cụ tính toán khoản vay thông minh giúp người mua nhà có thể xác định chính xác đúng với số tiền vay và thời gian mong muốn vay. Với giá trị tài sản chọn tương ứng, khách hàng được hỗ trợ thời gian vay lên đến 30 năm, hệ thống cũng sẽ tự động thông báo cho khách hàng tổng số tiền thanh toán bao gồm cả gốc và lãi hằng tháng cùng lịch thanh toán chi tiết để khách hàng có thể lên kế hoạch tài chính cho gia đình mình kỹ lưỡng trước khi quyết định tham gia vay.

 Ảnh minh hoạ: OCB.

Unlock Dream Home được liên kết với hệ thống kiểm tra lịch sử tín dụng cá nhân lưu trữ trên hệ thống tín dụng quốc gia, vậy nên khách hàng chỉ cần mất khoảng 10 phút gửi thông tin lên hệ thống gồm: thông tin cá nhân, nhu cầu vay vốn, tài sản đảm bảo, nguồn thu. Hệ thống sẽ tự động kiểm tra lịch sử dư nợ, đối soát và ngay lập tức khách hàng được thông báo có đủ điều kiện vay vốn tại OCB hay không.

Đồng thời, hệ thống cũng cho biết chính xác hạn mức khoản vay mà OCB sẽ cấp cho khách hàng cùng những danh mục hồ sơ cần thiết để khách hàng chuẩn bị. Chúng tôi cũng đang áp dụng mức lãi suất siêu ưu đãi cạnh tranh, cho vay bù đắp đến 24 tháng, ân hạn gốc lên đến 60 tháng, linh hoạt chứng từ chứng minh nguồn thu nhập lên đến 3 tỷ đồng.

Unlock Dream Home mang đến những lợi ích cho khách hàng có nhu cầu tìm vay mua nhà. Không chỉ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian, mà khách hàng còn có thể tự chủ động trong tất cả các khâu từ tìm kiếm đến lựa chọn khoản vay. Mọi thao tác, hồ sơ đều được thực hiện nhanh chóng, mang lại một hành trình xuyên suốt cho khách hàng - tất cả trên một nền tảng số.

Phóng viên: Với thành công của các sản phẩm như Dream Home và Unlock Dream Home, OCB có định hướng phát triển gì cho các sản phẩm tiếp theo?

Ông Nguyễn Văn Hương: Xây dựng hệ thống Ngân hàng kỹ thuật số - Đây là một trong những mục tiêu mà OCB đang hướng tới trong tương lai gần. Ngân hàng số hoạt động không qua bất kỳ chi nhánh nào. Tại đây, OCB sẽ cung cấp các dịch vụ Ngân hàng trực tuyến cho người dùng thông qua ứng dụng trên di động thông minh hoặc nền tảng máy tính. Mọi quy trình tại đây đều được số hóa 100%.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ ứng dụng ngày càng nhiều các công nghệ hiện đại, giảm thiểu nhân lực thủ công, hạn chế tiếp xúc vào quá trình thực hiện các giao dịch ngân hàng (eKYC, Smart Camera, Face OTP, RPA, OCR, trang bị thêm hệ thống máy CDM và ATM để giảm thiểu các giao dịch thủ công tại quầy….).

Xây dựng các giải pháp ngân hàng, sử dụng BigData Machine Learning, ứng dụng AI vào trong một số quy trình để phục vụ cho việc thanh toán không tiền mặt.

Đồng thời, năm nay, OCB cũng có những kế hoạch để cải thiện đưa lên số hóa các quy trình sản phẩm hiện hữu, tích hợp combo sản phẩm để tối ưu hóa cho từng khách hàng. Mục tiêu trọng tâm của OCB là nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng cường an toàn bảo mật, chất lượng vận hành, năng lực phục vụ, cũng như tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích.

Xin cảm ơn ông!

H Trang