|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ACB sau 9 năm dưới tay người chèo lái Đỗ Minh Toàn

14:00 | 15/01/2022
Chia sẻ
Bắt đầu tiếp nhận vị trí người chèo lái ngân hàng từ cú sốc năm 2012, ông Đỗ Minh Toàn là nhà lãnh đạo đã gắn bó với ACB trong suốt những năm vượt khó và vươn lên ngoạn mục trong thời gian gần đây.
ACB sau 9 năm dưới tay người chèo lái Đỗ Minh Toàn - Ảnh 1.

Ông Đỗ Minh Toàn, cựu Tổng Giám đốc ACB. (Ảnh: ACB).

Ông Đỗ Minh Toàn đã chính thức rời "ghế nóng" điều hành Ngân hàng Á Châu (ACB) sau hơn 9 năm phụ trách. Thay thế cho vị trí của ông là ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh tại ACB liên tục trong nhiều năm.

Theo cho biết từ Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy, sau khi rời khỏi vị trí này, ông Toàn sẽ tiếp tục tham gia vào đội ngũ ACB trên vai trò thành viên, cố vấn cấp cao trong các Ủy Ban, Hội Đồng quan trọng của ACB.

Tiếp nhận vị trí CEO của ACB từ người cũ Lý Xuân Hải ngay sau sự cố bầu Kiên vào tháng 8/2012, 9 năm điều hành của ông Đỗ Minh Toàn  tại ACB là những năm đầy thử thách sóng gió nhưng cũng mang lại sự lột xác thành công cho ngân hàng.

Khởi đầu đầy sóng gió

Có thể nói thời điểm nhậm chức của ông là một khoảng thời gian cực kỳ khó khăn cho ACB, một ngân hàng nằm trong top đầu những ngân hàng tư nhân thời bấy giờ. Ngân hàng phải đối mặt với ảnh hưởng từ việc người dân rút tiền sau khi ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) bị bắt và phải xử lý tồn đọng về kinh doanh vàng khi Ngân hàng Nhà nước thay đổi chủ trương quản lý, hoạt động huy động vàng và cho vay vàng đều dừng lại.

Tuy nhiên, ACB dường như đã ứng khó khá tốt với sự cố rút tiền xảy ra trong tuần cuối tháng 8 và đã khôi phục toàn bộ số dư huy động tiết kiệm VND chỉ trong thời gian hai tháng sau đó.

Mặc dù vậy, ảnh hưởng từ việc đóng mảng kinh doanh vàng cũng khiến ngân hàng "lao đao". Vào cuối năm 2012, tổng vốn huy động của ACB đã giảm 32% so với cuối năm trước; trong đó tiền gửi khách hàng giảm 24%. Tổng tài sản từ 281.019 tỷ đồng về 176.308 tỷ đồng, tương ứng giảm 37% trong khi dư nợ cho vay không thay đổi đáng kể. 

Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2012 của ACB.

Với nhiều biến cố, lợi nhuận hợp nhất của ACB giảm mạnh từ hơn 4.200 tỷ về còn 1.043 tỷ đồng, tức chưa đầy 1/4 con số của năm 2011 và thấp hơn nhiều so với lợi nhuận các năm trước đó.

Thu nhập ngoài lãi của ngân hàng ghi nhận con số âm hơn 1.000 tỷ đồng do thực hiện tất toán trạng thái vàng khiến hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối của ACB lỗ 1.864 tỷ đồng, kéo theo tổng thu nhập thuần của Ngân hàng sụt giảm 22% so với năm 2011.

Số dư nợ xấu tăng vọt lên 2.525 tỷ đồng, đặt biệt là nợ nhóm 5 tăng mạnh từ gần 300 tỷ lên hơn 1.150 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3 đến nhóm 5) của ngân hàng tăng từ 0,89% lên 2,46%.

Đáng chú ý, trong bảng cân đối kế toán của ACB lúc đó có hơn 7.400 tỷ đồng dư nợ liên quan đến nhóm 6 công ty (nhóm bầu Kiên).

Nguồn: BC thường niên ACB.

Sự trở lại ngoạn mục

Khởi đầu không mấy dễ dàng nhưng nhìn vào kết quả mà ngân hàng đã đạt được trong 9 năm vừa qua dưới thời ông Đỗ Minh Toàn có thể thấy được sự thay đổi tích cực. Các chỉ tiêu tổng tài sản, cho vay khách hàng, tiền gửi khách hàng và nợ xấu đều duy trì xu hướng tăng trưởng qua các năm.

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của ACB đã đạt 444.530 tỷ đồng, gấp 2,5 lần; tổng tiền gửi khách hàng gấp 2,8 lần và số dư cho vay khách hàng gấp 3 lần so với cuối năm 2012.

Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng từ khoảng 1.000 tỷ đồng năm 2012 đã vượt 9.500 tỷ đồng trong năm 2020, đây cũng là con số lợi nhuận kỷ lục của ACB từ trước tới nay và nằm trong TOP 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống.

Nguồn: DB tổng hợp từ BCTC ACB.

Tỷ lệ nợ xấu của ACB tăng vọt trong những năm 2012- 2013 và giảm dần trong những năm sau đó. Năm 2017, ngân hàng đã có thể chủ động xử lý được toàn bộ dư nợ đã bán cho VAMC và xử lý dứt điểm các khoản liên quan đến Nhóm 6 công ty. 

Nguồn: DB tổng hợp từ BCTC ACB.

Màn trở lại thành công của ACB là nhờ vào quá trình cải tổ mạnh mẽ từ một ngân hàng mạnh về doanh nghiệp lại thay đổi chiến lược tập trung vào mảng ngân hàng bán lẻ, mảng kinh doanh hiện chiếm đến 82% tổng doanh thu trong các năm qua.

Chúng tôi may mắn có chiến lược và hướng đi đúng ngay từ khi gặp khủng hoảng. Đó là tách bạch giữa ngân hàng thường nhật và ngân hàng tồn đọng, chia đội ngũ lãnh đạo thành hai nhóm: nhóm thứ nhất phải làm sao đẩy ngân hàng lên phía trước, tạo ra doanh thu ổn định và tăng trưởng tốt; nhóm thứ hai quản lý các vấn đề tồn đọng, tập trung xử lý các vấn đề theo thứ tự ưu tiên như liên quan đến tiền, vàng huy động, nợ xấu.

Ông Đỗ Minh Toàn

Trong một báo cáo của CTCK Bảo Việt (BVSC) nhận định ACB là một trong những ngân hàng có chiến lược kinh doanh thận trọng nhất ở Việt Nam và sở hữu mô hình ngân hàng bán lẻ thế chấp tốt nhất hiện nay với 90% khoản vay được bảo đảm.

Các chuyên gia phân tích cũng chỉ ra những lợi thế cạnh tranh của ACB như tỷ trọng cho vay cá nhân và hộ gia đình lớn (hỗ trợ NIM, tối ưu hóa phân tán rủi ro, kiềm chế hình thành nợ xấu mới), khẩu vị rủi ro thấp (ít tiếp xúc với ngành dễ tổn thương như xây dựng, BĐS, du lịch – khách sạn và vận tải). Những yếu tố đó khiến ACB ít chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp và các ngân hàng khác ACB cũng đứng trước thách thức khá lớn khi thu từ mảng bancassurance (mảng chiếm 50% thu phí dịch vụ) giảm khi làn sóng dịch thứ 4 ảnh hưởng mạnh đến khu vực phía Nam, địa bàn hoạt động chính của ngân hàng. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng cùng với NIM đều giảm cũng là một thách thức của ngân hàng.

Vào cuối quý III/2021, tổng dư nợ được cơ cấu lại của ACB tăng lên 13.400 tỷ, ngân hàng chia sẻ đã trích lập 2.069 tỷ cho các khoản vay cơ cấu lại này, đồng thời khẳng định sẽ trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ cơ cấu lại trong năm. 

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm của ACB đạt 8.968 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Hiện ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính năm 2021, tuy nhiên nhiều công ty chứng khoán dự báo lợi nhuận của ACB dao động từ 11.700 - 11.800 tỷ đồng.

Cụ thể, SSI Research kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của ACB ước tăng 23% trong năm 2021 đạt 11.800 tỷ đồng và tăng 24% trong năm 2022 đạt 14.700 tỷ đồng, ước tính không bao gồm hoàn nhập dự phòng hay việc các khoản lãi dự thu ngoại bảng quay trở lại nội bảng.

Ông Đỗ Minh Toàn được bổ nhiệm Tổng Giám đốc năm 2012. Ông tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành ngân hàng Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, Cử nhân Quản trị ngoại thương Trường Đại học Kinh tế TP HCM, Cử nhân Luật Trường Đại học Luật TP HCM, và Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Trường Đại học Colombia Southern, Hoa Kỳ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Diệp Bình

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.